Chuyện tưởng như đùa xảy ra ở xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, Cà Mau: Theo yêu cầu của hai bên gia đình, chính quyền xã Tạ An Khương Nam đã lập biên bản ghi nhận sự thỏa thuận nhà trai được hỏi cưới bé gái 12 tuổi về làm vợ!
Biên bản lạ lùng
Theo chủ tịch xã Tạ An Khương Nam, ngày 9-12 xã có làm việc với hai bên gia đình của em Kha Thị K.E. (sinh ngày 16-12-2003), ngụ xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, Kiên Giang với gia đình Trương Vũ Khanh (20 tuổi), ngụ xã Tạ An Khương Nam.
Theo trình báo của gia đình em K.E., Khanh và bé K.E. quen nhau qua mạng xã hội. Ngày 5-12, bé K.E. bỏ nhà đi chơi với Khanh.
Năm ngày sau cha K.E. tìm gặp được cháu đang ở nhà Khanh nên kéo hai bên ra xã làm việc, yêu cầu chính quyền lập biên bản ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên là cha mẹ của Khanh phải đến gia đình cháu K.E. hỏi cưới, nếu không sẽ tố cáo chuyện Khanh rủ cháu gái đi chơi.
Chính quyền xã bao gồm đại diện Đảng ủy xã, Công an xã, trưởng ấp Tân An Ninh A (nơi Khanh cư trú), tư pháp xã và Chủ tịch xã Trần Quang Trung cùng dự, chứng kiến và xác nhận vào nội dung và sự thỏa thuận trên.
Biên bản ghi rõ: “Qua trao đổi, bàn bạc và đi đến thống nhất như sau:
Đến ngày 12-12 (nhằm ngày 2-11 âm lịch), phía ông Trương Hoàng Nam, cha ruột của Khanh, cùng gia đình phải đến nhà K.E. ở Gò Quao trao đổi, bàn bạc để hỏi cưới em K.E. cho Khanh thành vợ thành chồng”.
Biên bản cũng nêu rõ “hai bên đồng thuận cao sự trao đổi trên, đồng thời phía gia đình K.E. không yêu cầu xử lý về pháp luật đối với sự vụ trên.
Bằng ngược lại, nếu đúng ngày 12-12 mà phía ông Nam không qua hỏi cưới thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Phía dưới biên bản đóng mộc của xã cùng sự chứng kiến của các thành phần như nêu trên.
Nội dung biên bản “có một không hai” của xã. Ảnh: TRẦN VŨ
“Chúng tôi đã sai, sẽ rút kinh nghiệm”
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Nam - huyện Đầm Dơi, lý giải: “Phía gia đình của em K.E. yêu cầu phải lập biên bản để làm bằng chứng cho sự thỏa thuận của hai bên gia đình.
Hôm đó công việc nhiều quá nên tôi cũng thiếu quan tâm, thấy hòa giải xong thì thôi. Nay kiểm tra lại thì thấy biên bản hôm đó lý ra phải ghi rõ là thỏa thuận phía Khanh phải cưới K.E. nhưng phải chờ K.E. đủ 18 tuổi, đúng với luật hôn nhân gia đình.
Qua đây, chúng tôi đã thấy sai, sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc”.
Về hướng xử lý với biên bản thỏa thuận trên, ông Trung cho biết: “Sẽ thu hồi, hủy biên bản sai trên”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi “khi tiếp nhận sự việc như vậy xã phải giải quyết thế nào mới đúng?”, ông Trung nói:
“Lý ra chúng tôi chỉ giải thích về pháp luật, động viên hai bên gia đình phải làm đúng theo luật hôn nhân gia đình, tức chỉ được cưới gả khi đủ tuổi, nam 20, nữ 18 tuổi trở lên”.
Về thỏa thuận hỏi cưới giữa hai bên, chiều 22-12, ông Tô Phương Hùng, công chức tư pháp xã, thông tin: “Đám cưới theo thỏa thuận chưa diễn ra!”.
Chúng tôi đặt vấn đề: Khanh và K.E. trốn nhà đi chơi nhiều ngày, trước khi lập biên bản xã có xác minh, hỏi các “đương sự” liệu họ có làm “chuyện người lớn” hay không, đại diện xã cho hay xã không làm động tác này…
Thỏa thuận trái pháp luật, đạo đức xã hội
Theo luật gia Nguyễn Thanh Hùng, trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Cà Mau, việc ghi nhận thỏa thuận của xã là sai.
Xã có thẩm quyền xác nhận một số giao dịch dân sự theo phân cấp nhưng với bất kỳ giao dịch nào trái pháp luật, đạo đức xã hội thì không thể xác nhận. Trường hợp này là vi phạm Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
“Khi vừa phát hiện sự việc K.E. đòi làm vợ ở tuổi 12, các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em tại địa phương và cơ quan công an phải can thiệp ngay” - ông Hùng nói.