Xây trường mầm non 3 tỷ để... trồng rau, nuôi vịt

Lan Nhi |

(Soha.vn) - Trong khi không ít các địa phương vẫn thiếu trường lớp và cơ sở mầm non thì tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội một ngồi trường trị giá gần 3 tỷ đồng bị bỏ hoang.

Hơn 8 năm kể từ ngày hoàn thành, trường mẫu giáo của xã Tráng Việt, huyện Mê Linh với số tiền đầu tư lên tới gần 3 tỷ đồng vẫn chưa một lần mở cửa đón trẻ. Toàn bộ diện tích gần 1.000m2 của ngôi trường được người dân trồng cây và chăn thả gia cầm.

Ông Lê Văn Sửu và bà Lê Thị Thích là chủ bán đất cho xã. Theo ông Sửu, UBND xã Tráng Việt đã hứa đền bù đất và trả tiền đất trong vòng 1 năm nhưng cho đến tháng 10/2013 vẫn bặt vô âm tín. Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được gửi lên xã nhưng họ vẫn chưa một lần nhận được lời giải đáp, bởi vậy các chủ hộ đất vẫn kiên quyết không mở cửa cho trẻ vào học.


	Trường mầm non Tráng Việt sau 8 năm xây dựng

Trường mầm non Tráng Việt sau 8 năm xây dựng

Vì vậy, gần 1.000 trẻ em trong xã phải học tại các nhà văn hóa thôn, cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện giảng dạy chật hẹp. “200 cháu chỉ chơi trong không gian tại 3 chiếc cầu thang, dùng chung 1 bề nước, 1 nhà vệ sinh và trẻ phải học trong lớp chật hẹp. Theo quy định, một lớp trẻ ở độ tuổi mầm non với diện tích 30m2 thì chỉ trông 25 – 30 cháu. Thế nhưng, lớp học tạm ở nhà văn hóa thôn diện tích chỉ 17 m2 mà có đến 39 cháu học” - cô Lương Thị Phương - giáo viên trường mầm non Tráng Việt cho biết.

Ông Lê Văn Kế, người trong xã Tráng Việt tâm sự: “Những ngày thôn, xã không có việc thì các cháu học bình thường, nhưng những hôm họp hành thì các cháu phải nghỉ hoặc phải ghép chung vào một phòng để học, điều kiện học tập như thế thì không đảm bảo chất lượng dạy và học”.


	Trẻ mầm non phải chen chúc học tập tại nhà văn hóa thôn, trong khi cách đó khoảng 500m, một ngôi trường đã được đầu tư xây dựng từ năm 2005 lại bị bỏ hoang và ngày càng xuống cấp.

Trẻ mầm non phải chen chúc học tập tại nhà văn hóa thôn, trong khi cách đó khoảng 500m, một ngôi trường đã được đầu tư xây dựng từ năm 2005 lại bị bỏ hoang và ngày càng xuống cấp.

Chúng tôi đã liên lạc với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mê Linh để tìm hiểu về sự việc trên. Tuy nhiên, qua nhiều lần đến và gọi điện đặt lịch, chúng tôi đều bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau.

Trong 1 lần đặt lịch, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mê Linh hẹn phóng viên vào 9 giờ sáng ngày thứ ba (7/1/2014), chúng tôi đã có mặt đúng giờ nhưng lại nhận được câu trả lời là lãnh đạo bận đi họp trên sở. Chúng tôi vẫn kiên trì ngồi đợi, đến 12 giờ trưa thì nhân viên của phòng cho hay, “chiều nay sếp anh phải đi đám ma trên Hà Nội”.

Ngày hôm sau (8/1/2014) chúng tôi liên lạc lại với trưởng phòng thì nhận được câu trả lời: “Anh đang họp, để lúc khác”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thìn - Phó chủ tịch UBND xã Tráng Việt đã lý giải về sự chậm trễ trong việc xây trường và xây xong không được sử dụng bằng những câu trả lời rất chung chung: “Cách làm việc từ những năm trước có sự thiếu nhất định, khi mà quyền lợi của người dân chưa được đền đáp thỏa đáng thì họ không giao đất. Bây giờ trả đất nơi khác cho người dân thì phải xin ý kiến ở trên thành phố, rồi các sở như Sở Kiến trúc, Sở Xây dựng".

Khi được hỏi về số tiền đầu tư xây dựng cho trường mầm non Tráng Việt, chúng tôi bất ngờ khi ông Thìn trả lời: “Tiền là vấn đề tài chính, chúng tôi cũng không nắm được cụ thể đâu. Xây dựng thì trong một năm là xong nhưng trong quá trình chuyển giao đất thì chúng tôi lại phải xin ý kiến của TP. Hà Nội…”. 


	Biên bản ký nhận giao đất giữa chủ hộ và UBND xã Tráng Việt được thực hiện cách đây 8 năm.

Biên bản ký nhận giao đất giữa chủ hộ và UBND xã Tráng Việt được thực hiện cách đây 8 năm.

Phản ánh tại xã không được, các chủ hộ có đất đã mang đơn lên huyện.

Tháng 11/2013, UBND huyện Mê Linh trực tiếp chỉ đạo tu sửa lại trường và xây dựng thêm công trình phụ và hứa sẽ hoàn thiện trong quý 4 của năm 2014. Nhưng điều mà người dân lo lắng: Liệu huyện có làm đúng quy trình hay lại một lần nữa trường mầm non Tráng Việt lại chỉ mở cửa để chăn nuôi gà, vịt và trồng rau và cây ăn quả?!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại