Vụ sập hầm: 5 con số... "biết nói"

Y. Dương |

Từ lúc xảy ra vụ sập hầm cho tới khi đưa được 12 nạn nhân ra ngoài là xen lẫn hàng loạt cảm xúc của tất cả mọi người. Từ lo sợ, tuyệt vọng... cho tới vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Có những con số đã và sẽ là những mốc, những thông tin được nhắc nhiều trong vụ sập hầm xảy ra hôm 16/12 vừa qua:

700 người ứng cứu tại hiện trường

Còn nhớ, lúc 10h15 sáng 19/12, khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng cho biết, lực lượng cứu hộ tại hiện trường lên đến 700 người.

Ngoài lực lượng trong địa phương, nhiều đội cứu hộ từ T.P HCM, Quảng Ninh, nhiều y bác sĩ từ nhiều nơi đã được tăng cường nhanh chóng đến hiện trường.

Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã làm việc thâu đêm suốt sáng để cứu các nạn nhân.

82 giờ các công nhân trong hầm

Vụ việc xảy ra vào lúc 7h sáng 16/12 và cho đến 16h20 phút chiều 19/12 các nạn nhân mới được cứu sống. Như vậy, các nạn nhân đã trải qua 82 giờ ở trong hầm.

Theo đó, hơn 20h tối 16/12, tin vui nhất được báo giới đưa tin đó là đã liên lạc được với các nạn nhân bên trong. Sau đó, thức ăn, sữa, cháo đã được đưa vào cho các nạn nhân qua một đường ống rất nhỏ.

Tường thuật diễn biến từ đầu, chúng tôi ghi nhận, đã có những lúc, lực lượng cứu nạn phải cử riêng một người trực 24/24 để giữ liên lạc với các nạn nhân, động viên tinh thần của họ.

Thậm chí, vị Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đã viết một là thư vào giữa đêm, sau đó dán băng dính vào ống thép luồn xuyên qua lớp đất đá vào cho các nạn nhân.

Khi đó, do trải qua thời gian khá dài trong hầm, nước bên trong có lúc ngập ngang bụng, lại đói và lạnh, các nạn nhân đã yếu dần và suy sụp tinh thần. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã vượt qua.

12 là số công nhân bị nạn trong vụ sập hầm

Vụ sập hầm xảy ra khi đang thi công đường hầm tại công trình thuộc thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Đường hầm đang thi công này có chiều dài 700 mét, khi làm được hơn 500 mét thì gặp sự cố.

Sáng 16/12, có khoảng 30 công nhân vào hầm làm việc, khi vụ sập xảy ra, một số công nhân đã kịp thời thoát ra ngoài, 12 người mắc kẹt bên trong (có 1 công nhân nữ).

Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ công nhân duy nhất trong số 12 nạn nhân. (Ảnh: M.Vinh/ Tuổi Trẻ)

Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ công nhân duy nhất trong số 12 nạn nhân. (Ảnh: M.Vinh/ Tuổi Trẻ)

11 năm là khoảng thời gian sau ngày khởi công gặp sự cố

Công trình thuỷ điện Đạ Dâng – Đa Chomo chính thức được khởi công từ ngày 17/12/2003. Tính đến khi xảy ra sự cố là 11 năm.

Đây là công trình với tổng công suất 22 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 109,27 triệu kWh với tổng mức đầu tư 475,166 tỷ đồng theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).

Hai đơn vị thi công công trình này là Công ty Cổ phần Sông Đà 505 và Công ty Cổ phần Sông Đà 10.

3 Bộ trưởng có mặt tại hiện trường

Đó là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Theo đó, chiều 17/12, Bộ trưởng Hoàng và Bộ trưởng Dũng đã có mặt tại hiện trường để bàn giải pháp và chỉ đạo triển khai các phương án.

Hai bộ trưởng lội nước trong hầm. (Ảnh: Đức Trong/Tuổi trẻ)

Hai bộ trưởng lội nước trong hầm. (Ảnh: Đức Trong/Tuổi trẻ)

Cũng trong ngày 17, ngay khi vừa từ Cao Bằng về, Bộ trưởng Bộ Y tế đã bất ngờ có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác sơ, cấp cứu cho các nạn nhân khi được đưa ra khỏi hầm.

Sự chỉ đạo quyết liệt

Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ xa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Công điện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại