"GS Phan Huy Lê có góp ý cho chúng tôi thông qua báo chí là có thể tính tới một phương án khác và hãy tạm dừng phương án xây cầu vượt lại. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã tính tới các phương án khác, và trong đó có cả phương án lý giải hết sức thỏa đáng cho GS Lê", ông Nguyễn Sỹ Bảo - GĐ BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho hay.
Sau khi ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cùng đơn vị tư vấn, các sở ngành liên quan tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện và lựa chọn phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo đúng quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, giao thông, đảm bảo bảo tồn di tích đàn Xã Tắc, tôn tạo khu dấu tích, hài hòa cảnh quan kiến trúc và đảm bảo điều kiện sống của các nhà dân trong khu vực, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia của các Hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà sử học, văn hóa, ý kiến cộng đồng...
Ông Nguyễn Sỹ Bảo – GĐ BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, đang cùng với đơn vị tư vấn tập hợp tất cả ý kiến của các chuyên gia (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp qua báo chí) để đưa ra những phương án hợp lý nhất.
"Tôi khẳng định rằng, ý kiến góp ý của tất cả các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ… đều trên tinh thần xây dựng. Và nhờ có những góp ý, phản biện của họ mà chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công việc của mình.
GS Phan Huy Lê có góp ý cho chúng tôi thông qua báo chí là có thể tính tới một phương án khác và hãy tạm dừng phương án xây cầu vượt lại. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã tính tới các phương án khác, và trong đó có cả phương án lý giải hết sức thỏa đáng cho GS Lê.
Cụ thể về những phương án đó, chúng tôi sẽ gửi tới Giáo sư Lê và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam trong ít ngày tới, đồng thời sẽ có trình bày tại hội thảo để các nhà khoa học tiếp tục phản biện, góp ý cho dự án", ông Bảo cho biết.
Ông Nguyễn Sỹ Bảo - GĐ BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho hay.
Bên cạnh đó, người đứng đầu đơn vị làm chủ đầu tư dự án này cũng thừa nhận, khi triển khai dự án xây dựng có liên quan tới di tích là một việc rất khó và mong rằng các nhà khoa học sẽ có nhiều góp ý trên tinh thần xây dựng.
"Nếu hỏi rằng thực hiện dự án ở đây thì có ảnh hưởng tới di tích không thì phải khẳng định là có ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế vào năm 2006-2007 khi phát hiện ra di tích mà chúng ta vẫn hoàn thành được con đường, còn lần này chúng ta chỉ làm thêm một cây cầu, mà lại có cả sự vào cuộc của các nhà sử học, các chuyên gia... thì tôi tin rằng sẽ tìm ra được phương án hợp lý nhất.
Chúng tôi mong rằng dự án không bị tắc lại quá lâu, vì điều đó trước tiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, không chỉ bây giờ mà còn nhiều năm sau này, khi mà dân số và mật độ giao thông ngày càng tăng lên", ông Bảo nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Sỹ Bảo cũng thông tin thêm, để ra được các phương án này, quá trình nghiên cứu cũng đã thỏa thuận, xin ý kiến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ GTVT, đại diện các Sở Ngành của TP, Hội quy hoạch PTĐT Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội cầu đường Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng, Hội đồng kiến trúc quy hoạch Thành phố (gồm các nhà quản lý đại diện các Sở Ngành, chuyên gia các Trường đại học, Hội nghề nghiệp...).
"Mọi phương án đều công khai, quan điểm là những gì triển khai trong thời gian tới cũng công khai, cái gì làm chưa tốt thì phải điều chỉnh. Về phía chủ đầu tư là đơn vị chúng tôi khi triển khai dự án này trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các kế hoạch đầu tư phát triển của Thành phố gắn với việc thực hiện theo Luật di sản, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý văn hóa Trung ương và Hà Nội.
Ban đầu theo dự kiến tính toán hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng, cây cầu chạy qua đàn Xã Tắc sẽ có 5 nhịp thép và 6 nhịp bê tông. Tuy nhiên, trong những phương án mới nhất dự kiến sẽ làm hoàn toàn thép, để đảm bảo trong tương lai nếu có khai quật di tích và cần điều chỉnh những gì liên quan tới cây cầu thì dễ xử lý".
Trả lời câu hỏi có nhất thiết phải xây một cây cầu qua nút giao thông này không? Ông Nguyễn Sỹ Bảo khẳng định: "Chắc chắn phải như vậy thì mới thông được vành đai 1. Trong khi tiến hành lập phương án thì chính đơn vị thi công chúng tôi phải thực hiện theo luật di sản, thấy có vấn đề là phải báo cáo ngay lãnh đạo các cấp.
Tôi tin rằng các nhà sử học cũng muốn chúng tôi làm được một con đường để góp phần thuận lợi cho giao thông thành phố, nhưng cũng phải làm sao đảm bảo được yếu tố bảo tồn. Còn có những ý kiến quá nghiêng về một phía, khăng khăng không được phép triển khai dự án mà cứ phải giữ nguyên trạng thì tôi nghĩ rằng quá cực đoan.
Tôi cho rằng, chúng ta bảo tồn phải song song với phát triển. Nếu chúng ta quá thiên về bảo tồn, vậy xin hỏi rằng con cháu chúng ta bây giờ và cả sau này khổ sở mỗi lần qua nút giao thông này, thì ai sẽ chịu? Chính con cháu chúng ta phải chịu"