Dành chỗ cho người trước
Tôi từng sống ở Singapore nhiều năm cũng như dành thời gian quan sát cách họ chăm sóc cây xanh đô thị. Cơ bản thì điều kiện hạ tầng của Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn ở nước ta nói chung hoàn toàn không có sự tương đồng với họ.
Diện tích quy hoạch cho cây xanh ở Singapore lại lên đến 50%, trong khi ở Hà Nội chỉ chừng 0,7%.
TP HCM cũng chỉ khoảng 1,5% (tôi nói là khoảng bởi vì trong khi các nước khác họ công bố rất nhiều tài liệu về vấn đề này thì tuyệt nhiên tôi không thể tìm được thông tin được công bố chính thức ở nước ta).
Thêm một con số khác để bạn hiểu rõ hơn, yêu cầu cây xanh trên đầu người tiêu chuẩn cho một thành phố là 10-15m2/người. Và con số đó, ở cả Hà Nội lẫn TP HCM là dưới 4m2/người.
Tôi nghĩ, bạn sẽ càng bất ngờ khi biết rằng mật độ dân cư của Singapore là 7.700 người/km², gấp 3 lần Hà Nội (khoảng 2.100 người/km²) và gấp đôi TP HCM (khoảng 3.600 người/km²).
Hình ảnh cây xanh tại Singapore. Anh: Vietnamnet.
Tôi khẳng định đây là vấn đề của quy hoạch đô thị chứ không phải đơn thuần chỉ là câu chuyện về chặt hay trồng thêm bao nhiêu cây xanh.
Nói đơn giản đi, tức là chúng ta cần thu xếp lại chỗ để con người sống, trước khi thu xếp chỗ cho cây.
Cụ thể là chuyển cư dân lên sống trên cao trong những khu căn hộ đủ tiêu chuẩn, diện tích đất có được sẽ dùng làm các công viên nội bộ, giải quyết nhu cầu về khoảng xanh cho từng cụm căn hộ.
Bên cạnh đó mở rộng các đô thị vệ tinh, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng điều kiện chuyển ra sống xa trung tâm.
Và cuối cùng, là một biện pháp không thực sự triệt để nhưng có thể tạm sử dụng trong thời gian ngắn, là phủ xanh mái bê tông của đô thị.
Xin nhắc lại việc phủ xanh mái bê tông không phải giải pháp mang tính lâu dài, vì về mặt kỹ thuật nó không thực sự là lựa chọn đúng đắn cho môi trường, nhưng nó tạm thời có thể sử dụng để giải quyết vấn đề cấp bách về nhu cầu cây xanh của đô thị.
Mặt khác, nó giúp điều tiết khí hậu, làm chậm lại quá trình nóng lên của các thành phố lớn.
Có một nghiên cứu thống kê năm 1991, diện tích sân thượng bằng phẳng trong nội đô của thành phố là 7,5% và trong đó thì 3,8% có thể phủ xanh. Chỉ cần diện tích này thực hiện được điều đó, thì đồng nghĩa với việc nhiệt độ của thành phố sẽ giảm gần 1 độ C.
Không chỉ riêng gì nóc các toà nhà cao tầng không thôi, mà những mái nhà dân cũng hoàn toàn có thể làm được điều này. Cá nhân tôi nghĩ đây cũng là một khía cạnh nên cử người đi học.
Dừng chặt cây
Mà như vậy, việc đi học cắt tỉa và trồng mới cây ở thời điểm này thực ra không phải chuyện cấp bách.
Theo tôi, việc cử cán bộ đi học trồng cây chỉ nhằm giải quyết bề nổi của vấn đề là cây (lỡ) bị chặt đi nên cần trồng lại.
Vấn đề thực chất cần giải quyết là ngừng chặt cây lớn dưới mọi hình thức (yêu cầu thống kê toàn bộ cây xanh để dễ kiểm soát, và giải trình chi tiết với nghiên cứu khoa học kèm theo mỗi khi đề nghị chặt cây).
Thêm vào đó là tăng diện tích trồng cây bằng tất cả những cách có thể ở thời điểm hiện tại trong lúc xây dựng một bản quy hoạch có tầm nhìn đủ dài và đủ rộng.
Và đó là vấn đề thứ hai cần lưu tâm trong thông báo số 32 vừa ban hành. Bản thông báo cho phép thay thế cây xanh đô thị trên 10 tuổi bằng cây có đường kính tương ứng, theo cơ chế thị trường.
Hình ảnh một cây xà cừ bị "đốn hạ" trong chiến dịch chặt cây năm 2015. Ảnh: H.P.
Nói đơn giản là, chỉ cần quan tâm đến đường kính cây và chi phí, còn chủng loại cây nếu nằm trong danh mục cho phép là được.
Mà cái danh mục cho phép này, nói thật, nếu có “lỡ" trồng sai thì người dân cũng khó lòng biết được, vì đâu phải ai cũng là chuyên gia cây xanh và nắm được thông tin.
