Vụ học sinh bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV: Chính thức thông báo!

Sự việc đáng tiếc trên là do trò đùa nghịch thái quá của một số học trò, không có sự tổ chức hay cầm đầu của một cá nhân nào.

Liên quan đến sự việc nhiều học sinh dùng vật nhọn nghi nhiễm HIV đâm chọc nhau xảy ra tại trường Trường THCS Xuân Thiên (xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), ngày 8/9, Ths.Bs. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chính thức có thông báo về sự việc này.

Theo Ths.BS Hoàng Đình Cảnh, sau khi có thông tin tại trường THCS Xuân Thiên, Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong giờ ra chơi các em đã đùa nghịch, lấy lá vạn tuế chọc ghẹo nhau, sau đó một số em dùng dây thép buộc chổi hay nan hoa xe đạp châm chọc nhau trong số đó có 1 học sinh lớp 8 nhiễm HIV do mẹ truyền sang con, khiến phụ huynh của các em bị chọc đó hết sức hoang mang lo lắng. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Sở Y tế Thanh Hóa và các cơ quan hữu quan kiểm tra vụ việc và kịp thời có giải pháp.

Cũng theo ông Cảnh, sau khi kiểm tra thực tế và thông tin từ các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh, từ nhà trường và các cháu học sinh cho thấy, sự việc đáng tiếc trên là do trò đùa nghịch thái quá của một số học trò, không có sự tổ chức hay cầm đầu của một cá nhân nào.

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc, cử các thầy thuốc có kinh nghiệm để khám, tư vấn, đánh giá nguy cơ cho 38 em bị châm chọc theo yêu cầu của nhà trường và phụ huynh. Tất cả học sinh nói trên đã được các Bác sỹ chuyên khoa khám sàng lọc, tư vấn, đánh giá nguy cơ rất cẩn thận và khẳng định không có nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS nên không cần thiết phải dùng thuốc điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV).

Chính quyền và các ban ngành địa phương đã phối hợp, xử lý phù hợp để ổn định tâm lý của học sinh, phụ huynh. Hiện nay nhà trường đang tăng cường quản lý học sinh trong trường học để phòng những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Đối với những phụ huynh còn lo lắng, phân vân về nguy cơ lây nhiễm, cơ quan chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã tư vấn để ổn định tâm lý và tiếp tục phối hợp với chính quyền huyện triển khai các hoạt động để đảm bảo không xảy ra việc kỳ thị phân biệt đối xử với HIV/AIDS.

Công tác phòng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đặc biệt là trẻ nhiễm HIV ở địa phương thực hiện rất tốt. Không có tình trạng kỳ thị, phản đối trẻ nhiễm HIV đến trường trước và sau sự việc.

Xác xuất lây nhiễm HIV thấp

Đánh giá về khả năng lây nhiễm HIV qua hành động của các em học sinh, ông Cảnh cho biết, khả năng lây nhiễm HIV từ người này sang người khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố của phơi nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm HIV cao khi máu của người nhiễm HIV có nồng độ virus cao, tiếp xúc với số lượng máu nhiều, bị đâm sâu trong cơ, thời gian từ khi vật sắc nhọn đâm vào người nhiễm HIV sang người khác ngắn vì HIV rất dễ bị tiêu diệt khi ra khỏi cơ thể người.

Kết quả một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, xác suất lây nhiễm HIV khi bị đâm kim tiêm của người nhiễm HIV là 0,3%. Tức là, 1.000 người bị phơi nhiễm theo cách đó thì có khoảng 3 người bị lây nhiễm HIV. Trong khi đó kim tiêm có độ rỗng và lượng máu chứa trong kim tiêm sẽ nhiều hơn trên vật sắc nhọn không có nòng, thì xác suất này có thể còn thấp hơn rất nhiều.

Cũng vì các em châm chọc nhau một cách ngẫu nhiên nên không phải 43 em đó đều bị phơi nhiễm với HIV từ em học sinh bị nhiễm HIV, thực tế em học sinh bị nhiễm HIV bị châm chọc 2 lần và qua quần bò nên khó dính máu nếu có bị tổn thương.

Em học sinh nhiễm HIV này đã và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus và sức khỏe rất tốt. Việc điều trị bằng thuốc kháng virus cũng ức chế và tải lượng virus thấp làm nguy cơ lây nhiễm HIV cũng giảm.

Như vậy, trong trường hợp trên, cơ quan chuyên môn về HIV/AIDS đã đánh giá nguy cơ dựa trên vật dụng đâm, chọc, các vết thương của học sinh bị nhiễm, tình trạng điều trị ARV của học sinh nhiễm HIV và đặc biệt là các vết đâm chọc của từng học sinh khác cũng như yếu tố nguy cơ khác và khẳng định không có nguy cơ nên không có trường hợp nào phải dùng thuốc kháng virus để dự phòng phơi nhiễm.

Khuyến cáo khi bị vật nhọn dính máu của người nhiễm HIV đâm phải

Để tránh lây nhiễm HIV khi bị vật nhọn dính máu của người nhiễm HIV/AIDS đâm phải, Ths.Bs Hoàng Đình Cảnh khuyến cáo: Trong trường hợp bị đâm, gây tổn thương da chảy máu thì phải xối ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế, nên đến phòng khám ngoại trú điều trị HIV gần nhất, hoặc Trung tâm Y tế huyện hay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để các y bác sỹ đánh giá nguy cơ, tư vấn và xử trí kịp thời. Nếu xác định có nguy cơ, trẻ sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trong vòng 4 tuần.

Việc điều trị dự phòng bằng thuốc ARV cần tiến hành sớm ngay sau khi bị tổn thương đâm gây chảy máu trong vòng 4- 6 giờ và không quá 72 giờ. Sau 72 giờ việc điều trị là không có tác dụng dự phòng. Như vậy, chỉ điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc ARV khi xác định có nguy cơ và phải dùng thuốc đúng phác đồ và trước 72 giờ.

Ông Cảnh khuyến cáo thêm, các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị cho mình các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS để tự bảo vệ cho chính mình, con cái và người thân và khi có bất kỳ sự việc gì xảy ra cũng đủ kiến thức để phân tích, không hoảng loạn hay lo lắng quá mức cần thiết.

Với nhà trường: Cần tuyên truyền giáo dục các em các kiến thức về HIV cũng như kỹ năng sống khác; giám sát các hoạt động vui chơi của các em đề phòng có thể xảy ra những tình huống tương tự.

Với cộng đồng nói chung: Cần tiếp tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại