"Không ai lấy băng dính mà dán vào miệng được"
Trao đổi về việc một can phạm hô có bom trên chuyến bay VN253 từ Hà Nội - T.p HCM ngày 5/1, luật sư Chu Mạnh Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính) nhận định, rõ ràng người bị dẫn giải kia đã vi phạm các quy định của ngành hàng không.
An toàn trong ngành hàng không được quy định rất nghiêm ngặt. Vì thế, mọi hành vi đe dọa, gây rối, mất an toàn bay, nguy hại đến chuyến bay đều bị xử phạt tùy theo mức độ.
Việc xử phạt đối với vi phạm này dựa trên tính toán mức độ thiệt hại sau khi can phạm kia đã hô hoán có bom trên máy bay. Trường hợp nhẹ sẽ bị xử lý hành chính, còn nặng có thể truy tố về hình sự.
“Theo quy định nghiêm ngặt của ngành hàng không, bất cứ người nào vi phạm đến quá trình bay đều bị xử lý rất nặng.
Trên thực tế, đã có nhiều hành khách chuẩn bị lên máy bay cũng nói đùa trong hành lý, trên người có bom cũng đều bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính.
Ở trường hợp này, can phạm bị dẫn giải cũng được coi như một hành khách bình thường và đều bị áp dụng các hình thức xử phạt nếu vi phạm các quy định của ngành hàng không” – luật sư Cường cho hay.
Cũng theo vị luật sư này, đối với hai cán bộ dẫn giải cũng chỉ là nạn nhân của tên tội phạm kia, không đủ cơ sở để quy kết trách nhiệm.
Ông Cường nói: “Việc nói là quyền của người ta (can phạm dọa có bom), không ai lấy băng dính mà dán vào miệng được. Nhưng khi nói ra mà vi phạm pháp luật thì đương nhiên người đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng Luật sư Interla) đề nghị, cần xử phạt thật nặng hành vi quấy rối an toàn ngành hàng không.
“Việc can phạm lợi dụng việc đi vệ sinh và nói trên máy bay có bom không có liên quan đến nhau. Vì việc nói là quyền bất khả xâm phạm, nhưng không vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp này, hai cán bộ công an tham gia dẫn giải can phạm không có lỗi gì cả, vì quyền nói là của người ta. Còn can phạm dọa có bom trên máy bay là hành vi vi phạm khác, ngoài tội của anh ta đang bị điều tra.
Theo Khoản 8, Điều 30 tại Thông tư 30 của Bộ Giao thông Vận tải về việc quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam, thì mức xử phạt đối với trường hợp này cao nhất là 40 triệu đồng (từ 30-40 triệu đồng)” – luật sư Hòe phân tích.
Thông báo chính thức của Cục Hàng không Việt Nam
Ngày 5/1, chuyến bay VN253, chặng bay Hà Nội – T.p HCM, chở 249 hành khách (11 khách hạng C và 238 khách thường). Trong đó, có can phạm Đoàn Bá Đức ngồi ghế 57J và hai cán bộ công an dẫn giải.
Chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 14h50 phút ngày 5/1.
Khi tàu bay đang từ vị trí đỗ 16 ra vị trí 14 để khởi hành, hành khách can phạm Đoàn Bá Đức lợi dụng việc đi vệ sinh và đã vùng chạy lên khoang hành khách phía trên kêu có bom trên chuyến bay.
Ngay lúc đó, tiếp viên trưởng đã báo cáo cơ trưởng triển khai quy trình ứng phó.
Sau đó, đối tượng đã bị khống chế, toàn bộ hành khách, hành lý xách tay đã được đưa vào ga nội địa đến nhà ga T1 để tiến hành tái kiểm tra an ninh theo quy định.
Sau khi tiến hành kiểm tra an ninh tàu bay, không phát hiện dấu hiệu nghi vấn, bất thường, chuyến bay VN253 đã khởi hành lúc 16h55 phút và bị chậm 2h5 phút so với thời gian khởi hành ban đầu.
Đối tượng can phạm Đoàn Bá Đức và hai cán bộ dẫn giải đã không tiếp tục chuyến bay.
Quy trình dẫn giải tội phạm bằng đường hàng không
Theo quy định về việc di lý tội phạm bằng máy bay, cơ quan công an sẽ mua vé như các hành khách khác, tuy nhiên phải có mặt tại sân bay trước khi máy bay khởi hành 2 tiếng.
Khi xe đặc chủng đưa tội phạm tới sân bay, nhân viên sân bay sẽ đưa cán bộ điều tra và tội phạm lên trước.
Ngành hàng không sẽ dành 3 ghế ưu tiên, thường gọi là ghế an ninh trên mỗi chuyến bay cho cơ quan điều tra làm nhiệm vụ đặc biệt hoặc trường hợp khẩn cấp.
Tội phạm bị di lý bị còng tay, cán bộ điều tra sẽ dùng áo che để tránh sự chú ý của các hành khách khác.
Cơ trưởng chuyến bay và một số người trong phi hành đoàn nắm được thông tin có tội phạm di lý trên chuyến bay.
Khi máy bay hạ cánh, hành khách xuống hết, tội phạm mới được dẫn giải ra khỏi máy bay và lên xe đặc chủng để đưa về nơi giam giữ, điều tra.