“Công ty Hoa Mai thông báo bỏ mẫu xe xanh chạy tuyến bến xe Miền Đông, mẫu xe Hoa Mai mới chỉ có biển số 72B..., không có biển số 51B, 53L”; “Xe Toàn Thắng chỉ có biển số 72B..., không có biển số 51B, 53L... Kính mong quý khách lưu ý”.
Đó là hai nội dung cảnh báo được dán bên hông và trước đầu hàng trăm xe của Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoa Mai (gọi tắt Hoa Mai) và Công ty TNHH Toàn Thắng (gọi tắt Toàn Thắng).
Hai công ty này là doanh nghiệp đồng khai thác vận chuyển hành khách tuyến cố định TP Vũng Tàu - TP.HCM.
Đe dọa hành khách
Theo tìm hiểu, tại TP.HCM các loại xe mạo danh công ty Hoa Mai, Toàn Thắng thường “mật phục” chèo kéo khách quanh các bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh), Miền Tây (Q.Bình Tân) và một số điểm dọc quốc lộ 1 như ngã tư Bình Phước, cầu vượt Sóng Thần, bến xe Lam Hồng, Suối Tiên, ngã tư Vũng Tàu.
Tại TP Vũng Tàu, đội quân này thường đậu quanh khu vực ngã tư Giếng Nước hoặc trên đường Lê Văn Lộc (giáp ranh P.6 và P.7, TP Vũng Tàu).
Không chỉ mạo danh về thương hiệu, họ còn sơn phết màu sơn, dán logo, lộ trình tuyến, ghi cả số điện thoại, địa chỉ... của nhà xe thương hiệu để lừa hành khách.
Tìm hiểu của Tuổi Trẻ cho thấy trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu (và ngược lại) hiện có trên 40 chiếc xe mạo danh hai nhà xe Hoa Mai và Toàn Thắng, một số ít đeo biển số Vũng Tàu, còn lại mang biển số TP.HCM.
Sáng 25-12, chỉ trong vòng 30 phút quan sát tại khu vực ngã tư Vũng Tàu, có năm xe khách loại 16 chỗ đeo biển số TP.HCM, dán logo Toàn Thắng trước đầu, bên hông xe nối đuôi nhau chạy vét khách.
Nhìn bề ngoài, các xe này được trang trí màu sơn, tên công ty và cả số điện thoại như xe thật.
Chiều cùng ngày, trên quốc lộ 51 (đoạn qua H.Tân Thành) cũng xuất hiện hai xe biển số TP.HCM “giới thiệu” là của nhà xe Toàn Thắng và Hoa Mai lôi kéo khách lên xe.
Dù chỉ đi nửa chặng đường, nhưng cả hai xe này đều thu theo giá toàn tuyến là 80.000 đồng.
Khu vực Suối Tiên (Q.9) là bến đỗ của xe mang biển số TP.HCM. Chiếc xe này làm giả từng chi tiết của nhà xe Hoa Mai. Khoảng 11g30 ngày 26-12, xe giả “Công ty Hoa Mai” chạy về ngã ba Vũng Tàu.
Khách bước lên, lơ xe liền chặn cửa đòi 50.000 đồng.
Khách thắc mắc giá xe quá đắt, nghi ngờ xe nhái thương hiệu, lơ xe lập tức gằn giọng: “ĐM, nhái đâu mà nhái. Xe công ty người ta mà nhái sao được. Xe người ta có phiếu xuất bến, tí nữa xe chạy về bến có nguyên một dàn xe 51B”.
Thu tiền xong, xe chạy lòng vòng quanh khu vực Suối Tiên. Một số hành khách trên xe bực bội gọi điện cho Hãng xe Hoa Mai mới phát hiện mình ngồi xe giả.
Một hành khách đòi lại tiền vé thì lơ xe giả lả: “Mày về gần đây thì cứ đợi tí, xe chạy liền. Tiền vé tao đưa cho ông tài xế rồi”.
Trên xe có một cô gái tỏ thái độ bực dọc thì bị lơ xe chửi: “ĐM, đợi kiếm thêm một hai vé nữa. Đi gần có phải đi xa đâu mà vội. Ai cũng phải đợi cả”.
Không chỉ mạo danh xe thương hiệu để “cướp” khách, thu “lố” tiền xe, các xe mạo danh còn giở thói côn đồ đe dọa hành hung hành khách.
Anh Trần Xuân Lành (ngụ P.Trung Mỹ Tây, Q.12) cho biết anh đi công tác ở Vũng Tàu, ra ngã tư Bình Phước đón xe.
Vừa đứng ít phút, xe mang biển số TP.HCM giả dạng xe Hoa Mai đến rước. Trên xe có một tài xế, hai phụ xe mặt mũi bặm trợn “hét” giá vé 90.000 đồng (thực tế 80.000 đồng).
“Khi tôi thắc mắc thì lơ xe nói mới tăng giá. Tài xế chạy rất ẩu, liên tục cúp đầu xe tải, lạng lách vào cả làn xe máy. Bực nhất là họ cho xe chạy lòng vòng bốn lần quanh cầu vượt Bình Phước, cầu vượt Gò Dưa, không chịu chạy ngay” - anh Lành kể.
