“Lương biết bao nhiêu mới đủ?”
Sau khi Báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng tải loạt bài điều tra về hiện tượng các nhân viên nhà ga, nhà tàu câu kết đưa hành khách đi tàu chui để lấy tiền, hòm thư của tòa soạn đã nhận được một số ý kiến của độc giả tự giới thiệu là những người đang hoặc đã từng công tác trong ngành đường sắt. Những độc giả này đã chia sẻ những khó khăn và lý giải nguồn gốc của những tiêu cực mà chúng tôi đã nêu ở những bài viết trước.
Một trong những nguyên nhân được độc giả phân tích là lương của nhân viên đường sắt quá thấp nhưng lại phải chi phí quá nhiều trong 1 chuyến tàu. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Thanh Bình – Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe Hà Nội cho rằng: “Công việc kinh doanh buộc xí nghiệp phải tính đến bài toán lãi – lỗ, doanh nghiệp nào cũng thế thôi. Song nếu nói vì lương nhân viên của xí nghiệp thấp nên nảy sinh tiêu cực thì tôi cho là không đúng. Đây là do thiểu số, do tư cách đạo đức.
Chứ nếu bảo là lương thấp mới lấy tiền của khách thì không đúng, bởi thu nhập bao nhiêu thì mới cho là đủ? Lương bao nhiêu mới đủ? 10 triệu đồng/tháng chưa chắc là đủ, 20 triệu đồng/tháng cũng chưa chắc là đủ, kể cả 40 triệu đồng/tháng cũng chưa chắc đã đủ… Kể cả lãnh đạo cũng thế. Nói đủ, biết đủ thì là đủ, còn nếu cho rằng chưa đủ thì cũng vẫn chưa đủ”.
Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội.
Về thu nhập bình quân của nhân viên hiện nay, ông Bình cho biết: “Đối với xí nghiệp chúng tôi, lương đi tàu của nhân viên bình quân là 4 – 5 triệu đồng/tháng. Đó là về lương, còn hỗ trợ cho anh em nhân viên thì xí nghiệp chúng tôi vẫn có”.
“Anh em nhân viên trên tàu làm việc cũng rất vất vả, từ lúc chuẩn bị cho đến lúc chạy tàu, rất nhiều công đoạn, từ khâu sắp xếp chuẩn bị chăn, ga, gối cho khách đi tàu sao cho sạch sẽ,… tất cả đều phải chuẩn bị rất kĩ càng, công phu. Tàu thì nhiều toa nên sau mỗi chuyến đi về không thể nói là thiết bị còn nguyên vẹn được. Rồi lật gãy, rơi vãi, kể cả bị mất buộc nhân viên phải chuẩn bị lại đầy đủ. Mức lương như vậy đối với nhân viên tôi nghĩ có khi còn chưa tương xứng”, ông Bình nói.
Về thông tin cho rằng trong mỗi chuyến đi tàu, nhân viên trên tàu có nhiều lúc còn bị lỗ bởi những chi phí phát sinh, ông Bình cho rằng đó là do chế độ chi tiêu cá nhân và quản lý tài chính của từng người, còn chi phí cho mỗi chuyến tàu đều do xí nghiệp lo hết.
Ông Bình cho biết: “Việc ăn nghỉ của nhân viên, đối với trưởng tàu cũng thế, đều theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Ngoài ra, do dặc thù ngành đường sắt, trưởng tàu đủ 55 tuổi là về hưu, nhân viên thì nữ là 50 tuổi, nam là 55 tuổi. Đó là đặc thù của ngành nghề. Vào những ngày lễ tết, lượng khách đi lại nhiều, xí nghiệp chúng tôi tăng cường chuyến, dĩ nhiên lúc đó anh em nhân viên cũng phải tăng cường độ làm việc, nhưng thời gian không kéo dài, cũng chỉ hơn nửa tháng thôi.
Cùng với việc tăng cường độ lao động thì anh em nhân viên xí nghiệp cũng có thu nhập cao hơn những tháng bình thường vì được tăng lương từ tăng giờ làm, tất cả đều theo quy định của luật và của Bộ LĐ-TB&XH. Ví dụ như trong những tháng bình thường, thu nhập của mỗi tháng của mỗi nhân viên chỉ từ 4 – 5 triệu đồng nhưng những tháng trong và ngoài Tết có thể gấp rưỡi, gấp đôi, 7 – 8 triệu đồng/tháng. Những dịp lễ tết, chúng tôi không thể tuyển thêm lao động mới được vì thực ra việc nhiều nhưng cũng chỉ mang tính mùa vụ nhất thời thôi. Sau những ngày lễ tết thì công việc lại đi vào quỹ đạo bình thường”.
Sẽ tăng lương cho trưởng tàu để nâng trách nhiệm
Theo ông Bình, trong những năm gần đây, chế độ đãi ngộ và quan tâm của ngành đối với nhân viên đã được cải thiện nhiều nếu không muốn nói là rất tốt.
