Hiện nay, việc sử dụng xe công của các cơ quan ban ngành nhà nước để đi lễ hội, đền, chùa vẫn còn khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên việc phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm vẫn còn khá xem nhẹ.
Ngày 7/2, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký công điện nghiêm cấm việc sử dụng xe công đi lễ hội, đền chùa. Kèm theo đó, Chủ tịch UBND cũng đã thành lập đường dây nóng để khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân có thể giám sát, phản ánh ngay khi phát hiện người sử dụng xe công đi làm việc riêng.
Chiếc xe biển xanh 36A-003.10 lùi vào bãi đổ xe vào đền ông Hoàng Mười (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào chiều ngày 8/2.
Tuy nhiên, phớt lờ lệnh cấm của UBND tỉnh Thanh Hóa, các xe biển xanh của tỉnh này vẫn “nườm nượp” đi lễ hội.
Ngày 9/2, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có phản ánh bài viết: “Phớt lờ lệnh cấm, xe biển xanh dùng túi nilon che biển để đi lễ”. Trong bài viết, có 2 chiếc xe mang biển xanh tỉnh Thanh Hóa có mặt tại khu vực đền ông Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
Để hiểu rõ hơn về việc xử lý trường hợp vi phạm, ngày 10/2, PV đã liên hệ theo đường dây nóng vào số 0912293495 để xác minh việc 2 chiếc xe mang biển xanh tỉnh Thanh Hóa đi lễ đền.
Sau khi phản ánh về 2 chiếc xe mang BKS 36A-003.10 và 36B-2529 đi lễ, người trực đường dây nóng cho biết: “Để mình báo cáo lãnh đạo, rồi phải xác minh chiếc xe ấy của đơn vị nào đã”.
Chiếc xe biển xanh 36A-003.10 sau đó đã yêu cầu người trông xe dùng giấy báo dán biển số lại để tránh sự nhòm ngó.
Và sau đó tài xế xe đã cho lùi sâu vào nhà dân để "nấp".
Chiều cùng ngày, PV tiếp tục liên hệ vào đường dây nóng 0912293495 để tìm hiểu và được vị lãnh đạo này cho biết: “Lúc sáng đã báo cáo lãnh đạo phòng rồi. Khi nào xử lý thì UBND tỉnh sẽ có văn bản. Cứ yên tâm mà”.
Khi PV hỏi, trước đó UBND tỉnh đã phát hiện được thêm trường hợp nào và đã xử lý trường hợp nào chưa? Thì vị lãnh đạo này cho biết: “Chưa, bây giờ mới phát hiện được. Trước đấy cũng có 1 số phản ánh nhưng mà phải xem kỹ”.
PV tiếp tục hỏi khi đã phát hiện được trường hợp vi phạm thì phía UBND tỉnh đã có hình thức nào để xử lý cho phù hợp chưa? Trách nhiệm xử lý của các sở ban ngành liên quan hay UBND tỉnh? Vị cán bộ này trả lời: “Cái đấy thì phải giao cho các ngành họ tham mưu chứ. Tham mưu, xem xét rồi mình mới xử lý. Mình phải xác minh thực tế nó như thế nào. Mình giao cho họ tham mưu rồi đề xuất cho UBND tỉnh xử lý”.
Để có thêm ý kiến cụ thể về vụ việc này, PV đề cập xin số điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để liên hệ làm việc nhưng người này ậm ừ rồi nói: “Em vào cổng thông tin điện tử UBND tỉnh mà lấy”. Trong trang cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ cung cấp số điện thoại bàn và khi PV liên hệ thì không có ai nhấc máy.
Hiện nay, việc sử dụng xe công để làm việc riêng, đi lễ hội, đền, chùa của các công chức đã được người dân và các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh khá nhiều. Tuy nhiên, vấn đề xử lý những trường hợp sai phạm đó như thế nào thì không có quy định cụ thể. Phải chăng, quy định cấm xe công làm việc riêng chỉ là quy định trên giấy?