Có người bạn tôi từng ví dụ vui thế này:
Nếu trước cơ quan có một cây sấu và ông giám đốc hôm đó không được vui, muốn chặt đi cho đỡ “xấu”, để thay thế bằng một cây lộc vừng cho nó “lộc”, thì ông chỉ cần tìm cây có kích thước như thế và chịu chi trả toàn bộ chi phí này là sẽ có người làm cho ông.
Nghe đến đây, tôi cứ nghĩ hoài đến cảnh các cậu nhà giàu, một hôm nào đấy muốn cưa đổ một em cuối phố, thế là bứng luôn cái cây trước cổng nhà em và trồng vào một cây si đúng nghĩa đen.
Chừng vài người như anh giám đốc hay cậu nhà giàu mà cùng sống trên cùng một con đường thì chắc là con đường ấy đa dạng sinh học lắm!
Bài học của Lý Quang Diệu
Hơn 50 năm trước, năm 1963, Lý Quang Diệu quyết định bắt đầu chiến dịch phủ xanh Singapore để biến đảo quốc cằn cỗi này trở thành một khu vườn Singapore như hiện tại.
Ông cực kỳ quan tâm đến các điều kiện khí hậu, chủng loại cây trồng, phân bón, thoát nước và cơ sở hạ tầng để thực hiện tầm nhìn của mình.
Bởi ông biết rằng song song với một đô thị phát triển là những hệ quả tiêu cực kèm theo, và cây xanh là giải pháp triệt để nhất cho vấn đề này.
Tôi tìm được một số đoạn viết của ông, trong các quyển sách mà ông viết:
"Sau khi độc lập, tôi luôn đau đáu suy nghĩ về những biện pháp để tách bạch hình ảnh Singapore với các nước Thế giới thứ 3. Tôi quyết định phải cải thiện môi trường và cảnh quan Singapore.
Phủ xanh thành phố là kế hoạch hiệu quả nhất mà tôi từng phát động”. - From Third World to First: The Singapore Story: 1965-2000, xuất bản năm 2000
"Những mảng xanh trong thành phố cũng giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, khiến họ tự hào về những thực thể tồn tại xung quanh.
Chúng tôi hướng dẫn họ chăm sóc cây xanh và không phá hoại cây cối” - From Third World to First: The Singapore Story: 1965-2000, xuất bản năm 2000
"Tôi cử người đi khắp nơi, đến các vùng xích đạo, vùng nhiệt đới, vùng cận nhiệt đới, để tìm những giống cây hoặc dây leo mới. Họ đến châu Phi, vùng Caribbean, châu Mỹ, và mang về một số giống cây mới.
Chúng không nhiều, nhưng nếu bạn dành chỗ để trồng cây, để dây leo mọc lên, thì sự oi bức sẽ giảm và bạn có một thành phố khác hẳn”- The Man And His Ideas, xuất bản năm 1998.
Hàng cây xà cừ trên một tuyến đường ở Singapore. Ảnh: NPB.
Và ông đã đúng, hoàn toàn đúng. Những điều này không cần phải đi đâu học, chỉ cần dành thời gian suy ngẫm và tìm hiểu về chúng là đủ.
Nói tóm lại, tôi nghĩ vấn đề cây xanh đô thị ở Hà Nội hay TP HCM không phải nằm ở việc chúng ta có cử người đi học ở nước ngoài hay không, hoặc là học cái gì, mà nó nằm ở một tầm nhìn dài hạn trong việc quy hoạch.
Cả quy hoạch đô thị lẫn quy hoạch cây xanh.
Còn các giải pháp ngắn hạn, rút gọn lại, chỉ cần ngừng chặt bỏ và trồng thêm cây, rồi tìm cách giữ cái cây đó sống được, thì có trồng thêm cây gì ở đâu cũng không quan trọng.
Năm 2015, có 6700 cây xanh ở Hà Nội, hầu hết đã trồng lâu năm, bị hạ lệnh chặt bỏ để làm đường metro, sau đó đang chặt thì bị dư luận dừng lại, cuối cùng đơn vị quy hoạch xin lỗi bảo rằng thực ra không chặt nhiều như thế cũng được.
Như vậy việc chặt cây đã được quyết định theo tầm nhìn của người muốn xây dựng metro, không phải tầm nhìn lâu dài của đất nước, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Tầm nhìn đó rất quan trọng. Nếu nhiệm kỳ tới, quyền hạn thuộc về người có tầm nhìn khác, nhiệm kỳ tới lại khác nữa, thì rốt cục sẽ còn bao nhiêu cây bị chặt bỏ, bao nhiêu cây bị trồng sai mục đích ?
Với cái gọi là tư duy nhiệm kỳ của chúng ta, ai sẽ hoạch định cái tầm nhìn lâu dài đó, và liệu người đó có cùng đất nước đi đến cuối của hoạch định ấy, như Lý Quang Diệu đã cùng đi với Singapore suốt hơn 50 năm để biến đất nước từ một đảo quốc cằn cỗi, ngập lụt, trở thành một khu vườn rộng lớn như hiện tại?