“Vua” của những bộ chạn cổ độc nhất vô nhị

Hà Tùng Long |

Trong khi đa phần dân chơi đồ cổ hướng đến sưu tầm những vật có giá trị như sập, tủ, bàn ghế, sàng, lọ, bình, tượng… thì Vũ Hoàng Đạt lại say mê sưu tập chạn.

Tính đến thời điểm này, trong tay anh đang sở hữu bộ sưu tập 28 chiếc chạn cổ với nhiều kiểu dáng, chất liệu và niên đại khác nhau. Nhờ bộ sưu tập này mà giới đồ cổ đã phong cho anh biệt danh “Vua chạn cổ”.

Mê đồ cổ hơn mê vợ

Vũ Hoàng Đạt sinh năm 1978, ở Xuân Trường (Nam Định). Từ nhỏ anh đã được “tắm” mình trong những tác phẩm điêu khắc tinh xảo của nhà thờ xứ đạo.

Sau này khi lên TP Nam Định theo học THPT, anh lại có nhiều cơ hội tiếp cận với các món đồ cổ của các gia đình hai bên đường anh đi học.

Đây là những gia đình có người làm quan dưới thời phong kiến nên có rất nhiều vật bài trí cổ. Nhờ những lần tiếp cận này mà anh đã say đồ cổ như người bị “nghiện”.

Tốt nghiệp THPT, anh Đạt thi vào ngành Chỉ huy của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhờ có tài năng cộng với việc chăm chỉ học tập, anh đã nhận được học bổng qua Nhật Bản học ngành Piano.

Thời gian ở nước ngoài, anh vừa học vừa làm thêm, được đồng nào dư giả là tích góp để sau này về nước được thỏa mãn đam mê sưu tập đồ cổ.

Anh Đạt còn nhớ, thời điểm mới về nước (2008), trong một lần vào Huế giảng dạy, anh đã được một người mách cho biết có một gia đình đang sở hữu một bộ tràng kỷ dài bằng gỗ gụ mật rất đẹp.

Ngay lập tức, anh đã tìm đến thuyết phục bằng được gia chủ đó bán lại bộ tràng kỷ này với giá 72 triệu đồng. Đây chính là bộ tràng kỷ anh yêu quý nhất vì đó là hiện vật đánh dấu bước ngoặt anh chính thức bước vào giới chơi đồ cổ.

Anh yêu quý bộ tràng kỷ này tới mức có một thời gian dài, cứ trưa nào đi làm về là anh lại nằm trên ấy, chứ nhất quyết không nằm giường đệm.

Anh Đạt cho biết, anh rất thích các loại đồ cổ của Huế vì đây là vùng đất cố đô, nên đồ cổ rất đa dạng về chủng loại mà kiểu dáng lại tinh tế, quý phái…

“Người Huế khác người Bắc ở chỗ, ở Huế đa phần các gia đình có người làm quan hoặc phú điền mới hay dùng các loại đồ gỗ làm từ gỗ quý, còn ở miền Bắc đồ gỗ trong dân rất nhiều nhưng gỗ không quý hiếm bằng.

Vì thế, dù thích đồ cổ hơn nhưng nếu có món đồ mới nào chạm khắc tinh xảo, vừa mắt… được sản xuất ở Huế là tôi cũng sẵn sàng mua ngay”, anh Đạt chia sẻ.

“Say” các loại đồ cổ của Huế nên anh có thể xa vợ con hàng tháng trời để vào Huế lùng cho bằng được một món đồ yêu thích.

Cho đến thời điểm này, anh Đạt không thể thống kê hết được trong tay mình có bao nhiêu vật cổ, nhưng chỉ cần nhắc đến bất kỳ hiện vật nào, anh đều có thể đọc vanh vách lai lịch, nguồn gốc và hoàn cảnh mua vật cổ đó.

Anh cũng dành hẳn mấy ngôi nhà, một ở Huế để chứa tất cả các đồ cổ anh mua được ở xứ Thần Kinh, một ở Sóc Sơn (Hà Nội) để chứa đồ cổ anh sưu tầm được ở khu vực phía Bắc và một căn hộ chung cư chứa các loại đồ cổ tổng hợp.

