Khởi tố vụ án. Chiều 7.8, đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng CSĐT (PC46, CA TP.Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) - nơi đã "nhân bản" 1 kết quả xét nghiệm rồi trả cho 2-5 bệnh nhân.
Sẽ tạm đình chỉ công tác một số cán bộ, KTV. Về hướng xử lý của Sở Y tế với cán bộ để xảy ra những sai phạm ở BV Đa khoa Hoài Đức, GĐ Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Sau khi có một số số liệu ban đầu của CATP, ban lãnh đạo sở đã họp và thống nhất ra văn bản tạm thời đình chỉ công tác với một số cán bộ đã làm sai nguyên tắc để phục vụ công tác điều tra. Riêng với GĐ BV Nguyễn Trí Liêm, sở sẽ sớm có văn bản đề nghị UBND TP đình chỉ công tác.
Chiều ngày 7.8, Sở Y tế Hà Nội đã họp báo về sự việc "nhân bản" phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức. Theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội: Việc làm nhân bản xét nghiệm đã vi phạm quy chế chuyên môn nghiêm trọng, vi phạm 12 điều y đức. Đây cũng là việc chưa từng xảy ra trong ngành y tế Hà Nội. Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT CA TP.Hà Nội thụ lý điều tra.
Giám đốc trù úm nhân viên
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Hoàng Thị Nguyệt - nhân viên phòng xét nghiệm, BV Hoài Đức - cho biết: "Đã hơn một năm, 3 nhân lực chính, có kinh nghiệm như chúng tôi chỉ phải làm trung bình 10 bệnh nhân (30 mẫu xét nghiệm)/ngày.
Những xét nghiệm viêm gan B, HIV, HCG... đang từ bộ phận chúng tôi lại chuyển xuống bộ phận ngoại viện (trước đó, chúng tôi đã có ý kiến nhiều về những loại hóa chất trên khi lĩnh thì bao bì rách nát, không cùng lô, đát).
Trái ngược với bộ phận nội viện của chúng tôi chủ yếu ngồi chơi, bộ phận ngoại viện (trong phòng nhỏ hơn 9m2 đặt 3 máy xét nghiệm) với 5 nhân lực chủ yếu là hợp đồng, trong đó có 2 KTV vừa đi học xét nghiệm về (tháng 7, tháng 9.2012) nhưng hằng ngày làm tới 1.000 - 1.500 tiêu bản xét nghiệm, chiếm tỉ lệ trên 90% lượng công việc của khoa Xét nghiệm.
Ngoài ra, việc đi công tác ngoại viện hay đi tập huấn thường do giám đốc cử đích danh. Trước sự bất hợp lý này, chúng tôi hỏi chủ nhiệm khoa thì được trả lời: GĐ chỉ đạo không cho các đồng chí xuống xét nghiệm ngoại trú, không phân trực, không cử đi công tác".
Theo chị Nguyệt, GĐ Nguyễn Trí Liêm còn chỉ đạo các KTV không đưa kết quả xét nghiệm vào sổ theo dõi xét nghiệm. Chính vì vậy, tháng 7-8.2012 chỉ vào sổ theo dõi rất ít. Sau đó, do KTV trưởng Phan Thị Oanh, tôi và một số người đấu tranh, phòng mới tiếp tục vào sổ.
Chị Nguyệt khẳng định: “GĐ Liêm trù úm chúng tôi để chỉ đạo những việc trái luật dễ hơn, trong đó cả chuyện “nhân bản” phiếu xét nghiệm máu”.
Phải xử lý nghiêm
Ngày 7.8, Bộ Y tế đã liên tiếp ra 2 công văn yêu cầu các đơn vị làm rõ sự việc nhân bản xét nghiệm tại BV Đa khoa huyện Hoài Đức mà Báo Lao Động đăng tải trong những ngày qua.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội (trái ảnh) - trả lời phỏng vấn PV Báo Lao Động.
Công văn của Thứ trưởng Bộ Y tế gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị: “Qua thông tin của báo Lao Động ra ngày 5.8..., sau khi xem xét, nghiên cứu nội dung bài viết, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, tìm hiểu sự việc và đã chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội làm rõ nội dung phản ánh của Báo Lao Động, có biện pháp xử lý...