Thấy không ổn, anh Lành cùng hai hành khách đòi xuống thì tài xế và lơ xe không cho xuống, đồng thời rút ống tuýp sắt trên xe đe dọa hành hung.
“Tôi quá hoảng sợ, lo lắng nên gọi điện cho cảnh sát 113. Khi thấy tôi gọi điện, tài xế và lơ xe liên tục dùng lời lẽ tục tĩu chửi bới, đẩy tôi xuống giữa đường và hăm dọa sẽ cho người chém tôi” - anh Lành bức xúc.
Đại diện Công ty TNHH vận tải Toàn Thắng đưa bức ảnh ghi nhận các xe giả mạo xe của công ty để hoạt động - Ảnh: T.Tùn
Bất lực?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Đào - giám đốc điều hành Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoa Mai - tỏ ra bất lực trước việc xe mạo danh công ty lừa khách.
“Thời gian qua công ty chúng tôi liên tục nhận được phản ảnh của hành khách than phiền việc họ lên phải xe giả, xe nhái. Nhiều hành khách đòi xuống thì bị các đối tượng trên xe giở thói côn đồ.
Có trường hợp hành khách là công an lên nhầm xe, cự cãi cũng bị các đối tượng hành hung. Vừa rồi công ty phải làm đơn cầu cứu kèm theo các biển số xe giả mạo gửi Sở GTVT Vũng Tàu, TP.HCM nhờ hỗ trợ xác minh” - ông Đào nói.
Kết quả xác minh của Sở GTVT TP.HCM cho thấy trong số 26 xe mạo danh thương hiệu Hoa Mai có tới 22 xe thuộc các hợp tác xã kinh doanh vận tải ở TP.HCM quản lý, bốn xe không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách hoặc không có thông tin.
Theo ông Đào, các xe mạo danh “ngụy trang” y như xe thật. Các xe này phần lớn đã xuống cấp. “Các xe giả mạo này rất giống với xe thật, đều được dán logo, số điện thoại, màu sơn của hãng.
Thậm chí tài xế, lơ xe cũng mặc đồng phục như nhân viên của hãng” - ông Đào cho biết.
Theo ông Đào, công ty nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết nạn xe giả nhưng không mấy hiệu quả.
“Ngoài việc dán cảnh báo hành khách, mới đây công ty buộc phải chuyển đổi 40 xe khách loại 16 chỗ màu xanh chạy tuyến TP Vũng Tàu - bến xe Miền Đông sang màu xám bạc.
Nhóm chạy xe giả liền cử nhiều đối tượng giả bộ hành khách mang mắm tôm vứt lên các xe.
“Hiện trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu có trên 20 xe giả Hãng Hoa Mai. Xe Hoa Mai chỉ sử dụng biển số đầu là 72B, các xe biển số TP.HCM đều là giả mạo” - ông Đào khẳng định.
Ông Trần Ngọc Khanh - giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng - cũng cho biết đang rất đau đầu với nạn xe dù “đội lốt” nhà xe.
Theo ông Khanh, khoảng hai tháng trở lại đây hiện tượng mạo danh nhà xe ngày càng nhiều, theo ghi nhận có gần 30 chiếc xe giả mạo, chủ yếu các xe biển số TP.HCM.
“Nhiều trường hợp khách hàng đã đặt chỗ, khi xe chúng tôi đến thì xe giả cướp khách đi mất” - ông Trần Ngọc Minh, phó giám đốc công ty, nói.
Theo ông Minh, công ty nhiều lần cử nhân viên đi thực tế chụp hình các xe giả mạo và bị các đối tượng này rượt đuổi đánh đập, ép xóa hình ảnh.
Công ty có gửi đơn đến Công an TP Vũng Tàu đề nghị can thiệp, nhưng đến nay tình trạng xe mạo danh lừa khách vẫn chưa được khắc phục.
“Phù phép”
Sáng 26-12, quan sát tại khu vực cầu vượt Bình Phước (Q.Thủ Đức) chúng tôi phát hiện xe khách 51B-10138 loại 16 chỗ, màu xám đậu bên lề đường.
Ít phút sau, chỉ vài thao tác biến hóa, lơ xe đã biến xe từ không có thương hiệu thành xe mang “thương hiệu Toàn Thắng”, vô tư chạy kèn cựa với xe thật, bắt khách dọc đường.
Trước đó, tài xế xe 51B-10582 cũng đứng ngay giữa đường “phù phép” xe từ “vô danh” thành xe “thương hiệu Toàn Thắng” để bắt khách.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe Miền Đông - cho biết bến xe có nắm thông tin một số xe khách nhái xe của một số hãng có thương hiệu như Hoa Mai, Toàn Thắng.
Tuy nhiên, các xe nhái thương hiệu chỉ hoạt động, bắt khách dọc đường chứ không vào bến xe.
Còn ông Trần Văn Phương - phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây - cho biết các xe nhái thương hiệu không hoạt động trong bến xe, chỉ chạy lòng vòng bắt khách ngoài đường.