Anh Đạt trong căn hộ ngập đồ cổ. Ảnh: HTL.Anh Đạt trong căn hộ ngập đồ cổ. Ảnh: HTL.

Trong hàng nghìn loại đồ cổ anh Đạt đang sở hữu, bộ sưu tập 17 chiếc sập cổ và 28 chiếc chạn cổ được xem là niềm tự hào của anh.

28 chiếc chạn này là bộ sưu tập độc nhất vô nhị mà mỗi khi dân chơi đồ cổ nhắc đến tên anh đều phải ngưỡng mộ.

Thậm chí, nhiều người còn phong cho anh biệt danh “Vua chạn cổ”. Bộ sưu tập chạn của anh chia làm hai dòng: Chạn Huế và chạn xứ Thanh (Thanh Hóa).

Chạn Huế thường tiện con song chạm khắc rồng phượng, rất mềm mại và cầu kỳ. Còn chạn xứ Thanh thì đơn giản hơn, với các loại hoa văn mang tính điển tích điển cố, đường chạm khắc cứng hơn.

Bức tranh gỗ sưa độc nhất Việt Nam

Anh Đạt cho biết, trong 28 chiếc chạn anh đang sở hữu, có một chiếc chạn mà anh phải bay từ Hà Nội vào Huế, mất công thuyết phục chủ nhà mấy tháng trời họ mới chịu bán.

Trước khi bán, ông bà chủ đã bắt anh “cam kết” rằng mua về để sưu tập chứ không được bán cho người khác.

Chiếc chạn này có tuổi đời trên 100 năm, khi mang về, chân đã bị gãy và phần lưng đôi chỗ đã bị mục.

Theo anh Đạt, chạn xuất hiện khá muộn so với bàn ghế, sập, tủ, sàng… nên đa phần các chạn hiện nay có tuổi đời giao động từ 150 – 100 năm trở lại.

Tuy nhiên, chạn còn lại hiện nay trong dân gian không nhiều do trải qua chiến tranh đã bị hư hỏng hoặc cháy.

Ngoài chạn cổ, hiện trong tay anh Đạt còn sở hữu một bức tranh quý bằng gỗ sưa. Bức tranh này được anh mua lại từ một người dân ở Nam Định để tặng vợ nhân dịp sinh nhật cách đây 5 năm.

Bức tranh khắc họa ba thiếu nữ đang ngồi trên mây đánh đàn tỳ bà, đàn nguyệt và đàn tranh.

Nét chạm trổ rất tinh tế, mềm mại và sáng tạo. Ba thiếu nữ xuất hiện trên bức tranh mang dáng dấp của văn hóa Chăm rất rõ nét.

“Sở dĩ tôi và vợ rất quý bức tranh này vì trong ba thiếu nữ đánh đàn thì cô đánh đàn tranh mang dáng dấp của vợ tôi (vợ anh Đạt từng học đàn tranh). Thêm vào đó, đây là bức tranh bằng gỗ sưa nên nó thuộc dạng cực hiếm”, anh Đạt nói.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nguyễn Quang Long cho biết, nhìn bức tranh này cho thấy người chạm rất am hiểu về âm nhạc cổ.

“Các ngón tay của người chơi đàn thường rất dài và thon, dáng ngồi yểu điệu nhưng lại vững vàng. Cách lướt phím đàn và ánh mắt cũng cho thấy, người chơi đàn trong tranh rất điêu luyện và điệu nghệ.

Chủ nhân của bức tranh chắc hẳn đã thuê người tạc nhân một sự kiện hoặc để tặng cho một ai đó chứ không chỉ đơn thuần là tạc chơi”, ông Long nhận định.

Kể từ khi có bức tranh này, rất nhiều người đến chơi đã ngỏ lời mua nhưng anh Đạt không bán. Gần đây nhất, có người đã trả giá 3,5 tỷ đồng nhưng anh Đạt không đồng ý.

Cách đây 4 năm, một người bạn ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) dẫn một du khách Trung Quốc đến xem cũng trả 700 triệu đồng và đi lại rất nhiều lần nhưng anh Đạt nhất quyết không bán bức tranh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại