Liên quan đến vụ sập hầm thủy điện, trao đổi với chúng tôi, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước VN cho rằng, đây là sự cố nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở nước ta.
"Trên thực tế, việc sụt lún trong quá trình đào hầm vào là rất khó tránh, nhất là khi ta đào vào đá cứng thì đào xong, bản thân nó đã tạo thành một vòm chắc nhưng nếu gặp đất yếu thì sẽ sụt.
Ở nước ta, những hiện tượng sụt lún cũng có nhưng chỉ trong phạm vi hẹp, ngắn và xử lý được ngay. Còn đối với sự cố tại hầm thủy điện Đạ Dâng là sự cố gây ra nhiều thiệt hại lớn, xử lý phức tạp", GS Giang cho hay.
Nhìn nhận ban đầu nguyên nhân, GS Giang bày tỏ, dù mới tiếp cận các thông tin qua truyền thông nhưng có thể thấy, sự cố xảy ra do có lỗi từ khâu khảo sát thiết kế cho đến quá trình thi công.
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Theo GS Giang, khi tiến hành đào hầm thủy điện như vậy thì việc thăm dò địa chất phải được thực hiện hết sức cẩn thận.
Ông nhấn mạnh: "Ở đây, đã có một chỗ đất rất yếu, xấu nhưng chúng ta lại chưa có một thiết kế để có thể đối phó với phần địa hình này nên mới gây ra sự cố sụt như vậy.
Tôi cho rằng, khâu khảo sát, thiết kế không đủ".
Cũng theo GS Giang, theo một số thông tin, trong quá trình làm, đơn vị đã tiến hành gia cố hầm nhưng vẫn để xảy ra đất sụt dẫn đến sập đoạn đó xuống thì rõ ràng, việc thi công là không tốt.
Đồng quan điểm, kỹ sư Hoàng Khắc Bá (chuyên gia về địa chất công trình nền móng) cũng nhận định, đây là một công trình thi công đã nhiều năm, lại bị chuyển đơn vị thi công, tuy nhiên các nghiên cứu cũ về địa chất chưa được đơn vị mới tiếp thu nên xảy ra sự cố.
Kỹ sư Bá nói: "Ở đây, nguyên nhân xảy ra sự cố, đầu tiên có thể thấy là do nền đất yếu. Thứ hai có thể nói chính là việc xử lý của đơn vị thi công chưa tốt.
Nhưng về cơ bản nhất theo chúng tôi là việc bàn giao giữa đơn vị thi công mới và cũ ở đây chưa tốt.
Công trình để thời gian lâu nhưng đơn vị mới sau khi được bàn giao lại chưa tìm hiểu kỹ được đường hầm đi qua những thể địa chất như thế nào và chỗ nào là vùng đất yếu, việc xử lý như thế nào, hư hại đến đâu chưa rõ...
Khả năng như vậy, dẫn đến việc sập hoàn toàn có thể xảy ra".
Cũng theo kỹ sư Bá, những sắt chống gia cố tạm bên trong hầm đã hoen gỉ cũng có thể cho thấy, trước đó, việc xử lý chưa tốt cộng thêm yếu tố địa chất xấu, xử lý lâu ngày không được quan tâm dẫn đến lực ở ngoài thắng nội lực nên xảy ra sập.
Kỹ sư Bá cho biết: "Thực tế hiện nay cũng chưa có quy định về thời gian cụ thể đối với phần gia cố tạm là bao lâu. Nhưng thông thường thời gian xử lý nhanh. Ở đây, có thể là đã để lâu quá, dẫn đến gỉ".
Trước đó, sau nhiều nỗ lực của các lực lượng cứu hộ, sau gần 4 ngày, (từ hơn 7h sáng 16-12 đến khoảng 16h20 ngày 19-12) 12 công nhân Công ty CP Sông Đà 505 bị nạn trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã được cứu thoát.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau hai ngày được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, sức khỏe các nạn nhân vụ sập hầm tiến triển tốt, một số có thể xuất viện vào hôm nay (22/12).