Chia sẻ với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, anh Phạm Công Trình (25 tuổi) ở thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) – là một trong những nạn nhân may mắn chỉ bị thương nhẹ trong vụ tai nạn thảm khốc trên cho biết, sau khi vụ tai nạn xảy ra, anh cùng vài nạn nhân khác đã bị mất hành lý, mất điện thoại, tài sản, thậm chí phải bỏ tiền ra chuộc lại đồ của người thân đã tử vong trong vụ tai nạn.
Theo anh Trình, sau khi chiếc xe khách giường nằm của hãng xe Sao Việt rơi xuống vực, anh may mắn còn tỉnh táo, cố bò trong đêm tối tìm chị Đỗ Thị Lan (24 tuổi), là vợ anh nhưng bất lực. Khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, anh không nhận được tin tức gì của chị Lan. Anh có mượn máy điện thoại để gọi vào số của chị Lan (vì máy điện thoại của anh cũng do chị Lan cầm) và máy có đổ chuông nhưng không có người trả lời.
"Đến đêm muộn hôm ấy, tôi nhận được cuộc gọi ngược lại từ số của Lan, giọng một người đàn ông nói vẻn vẹn một câu “chị ấy mất rồi”, đừng tìm nữa và cúp máy. Sau đó, tôi có liên lạc lại nhưng không được" - anh Trình cho biết.
Nằm ở bệnh viện Lào Cai 1 ngày thì anh theo xe về quê an táng cho vợ, nhưng lúc nào anh cũng muốn tìm lại chiếc điện thoại của Lan vì đó là kỉ vật lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của hai người, tuy nhiên, anh Trình liên tục gọi điện và nhắn tin vào số điện thoại của chị Lan nhưng đều không có hồi âm.
“Về sau, tôi mới biết được chiếc điện thoại đó đã được bán cho một cửa hàng điện thoại ở chợ Phong Liên –Lào Cai. Chủ cửa hàng điện thoại này sau khi mua nó về thì vẫn vào được facebook của Lan nên đã đăng tin lên đó, nhắn gia đình hay người thân nếu muốn lấy lại thì đến chuộc. Vì vậy, tôi đã phải nhờ người nhà của mình ở lào Cai đến đó chuộc lại chiếc điện thoại với giá 1,7 triệu đồng, sau đó gửi xe về quê cho tôi” – anh Trình cho biết thêm.
Chiếc điện thoại có giá hơn 3 triệu đồng vừa mua mấy tháng đã được gia đình chuộc về nhưng không có sim, máy vẫn còn nguyên vẹn và không có dấu hiệu trầy xước. Anh Trình khẳng định: "Chắc chắn đã có người lấy nó ra từ túi quần của vợ tôi, không thể tin nổi lại có những người vô lương tâm đến vậy".
Cách đây một ngày, anh Trình đã gọi vào số sim của người vợ quá cố, thì có một người đàn ông nghe máy dùng lời lẽ chợ búa, thậm chí đe dọa khi anh Trình đề nghị người này cho biết về chiếc sim của chị Lan.
Chia sẻ thêm, anh Trình cho biết anh không nhận lại được bất cứ đồ đạc nào sau vụ tai nạn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, Đại tá Phạm Gia Chiến – Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Lào Cai cho biết, ngay khi vụ tai nạn vừa xảy ra, ông đã lập tức có mặt tại hiện trường và chỉ đạo tất cả lực lượng công an, cảnh sát thu thập tài sản của những người bị nạn, sau đó tập trung toàn bộ số tài sản trên lại và cho lên xe ô tô để lực lượng dân quân và công an xã bảo vệ, đồng thời đưa toàn bộ tài sản về công an huyện Bát Xát.
“Có thể, tất cả tài sản đã không thu thập được hết bởi vụ tai nạn xảy ra trong đêm tối, hơn nữa địa hình lại hiểm trở và khá rộng. Với những nạn nhân không tìm lại được tài sản của mình thì cần liên hệ với công an huyện Bát Xát để xác minh” – Đại tá Chiến cho hay.
Cũng theo Đại tá Chiến, thì nếu thực sự xảy ra tình trạng hôi của thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm.
“Với trường hợp của anh Phạm Công Trình, chỉ cần cung cấp địa chỉ của cửa hàng điện thoại đã bắt anh chuộc lại điện thoại của người thân tử vong trong vụ xe khách, chúng tôi sẽ yêu cầu cửa hàng trả lại tài sản cho gia đình” – Đại tá Chiến nhấn mạnh.