Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) bắt quả tang tiệm vàng Hoàng Mai (số 384 Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh) đổi 100 USD ra tiền Việt. Sau đó công an đã khám xét, niêm phong và lập biên bản thu giữ của tiệm vàng Hoàng Mai hơn 14.000 USD và 559 lượng vàng SJC. Vài ngày sau, số vàng này đã được trả lại cho chủ tiệm.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu tiệm vàng của bà Mai không có giấy phép trên thì việc mua bán, trao đổi ngoại tệ cho khách hàng là vi phạm pháp luật.
Ông Hòe phân tích: "Nếu tiệm vàng của bà Mai có giấy phép mua bán ngoại tệ thì việc bà Mai đổi 100 USD cho khách hàng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc cấp giấy phép mua bán ngoại tệ quy đinh tại Quyết định 21 do Ngân hàng nhà nước ban hành không quy định vốn đối với các điểm mua bán ngoại tệ nhưng các điểm này phải đặt ở nơi đông người nước ngoài qua lại như cơ sở du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn từ 3 sao trở lên, cửa khẩu, sân bay; khu vui chơi giải trí dành riêng cho người nước ngoài, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều khách nước ngoài mua sắm, vì vậy, có rất ít tiệm vàng thỏa mãn điều kiện và được cấp giấy phép trên.
Còn nếu tiệm vàng của bà Mai không có giấy phép trên thì việc mua bán, trao đổi ngoại tệ cho khách hàng là vi phạm pháp luật.
Việc xử phạt sẽ áp dụng theo Điều 1 Nghị định 95/2011/NĐ - CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ – CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 5, khoản 7 Điều 18 như sau:
“3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
d) Mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;
“5. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a) Hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ.”
Ngoài quy định xử phạt trên thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại Mục 7 Điều 1 nghị định này:
“7. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam (VND) hoặc vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 3 Điều này", Luật sư Hòe cho hay.
Cũng theo Luật sư Hòe, Việc cảnh sát kinh tế tạm giữ 14 ngàn USD và các thiết bị có liên quan đến hệ thống camera an ninh của tiệm vàng. Đồng thời niêm phong két sắt, hơn 500 lượng vàng, một lượng lớn tiền USD, tiền Thái Lan là trái quy định pháp luật.
"Việc cơ quan chức năng thu giữ tất cả số ngoại tệ mà tiệm vàng có là không đúng, vì nguồn gốc của số ngoại tệ này không phải tất cả đều vi phạm. Bên cạnh đó, nhà nước cũng không cấm người dân giữ ngoại tệ. Việc tiệm vàng Hoàng Mai có trữ ngoại tệ cũng không có gì sai, chỉ sai nếu thu đổi ngoại tệ không có giấy phép và số ngoại tệ thu đổi trái phép mới là vi phạm pháp luật, mới bị tạm giữ.
Ngoài ra, doanh nghiệp của bà Mai là nơi kinh doanh, mua bán vàng. Do đó, vàng là hàng hóa dùng để kinh doanh mua bán. Nếu cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được nguồn gốc số vàng đó là do vi phạm pháp luật mà có thì không được quyền niêm phong.
Theo quy định pháp luật tại điểm a khoản 1 Điều 125 luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:
“Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này”.
Trong vụ việc này, tang vật là 100USD mà bà Mai đang trao đổi với khách hàng. Vì vậy, việc cơ quan công an tạm giữ thì chỉ được thực hiện với 100USD và có thể số ngoại tệ liên quan. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được nguồn gốc số vàng đó là vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng không được tạm giữ số vàng và các tài sản khác của bà Mai.
Pháp luât quy định, việc tạm giữ phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ. Mọi trường hợp tạm giữ phải lập thành biên bản và thời hạn tạm giữ là 7 ngày và tối đa là 30 ngày kể từ ngày tạm giữ.
Cơ quan chức năng có thể tạm giữ số ngoại tệ vi phạm nhưng đối với các tài sản khác của bà Mai thì không có quyền tạm giữ vì không phải tài sản nào cũng là tài sản vi phạm. Ở đây, cơ quan chức năng phát hiện vi phạm của tiệm vàng khi thu đổi 100 USD trái phép nên chỉ được giới hạn xử lý hành chính trong số ngoại tệ này.
Việc Công an quận Bình Thạnh thu giữ toàn bộ số ngoại tệ gồm cả USD và ngoại tệ khác là không sai nếu thời điểm đó số ngoại tệ này thuộc khu vực kinh doanh của tiệm vàng. Muốn xử lý được số ngoại tệ này phải có đủ căn cứ xác minh tiệm vàng đã kinh doanh trái phép; ngược lại, phải hoàn trả cho tiệm vàng. Thời gian tạm giữ, ra quyết định cuối cùng tối đa là 60 ngày (kể từ ngày tạm giữ thực tế)
Thứ ba: Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:
“Điều 129. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
1. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
2. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định”.
Theo quy định trên, Chủ tịch UBND cấp quận chỉ có thẩm quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở.
Vì vậy, trong vụ án bà Mai, Chủ tịch UBND cấp quận chỉ có thẩm quyền ra quyết định khám xét chỗ ở của bà Mai nếu có căn cứ cho rằng chỗ ở đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trên diện tích tòa nhà 6 tầng của bà Mai, cơ quan công an phải xác định đâu là diện tích bà dùng để ở và đâu là diện tích bà dùng để kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 140 BLTTHS quy định: “ Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án”.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 80 và quy định tại khoản 1 Điều 141BLTTHS quy định những người có thẩm quyền ra quyết định khám xét, đó là: “Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp.Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp.Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao. Hội đồng xét xử. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp”. Tuy nhiên, Lệnh khám xét này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Phần diện tích tòa nhà của bà Mai là nơi thực hiện việc kinh doanh của bà thì Chủ tịch UBND cấp quận không có thẩm quyền quyết định việc khám xét này. Vì vậy, quyết định khám xét toàn bộ tòa nhà 6 tầng của bà Mai là trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo quy định pháp luật, việc khám xét phải có mặt chủ nơi bị khám xét hoặc thành viên trong gia đình họ và người chứng kiến, không thực hiện việc khám xét vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản,
Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản", Luật sư Hòe phân tích.
Từ việc vi phạm của cơ quan chức năng quận Bình Thạnh (Tp Hồ Chí Minh), Luật sư Hòe khẳng định: "Việc khám xét toàn bộ tòa nhà 6 tầng của bà Mai có sự vi phạm pháp luật vì có thể tòa nhà đó là chỗ ở và nơi kinh doanh của bà Mai. Vì vậy, bà Mai có thể làm đơn khiếu nại quyết định hành chính của Chủ tịch UBND cấp quận và khởi kiện ra tòa án".
Xem clip bà chủ tiệm vàng phản đối việc thu giữ vàng khi công an tới khám nhà: