Trao đổi với VietNamNet, TS Phan Kế Long, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Hà Nội, đơn vị hiện đang lưu giữ xác "cụ rùa Hồ Gươm" cho hay.
Theo ông Long, phương pháp nhựa hóa hiện là phương pháp hiện đại nhất thế giới với khả năng giữ nguyên trạng thi thể được bảo quản.
Để tiến hành phương pháp này, người ta sẽ tiến hành hút hết dịch trong mo của thi thể sau đó thay dịch bằng một loại nhựa đặc biệt.
Loại nhựa đặc biệt này khi bơm vào cơ thể sẽ thẩm thấu vào các tế bào và làm khô lại, giúp giữ nguyên cấu trúc cơ thể.
Theo thông tin từ ông Hà Đình Đức, người chuyên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, trong cuộc họp bàn phương án bảo quản xác cụ rùa Hồ Gươm được tổ chức trước đó, các nhà khoa học đề xuất 3 phương án gồm: Bảo quản khô, bảo quản ướt và phương pháp nhựa hóa.
Phương pháp bảo quản khô chính là làm tiêu bản xác động vật giống như rùa trong đền Ngọc Sơn. Còn phương pháp bảo quản ướt là ngâm xác trong dung dịch cồn để bảo quản.
Trong 3 phương án này, Sở Khoa học và Công nghệ đã quyết định lựa chọn phương pháp nhựa hóa để tiến hành bảo quản xác rùa Hồ Gươm.
Theo thông tin từ TS Long, hiện tại đơn vị này đang tiến hành tìm hiểu việc nhập khẩu nguyên liêu và mời chuyên gia để tiến hành thực hiện bảo quản xác "cụ rùa Hồ Gươm" theo phương pháp này.
Theo dự kiến, khoảng 18-19/4 tới đây, hai chuyên gia từ Đức sẽ sang Việt Nam để khảo sát để tiến hành bảo quản xác cụ rùa Hồ Gươm.
Về kinh phí thực hiện việc bảo quản xác "cụ rùa Hồ Gươm", ông Long cho hay, để tiến hành phương pháp này phải sử dụng một loại nhựa đặc biệt chỉ có thể nhập khẩu.
Việc nhập khẩu phải được tiến hành qua nhiều khâu với nhiều loại thủ tục và phí khác nhau.
"Việc mời 2 chuyên gia từ Đức sang Việt Nam cũng phải tính lương cho họ nên hiện tại, chúng tôi vãn chưa tính toán được chi phí cụ thể cho việc bảo quản xác cụ rùa Hồ Gươm bằng phương pháp này", TS Long cho hay.
Về thời gian thực hiện, theo TS Long, nếu mọi việc suôn sẻ thì thời gian để hoàn thành "nhựa hóa cụ rùa Hồ Gươm" sẽ vào khoảng 12 tháng.
Trước đó, vào ngày 19/1/2016, "cụ rùa Hồ Gươm" được phát hiện đã chết . Xác rùa sau đó được đưa vào Đền Ngọc Sơn rồi chuyển về bảo quản tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản tại phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C.
Phương pháp nhựa hóa trong bảo quản thi thể
Phương pháp nhựa hóa (plastination) trong bảo quản thi thể do Gunther von Hagens, người Đức phát triển từ năm 1977.
Tới năm 1993, Hagens đã thành lập Viện Nhựa hóa tại thành phố Heidelberg, Đức huyên tẩm xác người bằng nhựa để bảo tồn với mục đích phục vụ y khoa và giáo dục.
Phương pháp nhựa hóa được tiến hành qua 4 bước: Bước đầu tiên là bơm chất sát trùng formalin qua động mạch và mổ xẻ xác.
Sau đó, chất béo và nước được đưa khỏi cơ thể bằng cách ngâm xác trong bồn acetone. Hóa chất này sẽ hút cạn và thay thế mọi chất lỏng ở các tế bào trong cơ thể.
Tiếp theo, xác được chuyển sang bồn chứa nhựa lỏng như expoxyresin hoặc cao su silicone rồi đặt trong buồng chân không. Môi trường chân không làm acetone trong tế bào sôi lên và bốc hơi, nhờ đó nhựa lỏng có thể tràn vào cơ thể.
Ở bước cuối, những cơ thể được đặt theo tư thế mong muốn và làm cứng bằng nhiệt hoặc tia UV.