Khách tới chúc mừng 3 người phụ nữ dũng cảm chỉ duy nhất chính là các cơ quan thông tin đại chúng, những đại diện tới để ghi lại hình ảnh và diễn biến của buổi trao thưởng này.
Khóc khi được trao thưởng
Buổi trao thưởng bắt đầu lúc 8h sáng và kết thúc khi chưa đến 8h30 phút. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Yên đọc quyết định khen thưởng của GĐ Sở Y tế Hà Nội và trao giấy khen cho các chị Hoàng Thị Nguyệt – kỹ thuật viên Khoa xét nghiệm, Khuất Thị Định, nữ hộ sinh Khoa Phụ sản, và Phan Thị Nam Đông, y sĩ khoa Liên chuyên khoa.
Người chứng kiến, ngoài một số cán bộ công nhân viên chức của BV Hoài Đức, chỉ có rất đông các phóng viên từ nhiều cơ quan thông tin đại chúng quan tâm tới sự kiện này.
Không có bó hoa nào được trao cho những người phụ nữ dũng cảm, chỉ lác đác một vài cái vỗ tay cá nhân. Ba nhân vật chính cũng không có được thời gian nào để nói về những tâm tư của mình khi nhận được tấm giấy khen và phần thưởng được trao từ đại diện Ban lãnh đạo Sở.
Không có tiếng cười, không có nhiều lời chúc mừng, ngược lại lại có những giọt nước mắt mặn chát chảy dài trên gương mặt 3 người phụ nữ.
Chị Khuất Thị Định đã tâm sự với báo chí những điều tận đáy lòng mình: “Trong lòng tôi đan xen chất chứa cả niềm vui, nhưng nhiều hơn là nỗi buồn. Vui là vì những nỗ lực, những việc làm của chúng tôi đã được ghi nhận, khi Sở Y tế Hà Nội, Công an Hà Nội vào cuộc điều tra sự việc, đưa ra ánh sáng. Nhưng tôi buồn vì tôi nhận được giấy khen từ chính việc tôi đã tố cáo những đồng nghiệp của mình. Có lẽ chẳng nỗi buồn nào là phải nói ra trước nhiều người những điều không hay về những người hàng ngày làm việc chung như thế”.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, người phụ nữ tỏ ra cứng cỏi nhất, cũng đã rơm rớm nước mắt: “Tôi biết khi tố cáo những việc làm sai trái của đồng nghiệp và thủ trưởng của mình, cuộc sống, công việc của tôi có thể bị ảnh hưởng. Nhưng tôi chấp nhận điều đó để nói được ra sự thật, tìm lại sự công bằng cho người bệnh.
Trong thời gian qua, tôi cũng đã nhận được những lời nhắn trực tiếp hay lời bắn tin hăm dọa, nhưng tôi tin là cái xấu sẽ được đưa ra ánh sáng và phải thua điều tốt. Tôi cảm ơn báo Lao Động là tờ báo đầu tiên đã đưa tiếng nói của chúng tôi đến với công chúng, và cảm ơn nhiều cơ quan báo chí khác đã tiếp nối và chung sức cùng chúng tôi trong cuộc đấu tranh này. Và cảm ơn dư luận những người dân có cái nhìn công bằng đã đứng về phía những người dám chống lại tiêu cực”.
"Tôi buồn vì tờ giấy khen là từ việc phải tố cáo việc làm sai của chính đồng nghiệp của mình" - chị Khuất Thị Định nói.
Phần thưởng chỉ có tính hình thức
Mức thưởng cho 3 người là 320.000đ/người, chi theo điều 75 Nghị định 42 về Thi đua khen thưởng, lấy nguồn từ Quỹ Thi đua khen thưởng Sở Y tế Hà Nội. Rất nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Yên, PGĐ Sở Y tế Hà Nội, liệu mức thưởng khiêm tốn, có tính chất “hình thức” này có chuyển tải được ghi nhận của ngành y tế Hà Nội về hành vi dũng cảm của các chị hay không.
Ông Yên, sau lúc ban đầu bối rối, cũng đã nói rằng: “Đây là phần thưởng cho hành động dũng cảm, dám chỉ ra điều sai trái của các chị. Đó là ý nghĩa vô giá của việc khen thưởng”.
Ông Yên cũng nói thêm: “Sự việc xảy ra ở BV Đa khoa Hoài Đức là rất đáng tiếc, là bài học cho việc quản lý và sử dụng người lao động trong ngành y tế. Thời gian tới, Sở Y tế cũng sẽ kiện toàn cán bộ, làm công tác tư tưởng cán bộ để duy trì sự đoàn kết trong nội bộ bệnh viện, tránh tình trạng bằng mặt mà không bằng lòng”.
Ngày 16.8, đã qua ngày thứ 5 BV Hoài Đức tổ chức khám và xét nghiệm lại những người đã từng khám tại BV từ tháng 7.2012 – 5.2013. Theo ghi nhận của báo Lao Động, số người đến khám lại khá đông. Trung bình mỗi ngày khoa xét nghiệm thực hiện khoảng 100 xét nghiệm máu.