Vụ “mộ giả” ở Hà Nội: Chủ tịch phường lên tiếng

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Giải thích về việc hàng trăm “ngôi mộ giả” bỗng dưng “mọc” lên xen lẫn cùng những ngôi mộ thật, Chủ tịch UBND phường cho rằng đó là những ụ đất trồng sắn dây.

Trước thông tin “người dân tự ý đắp những ngôi mộ giả” trên diện tích đất trồng lúa cạnh khu vực nghĩa trang, ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) phủ nhận: “Thông tin người dân tự ý đắp mộ giả trên diện tích đất trông lúa hay đất dự án để đòi đền bù là không chính xác.

Chúng tôi quản lý khá chặt chẽ vấn đề về đất đai của địa phương, không có lý gì một vụ việc ‘tày trời’ như thế mà chính quyền lại không biết hoặc làm ngơ được”.

Giải thích về việc xuất hiện hàng trăm ụ đất (từng bị nghi ngờ là những mộ giả) nằm cạnh nghĩa trang Đa Sĩ, ông Hưng giải thích: “Đó không phải là mộ giả. Đó là những ụ đất người dân đắp lên để trồng sắn dây theo mô hình mới. Đây nằm trong chủ trương kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.

Hiện nay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp còn lại của phường Kiến Hưng (sau khi đã thu hồi để làm dự án) là 160 héc-ta, chủ yếu là trồng lúa. Tuy nhiên, trong đó có một số diện tích đất nông nghiệp không thể trồng được lúa do bị thiếu nước nên chúng tôi đã khuyến khích bà con chuyển đổi sang cây trồng khác, cụ thể là sắn dây vì đây là loại cây phù hợp với chất đất của địa phương”.

Ranh giới giữa diện tích trồng sắn dây và nghĩa địa cũ nằm rất gần nhau nên rất khó phân biệt.
Ranh giới giữa diện tích trồng sắn dây và nghĩa địa cũ nằm rất gần nhau nên rất khó phân biệt.

Không thuộc đất dự án

Theo quan sát, diện tích đất trồng lúa mà người dân phường Kiến Hưng đắp ụ để trồng sắn dây nằm sát ngay nghĩa trang Đa Sĩ và gần với diện tích đất nông nghiệp đã được thu hồi để triển khai dự án tái định cư do Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đại diện phía Mipec xác nhận: diện tích đất người dân trồng sắn dây không nằm trong đất dự án của công ty này.

Cũng theo ông Hưng, mô hình trồng sắn dây của địa phương đã được triển khai từ năm 2012 và đây là năm thứ hai địa phương mở rộng triển khai mô hình này.

“Năm 2012, địa phương chúng tôi đã bắt đầu triển khai mô hình trồng sắn dây này. Trước đó, chúng tôi cũng đã được UBND quận Hà Đông cử đi học mô hình và kỹ thuật trồng sắn dây ở Kinh Môn (Hải Dương), sau đó mới đem về áp dụng ở địa phương.

Năm 2012 chúng tôi triển khai trên diện tích 4 héc-ta, năm nay mở rộng thêm 1 héc-ta nữa, đưa số diện tích trồng sắn dây của địa phương lên 5 héc-ta (tương ứng với 2.500 ụ đất)”, ông Hưng nói.

Ông Hưng cho biết, dù mới triển khai được 1 – 2 năm trở lại đây nhưng mô hình trồng sắn dây này đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa và được nhiều hộ dân hưởng ứng.

“Trước kia trồng lúa phí cho công chăm sóc, phân bón, vật tư nông nghiệp khác khá cao nên hiệu quả kinh tế thấp. Nay chuyển sang trồng sắn dây đỡ tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao nên nhiều hộ dân đã bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng sắn dây.

Hiện nay, chi phí đắp ụ đất để trồng do bà con tự bỏ ra, chúng tôi chỉ hỗ trợ về mặt giống cây và kỹ thuật trồng thôi. Nếu trồng đúng kỹ thuật, sau 10 tháng (từ tháng 3 năm trước đến tháng 2 năm sau – PV), mỗi ụ sắn dây sẽ cho thu hoạch từ 90 – 120kg”, ông Hưng cho biết thêm.

Từng bị các cơ quan chức năng kiểm tra

Theo ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội), mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sắn dây của địa phương cũng từng bị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra, làm rõ vì cũng từng bị nghi ngờ người dân lập mộ giả trên đất dự án để lấy tiền đền bù.

“Năm 2012, chúng tôi cũng bị công an kinh tế TP Hà Nội tiến hành kiểm tra sau khi tiến hành chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng sắn dây. Khi thấy người dân đắp hàng loạt ụ đất lên, nhiều người đã cho rằng đó là đắp mộ giả. Đây là vị trí khá nhạy cảm: gần nghĩa trang, gần đất dự án tái định cư nên nhiều người nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì vụ việc đã được làm sáng tỏ, chúng tôi đã làm đúng. Đây cũng là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được UBND quận Hà Đông đánh giá cao, được cho là mô hình điểm”, ông Hưng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại