Vụ giàn khoan: Cơ chế thi hành phán quyết khi Việt Nam thắng kiện

Luật sư Nguyễn Phú Thắng |

(Soha.vn) - Song song với nỗ lực ngoại giao hòa bình, Việt Nam cần dự tính các biện pháp khác hơn để ngăn chặn các bước leo thang của Trung Quốc.

Trong đó cần xem xét việc đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế. Có ít nhất hai thiết chế tài phán quốc tế có thẩm quyền mà Việt Nam có thể tiến hành vụ kiện.

Một là, Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển. Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển được thành lập theo Phụ lục số 7 của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích và thực hiện Công ước. Điều 57 Công ước LHQ về luật biển xác định vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển trải rộng tới 200 hải lý kể từ đường cơ sở, như vậy, giàn khoan Hải Dương 981 thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thuộc quyền tài phán của Việt Nam.

Hai là, Việt Nam cũng có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế (gọi tắt là ICJ). Tuy nhiên việc này lại không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chỉ chủ quan của quốc gia khởi kiện. Điểm bất lợi khi lựa chọn khởi kiện theo cách thức này là Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết căng thẳng nếu Việt Nam khởi kiện và Trung Quốc cũng chấp nhận; hoặc Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận cùng yêu cầu tòa giải quyết vụ việc. Việc đơn phương là khó khăn khi diễn biến vụ việc cho thấy rằng Trung Quốc không có thiện chí giải quyết một cách sòng phẳng và công bằng.

Trong khi đó thì, Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển (ITLOS) thụ lý vụ kiện không phụ thuộc vào ý chí của quốc gia bị kiện.  Đây là nội dung được quy định của Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982.

Tuy nhiên, vấn đề thực thi bản án có hiệu lực của cơ quan tài phán quốc tế mới là điều chúng ta quan tâm? Điều 39 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định: “Hội Đồng Bảo An xác định sự tồn tại mọi sự đe doạ hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các Điều 41 và Điều 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”. Nếu Trung Quốc không thi hành phán quyết có lợi cho Việt Nam, Việt Nam có thể nhờ tới sự can thiệp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Điều 27 của Hiến chương lại trao quyền phủ quyết cho một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng bảo an đó  là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Như vậy, nhiều khả năng Trung Quốc bảo lưu quyền không phê chuẩn Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An nếu thấy bất lợi cho mình. Trường hợp này đã từng xảy ra đối với Hoa Kỳ vào năm 1984 và gần đây vào năm 2004, Isarel đã phản đối quyết liệt Nghị quyết của Hội đồng bảo an yêu cầu thực hiện phán quyết giỡ bỏ hàng rào an ninh, đồng thời bồi thường cho người Palestine. Vậy là phán quyết của Tòa án công lý quốc tế đã không được thực thi và dần trôi vào quên lãng.

Rõ ràng, trong đời sống quan hệ pháp luật quốc tế, các quốc gia có cơ quan tài phán đủ thẩm quyền xét xử, thậm chí có cả thiết chế đảm bảo cho việc thực thi phán quyết có hiệu lực, đó là Hội đồng bảo an LHQ, nhưng xét trên bình diện thực tế còn có rất nhiều điều phải chúng ta phải cân nhắc để quyết định tham gia một “lộ trình dài hơi”.

Nói như vậy, không có nghĩa trật tự pháp luật quốc tế nằm trong tay các nước lớn, nước nhỏ phải chịu nép vế? Để tháo gỡ cho những bế tắc về việc thực thi phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế, hay có thể gọi là sự thất bại mang tính hệ thống của tổ chức này, LHQ đã phê chuẩn Nghị quyết 337 (V) còn gọi là Nghị quyết Dena Acheson, theo đó có thể làm vô hiệu quyền phủ quyết của một nước thành viên thường trực của Hội Đồng bảo an, đồng thời cho phép Đại Hội đồng Liên hợp quốc hành động khi Hội đồng bảo an bất lực. 

Nghị quyết này được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1950 và nó quy định rằng: “Trong bất kỳ trường hợp nào mà Hội đồng bảo an, do thiếu sự thống nhất giữa các thành viên thường trực của nó, không thực hiện đúng yêu cầu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ xem xét vấn đề này ngay lập tức và có thể đưa ra bất cứ đề nghị cần thiết nào nhằm khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.

Việc cân nhắc, xem xét khởi kiện hay đề nghị tư vấn từ các cơ quan Tài phán cần phải thận trọng trên nhiều yếu tố, có thể là: Kiện nội dung gì? Kiện quốc gia hay kiện Tổng công ty dầu khí Hải Dương? Lựa chọn thời điểm khởi kiện? Lựa chọn cơ quan tài phán? Dự liệu thời điểm, nội dung của phán quyết? Việc thực thi phán quyết: thuận lợi và khó khăn. Ngoài ra, nên xem xét đề nghị Tòa án quốc tế giải thích nội dung Công ước Luật biển 1982 để đối chiếu với cách hiểu, cách viện dẫn và hành vi vi phạm của Trung Quốc trong những năm gần đây bao gồm cả vụ giàn khoàn 981.

Bên cạnh đó rất cần phải học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã tham gia tố tụng quốc tế giải quyết tranh chấp về chủ quyền biển, đảo như: Vụ án về Thềm lục địa Biển Bắc năm 1967-1969 giữa Cộng hòa liên bang Đức và Đan Mạch, Cộng hòa liên bang Đức và Hà Lan; Phân định ranh giới biển trong khu vực Vịnh Maine năm 1981-1984 giữa Canada và Mỹ; Tranh chấp biên giới đất liền, đảo và biển năm 1986-1992 giữa El Salvador và Honduras; Tranh chấp về chủ quyền trên Pedra Braca (hay Pulan Bata Putech, Middle Rocks và South Ledge) năm 2003-2008 giữa Malaysia và Singapore; Tranh chấp phân định tại Biển Đen năm 2004-2009 giữa Rumani và Ucraina.

Các hoạt động tố tụng ở môi trường công pháp quốc rất cần thiết vai trò của những Luật sư đẳng cấp quốc tế, thực sự giỏi và đầy kinh nghiệm ít nhất cũng phải ở tầm của Luật sư Paul Reichler (Hoa Kỳ) mà chính phủ Philippine đã mời trong vụ kiện Trung Quốc đang được ITLOS thụ lý, giải quyết.

Việt Nam là quốc gia đã trải quá nhiều cuộc chiến tranh chính nghĩa, đã mất mát quá nhiều để giành được hai chữ “Độc lập”. Nên vậy trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần đồng tâm để kiên định với mục tiêu đề ra, đồng thời cần đa dạng, sáng tạo về phương pháp đấu tranh để đạt được mục tiêu lịch sử này.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại