Chiều tối ngày 27/8, Đặng Văn T. (SN 1969 thôn Đại Đồng 1, xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đi cùng 1 người khác sang thôn bên cạnh. Người dân ở đây phát hiện họ có dấu hiệu trộm chó nên đã đuổi bắt. T. và người đi cùng dùng roi điện chống trả nên bị đánh hội đồng dẫn tới cả 2 tử vong.
Gần một tháng sau ngày T. bị đánh chết do nghi trộm chó, chúng tôi đã tìm tới gia đình anh. Người vợ vẫn khăn trắng vấn đầu tiếp chúng tôi bằng nét mặt mệt mỏi: “Thời gian này tôi đang rất bối rối. Nếu ai đó hỏi tôi muốn gì và không muốn gì thì thực sự tôi cũng không biết trả lời thế nào. Chuyện quá đau lòng”.
Chị H. - vợ T. - buồn bã tâm sự, từ lâu, anh T. đã không còn là chỗ dựa về kinh tế cho gia đình. Chị phải trở thành trụ cột trong nhà có 6 thành viên. Bởi lẽ, chồng chị mang trên mình không biết bao nhiêu “án”: nghiện ngập, trộm cắp, vào tù ra tội… không giúp được gì cho chị. Thậm chí, mọi đồ đạc trong nhà, chỉ cần hở ra là anh mang đi bán để thỏa mãn cơn nghiện ma túy.
Ngôi nhà cấp 4 của anh T. nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông nên trông càng nhỏ bé, xơ xác. Mẹ chồng chị H. ốm bẹp giường. Sau khi con trai bị đánh chết, bà suy sụp rất nhiều, một thời gian phải nằm trong viện. Nhưng do kinh tế khó khăn, chị H. xin cho bà nằm điều trị tại nhà.
Vợ chồng chị có 3 người con, 2 đứa lớn học đại học ở Hà Nội. Nhà khó khăn nhưng các con chăm ngoan khiến chị H. rất mừng. Từ ngày bố mất, tuần nào chúng cũng về nhà thăm mẹ để giúp chị nguôi ngoai đi cú sốc lớn. Thường xuyên bên cạnh chị lúc này chỉ còn đứa con gái đang học lớp 11.
Mỗi khi có ai đó hỏi về anh T., chị lại mắt đỏ hoe. “Trước đây, anh rất hiền lành, chịu khó, là thợ xây giỏi, đi tới đâu cũng được mọi người yêu quý. Nhưng do những cám dỗ của xã hội, do anh không vững tâm và đã bị lôi cuốn cùng bạn bè theo những vòng xoáy của ma túy. Tuy nghiện ngập như thế nhưng vẫn có những lúc anh chia sẻ, anh tâm sự. Tôi biết, đó là những lúc anh bình thường. Những lúc anh không bình thường, tôi không ở trong anh ấy nên không thể hiểu hết được”, chị H. khóc.
Chị hiểu chồng mình không tới mức quá xấu xa nên trước cái chết thương tâm càng thêm đau lòng. Hành động đánh chết chồng chị của người dân làng Danh Thượng, chị H. cho rằng họ quá dã tâm. Dù chị biết, nhiều người biết, hiện tại anh T. là người như thế nào và đang làm gì.
“Không có tang chứng và vật chứng nên tôi nghĩ, nếu nghi ngờ, họ có thể đánh cảnh cáo chồng tôi rồi đưa về công an xử lý. Nếu họ làm như thế, kể cả bản thân anh và gia đình tôi cũng phải chấp nhận. Nhưng ở đây họ lại đánh chồng tôi đến chết. Những người dân ở đó, họ tường tận sự việc hơn ai hết. Còn như tôi và mọi người ở đây cũng chỉ là hình dung qua lời kể qua, kể lại”, chị H. trải lòng.
Hướng đôi mắt mệt mỏi về phía công trình phụ đang được một vài người hàng xóm, họ hàng xây lại giúp, nét mặt chị H. đầy lo toan. Nói về tương lai các con, chị chỉ biết thở dài: "Anh mất đi thì được yên phận. Mẹ con tôi ở lại mới là người khổ, người bị tổn thương nhiều. Mẹ chồng đã ngoài 80 cũng đau ốm suốt, các con thì ăn học không phụ được kinh tế, một mình tôi bươn trải với hơn 1 mẫu ruộng. Vất vả là thế, nhưng tôi cũng phải nuốt nước mắt vào trong để động viên con. Tương lai phía trước của các cháu còn dài. Tôi chỉ sợ các con suy nghĩ mà ảnh hưởng tới học tập.
Chỉ có chính quyền xã, thôn, hàng xóm, láng giềng tới động viên gia đình, còn phía bên người gây án chưa thấy hỏi thăm”, chị H. nói thêm.
Chị H. cho biết, đã gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng.
Và bản thân người phụ nữ ấy luôn mong muốn một cuộc sống yên ổn, chị không muốn nhắc nhiều về những chuyện đã qua.