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan sớm làm rõ sự việc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định; đồng thời tiếp tục chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị y tế trực thuộc có thực hiện xét nghiệm; chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn BV nghiêm túc quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và báo cáo về Bộ Y tế”.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Nguyễn Xuân Trường cũng đã có công văn yêu cầu Cục Quản lý khám-chữa bệnh và Thanh tra bộ khẩn trương làm việc với Sở Y tế và CA TP.Hà Nội điều tra, làm rõ sự việc Báo Lao Động nêu, đề xuất biện pháp xử lý nghiêm minh với các sai phạm gây ra sự việc, tránh tình trạng bao che, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Liên quan đến vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm máu dùng cho nhiều người, sáng 7.8, PCT UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có cuộc họp với Sở Y tế và CA TP, Sở Nội vụ. Sau khi nghe báo cáo, bà Ngọc đã yêu cầu ngay hôm sau, các cơ quan có báo cáo bằng văn bản lên UBND TP. UBND TP sẽ sớm có quyết định xử lý với những sai phạm cũng như các giải pháp tăng cường nhân lực cho BV Hoài Đức.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu BV Saint Paul từ ngày 7.8 cử cán bộ xuống BV Hoài Đức giúp công tác khám-chữa bệnh, bố trí sắp xếp công việc. Ban giám đốc BV Hoài Đức cử người trực tiếp phụ trách khoa xét nghiệm, chỉ đạo công việc chuyên môn của khoa.
Trong số những người đã đến khám và chữa bệnh, xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức trong thời gian từ tháng 7.2012 – 6.2013, nếu nghi ngờ kết quả có thể đến BV yêu cầu được làm lại xét nghiệm. Nếu BV không giải quyết, người dân có thể phản ánh tới đường dây nóng của Sở Y tế: 043.9985765.
Phải đình chỉ công tác Giám đốc BV ngay
(Ý kiến của bạn đọc gửi tới Báo Lao Động)
Thật vô lương tâm. Họ không phải là thầy thuốc. Phải xử lý thật nghiêm việc này, trước hết phải đình chỉ công tác ngay giám đốc bệnh viện và những người có liên quan để điều tra làm rõ. Thầy thuốc mà coi thường tính mạng con người quá, không thể hiểu nổi.
“Sáng kiến” nhân bản xét nghiệm như thế, bệnh nhân cứ việc nộp tiền làm xét nghiệm máu để rồi sẽ chỉ nhận được một tờ giấy “lộn”! Chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà họ không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào.
Câu hỏi đặt ra là, mối quan hệ như thế nào giữa việc “nhân bản” các phiếu xét nghiệm để dùng cho nhiều bệnh nhân, cách “ưu tiên” sử dụng KTV hợp đồng, cho “đắp chiếu” một số máy và những phong bì ''lại quả'' kia của Cty cổ phần dược Hà Tây? Câu hỏi này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Không còn gì để nói, không biết nói thế nào. Y đức không còn thì không nên để những người này hành nghề nữa.
Thật sự họ là những người không coi ai ra gì, coi thường pháp luật, làm hoang mang cho người dân. Người dân quá ngỡ ngàng và quá bức xúc trước thái độ và nội dung trả lời vô trách nhiệm của một số cán bộ Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.
Cần xem xét một cách nghiêm túc vai trò của Giám đốc bệnh viện, có hình thức kỷ luật thích đáng, không thể phát biểu một cách “vô tư” là không biết.
Luật sư Phạm Thanh Bình - Cty luật Bảo Ngọc (Hà Nội): Cần sớm truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Phạm Thanh Bình cho biết: Theo quy định tại khoản 10, Điều 6 Luật Khám, chữa bệnh thì hành vi “... không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh... tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh” là những hành vi bị cấm.
Những người có liên quan đến việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm có thể phải chịu trách nhiệm như sau:
Về trách nhiệm hành chính: Theo quy định tại điều 25 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP - quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người có hành vi “hành nghề không có chứng chỉ hành nghề” hoặc “không có bằng cấp hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp;” sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Về trách nhiệm dân sự: Trường hợp bệnh nhân bị thiệt hại về sức khoẻ do kết quả xét nghiệm được “nhân bản” thì người gây ra thiệt hại phải bồi thường theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự.
Về trách nhiệm hình sự: Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi “nhân bản” gây ra, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh... theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự. Việc ở BV Hoài Đức, cơ quan CA cần điều tra, làm rõ sai phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.