Trong phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình vào sáng 21/11, nhiều đại biểu đồng loạt lên tiếng về vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang). Trong đó có đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng), đại biểu Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên). Thậm chí, đại biểu Nga còn đưa ra phương án lắp camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung.
Thông tin trên Infonet ngày 21/11, trong phần trả lời chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết: “Tôi cho rằng bất cứ đất nước nào có pháp luật tiên tiến cũng không tránh được oan sai, chúng ta cũng nằm trong số đó. Nhưng oan đối với trường hợp cao nhất như chung thân, tử hình là không chấp nhận được… Nếu có ép cung, nhục hình thì phải được chứng minh”.
Như vậy, trong vụ án ông Chấn, ai sẽ có trách nhiệm chứng minh điều đó?
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ảnh: Internet.
Trao đổi với chúng tôi ngày 22/11, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ủy ban thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam nêu quan điểm: “Từ câu trả lời của ông Chánh án TAND Tối cao, liên hệ với thực tế "chứng minh" bức cung, nhục hình từ trước đến nay, chúng ta hiểu rằng, ông Chánh án muốn nói: “Bị cáo khai mình bị bức cung, nhục hình... thì phải chứng minh, có nghĩa là nghĩa vụ chứng minh việc này là thuộc về bị cáo (?!). Điều này là chắc chắn vì không bao giờ điều tra viên lại có nghĩa vụ (phải) chứng minh rằng họ đã bức cung, nhục hình ông Chấn.
Từ tư duy này, quá trình điều tra lại vụ án theo Quyết định tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, ông Nguyễn Thanh Chấn phải có nghĩa vụ chứng minh "mình đã bị các điều tra viên bức cung, nhục hình”. Nếu không chứng minh được thì tức là ông Chấn đã phạm tội "Vu khống" các điều tra viên, kiểm sát viên tỉnh Bắc Giang.
Việc này, ông Nguyễn Thanh Chấn không bao giờ làm được”.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: “Theo nguyên tắc chứng minh, ông Chấn có quyền (chứ không phải nghĩa vụ) chứng minh là mình bị bức cung, nhục hình... Trước lời khai đó của ông Chấn, các điều tra viên phải có nghĩa vụ chứng minh là họ không bức cung, nhục hình ông bằng các bằng chứng thuyết phục để bác bỏ lời khai đó của ông”.
Trong trường hợp bị cáo phản cung tại tòa, cho rằng mình bị đánh đập, bức cung... thì tư duy của Tòa án ta xưa nay là buộc bị cáo phải chứng minh là mình bị đánh đập... Hầu hết các trường hợp này, bị cáo đành bất lực, vì không có chứng cứ về việc mình bị đánh. Như vậy, tòa lạnh lùng bác bỏ lời khai của bị cáo”.
Ông Nguyễn Thanh Chấn không có nghĩa vụ chứng minh mình bị ép cung? (VNE)
Luật sư Tâm cho biết, vừa rồi ông đi Trung Quốc, trong một buổi làm việc trao đổi với thẩm phán Giong Ming (Công Minh) (Chủ nhiệm Ủy ban giám sát kiêm Thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao Trung Quốc) tại Tòa án tối cao Trung Quốc thì được ông ta trả lời về trường hợp này.
Luật sư Tâm hỏi: “Trong trường hợp bị cáo phản cung tại tòa với lý do rằng, quá trình điều tra đã bị điều tra viên bức cung, dùng nhục hình, bị cáo không chịu được đã phải khai theo hướng dẫn của điều tra viên và mong muốn ra tòa sẽ khai rõ sự thật mong tòa xem xét, thì Hội đồng xét xử sẽ đánh giá lời khai này như thế nào? Có triệu tập điều tra viên đó đến tòa đối chất không?”.
Thẩm phán Gong Minh cười rất tươi và trả lời: “Điều tra viên phải chứng minh là không bức cung và dùng nhục hình như bị cáo khai, bằng chứng là các băng ghi âm, ghi hình các buổi hỏi cung được Luật tố tụng hình sự cho phép áp dụng. Tòa cũng áp dụng phương pháp đối chất giữa điều tra viên và bị cáo để làm rõ sự thật tại tòa”.
Cũng theo luật sư Tâm, Tòa án phải cho đối chất giữa bị cáo và điều tra viên tại tòa. Lý do : Bị cáo tố cáo anh đánh người khi hỏi cung, dùng các biện pháp bức cung... thì anh phải chứng minh là anh không đánh bị cáo. Phương tiện chứng minh là các băng ghi âm, ghi hình các buổi hỏi cung. Nếu tư duy theo hướng này thì sẽ buộc các điều tra viên phải áp dụng các biện pháp đó để bảo vệ mình khi bị bị cáo phản cung, tố cáo ngược lại đối với mình. Một số đại biểu Quốc hội vừa rồi cũng có ý kiến về việc này, chẳng hạn như lắp đặt camera các buổi hỏi cung, hoặc có một số ý kiến trước đây đưa toàn bộ Trại tạm giam về Bộ tư pháp quản lý chứ không phải thuộc Bộ Công an (như Trung Quốc đã áp dụng từ năm 1983).