Ông Bình nói: “Ví dụ như tàu của anh vào đến Sài Gòn là có hẳn một khách sạn làm nơi lưu trú, chuyên dành cho nhân viên tàu lấy chỗ nghỉ ngơi, ăn uống,… để tái sản xuất sức lao động. Dù do đặc thù của ngành là thường xuyên phải di chuyển nhưng điều này vẫn góp phần nào đó đảm bảo được theo đúng quy định của nhà nước là ngày làm 8 tiếng.
Còn các chế độ khác như ăn sáng, ăn trưa… đều có đủ cả. Chế độ bữa trưa là 20 – 30.000 đồng/người và ăn sáng là 15 – 20.000 đồng/người, ăn theo đúng lương giữa ca. Lương phục vụ anh em nhân viên trên tàu, kể cả cán bộ xí nghiệp đi công tác là hoàn toàn không có lãi. Còn những chi phí phát sinh liệt kê ra thực ra là do cách chi tiêu, quản lý tài chính của từng người”.
Theo ông Hà Thanh Bình, lương và thu nhập của nhân viên xí nghiệp không phải thấp so với các ngành khác nên không thể nói là do lương thấp dẫn đến nảy sinh tiêu cực trên tàu.
Về thu nhập và đời sống sinh hoạt của nhân viên trong xí nghiệp, ông Bình cho biết thêm: “Thực ra nếu nói thu nhập của công nhân viên, cán bộ ngành đường sắt là thấp, rồi do đãi ngộ không tốt nên mới nảy sinh tiêu cực hay nhân viên phải chi phí nhiều là chưa chính xác lắm đâu. So với các ngành khác, như ngành bưu điện là ngành nổi tiếng chẳng hạn, mà bây giờ lương cũng thấp rồi, trong khi lương nhân viên ngành đường sắt cũng không đến nỗi quá thấp.
Nếu so lương với cuộc sống sinh hoạt bây giờ thì có phần khập khiễng vì biết bao nhiêu là vừa, bao nhiêu là đủ? Nói cụ thể như nếu hạch toán ra hai vợ chồng nuôi một đứa con cho đến lúc nó đi học, có ngành nghề và lập gia đình, sống tự lập thì biết tốn kém bao nhiêu, biết bao nhiêu là vừa, là đủ? Đây phải hiểu là trách nhiệm, là nghĩa vụ, phải làm. Lương cũng thế”.
Theo ông Bình, nguyên nhân dẫn đến tiêu cực là do môi trường làm việc dễ nảy sinh những điều kiện, cơ hội để nhân viên có thể lợi dụng và trục lợi, làm sai quy định: “Ngày Tết anh quay nhanh, xí nghiệp đều có chế độ đãi ngộ, đãi ngộ cụ thể là ngoài mức lương anh được hưởng còn có một đơn giá khác cho những chuyến anh tăng cường, theo đúng quy định của luật.
Nói cho cùng, anh em nhân viên cũng phải tuyên truyền thôi, chứ nếu có cơ hội, có điều kiện thì họ vẫn làm vì lòng tham là vô đáy, mình có kiểm tra nhưng họ giấu, họ trốn, thậm chí có trường hợp còn đối phó lại xí nghiệp bằng cách xin nghỉ ốm, không làm,… Ở góc độ nào đó cũng phải cảm thông cho anh em, cho cán bộ ngành đường sắt chúng tôi khi rơi vào cảnh phải “làm dâu trăm họ”.
“Nhưng nói là nói thế còn trách nhiệm của người quản lý, chúng tôi vẫn phải kiểm tra, kiểm soát, phát hiện sai phạm là phải nghiêm khắc xử lý”, ông Bình khẳng định.
Ông Bình cũng cho biết sắp tới Xí nghiệp Vận dụng toa xe Hà Nội sẽ tăng lương cho bộ phận trưởng tàu để nâng cao trách nhiệm quản lý, dự kiến mức lương sẽ là 7 – 8 triệu đồng/người/tháng. “Tiền tăng này xí nghiệp sẽ trích từ việc giảm một số dịch vụ khác để bù vào nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của các trưởng tàu”, ông Bình nói.
Liên quan đến những tiêu cực trên tàu mà báo phản ánh vừa qua, ông Huỳnh Cường – Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe Hà Nội cho biết: “Sau khi có thông tin báo phản ánh, Xí nghiệp cũng đã nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ và có văn bản trả lời nhanh. Đồng thời cũng họp để tiếp thu, rút kinh nghiệm và sửa chữa cũng như có các hình thức xử lý đối với các cá nhân vi phạm. Ngoài ra, số tiền mà nhân viên trên tàu đã nhận của khách thì chúng tôi cũng đã viết phiếu sung vào công quỹ rồi, không có chuyện thất thoát. Nhưng về phía chúng tôi, tiêu cực so với ngày xưa đã giảm đi rất nhiều”.