Ông Viên Đình Lưu – Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa) khẳng định: “Di tích đình làng Thọ Sơn đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2010. Di tích này hiện đang còn giữ lại những kiến trúc, phù điêu thời Nguyễn rất có giá trị. Di tích này hiện do Sở trực tiếp quản lý, bất kì một hành động nào liên quan đến việc trùng tu, tu bổ, sữa chữa, tôn tạo đều phải thông qua và được sở đồng ý, không được phép tùy tiện xâm phạm”.
Nghe tin cán bộ địa phương nhất quyết thu tiền dân để trùng tu di tích, ông Lưu nói: “Ở đây cán bộ xã làm ẩu, trưởng thôn cũng làm ẩu. Ẩu và sai. Có lẽ bà con địa phương thấy đình làng xuống cấp nên cũng nóng lòng sửa chữa lại. Nhưng tôi khẳng định, việc thu tiền của dân như thế là sai mà việc tự ý sửa chữa di tích như thế cũng là sai quy trình, trái thẩm quyền”.
Thế nhưng, khi trao đổi với chúng thôi, ông Quản Bá Tào – Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu vẫn khẳng định kiên quyết thu tiền của dân để sửa chữa đình làng Thọ Sơn (dù đây là di tích do tỉnh quản lý). Ông Tào nói: “Đình làng Thọ Sơn hiện nay xuống cấp rất trầm trọng. Tỉnh cũng đã có công văn cho phép trùng tu tôn tạo (?). Làng phải kêu gọi để trùng tu nhưng vốn không có. Địa phương chúng tôi chủ trương khôi phục lại di tích văn hóa của làng”.
Ông Tào khẳng định đình làng Thọ Sơn “là di tích nhà nước đã xếp hạng cấp tỉnh” nhưng ông lại cho rằng xã có đầy đủ cơ sở để tôn tạo vì… “đã họp dân”, “họp các cụ” và “họp liên chi bộ”.
Ông Tào nói: “Đối với làng Thọ Sơn thì làng đã thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân trong làng, đã họp liên chi bộ, họp các cụ, họp người dân, trên cơ sở đó kêu gọi tất cả con em trong làng ủng hộ đóng góp để xây dựng, tôn tạo lại đình đó trên cơ sở tự nguyện. Làng triển khai thu tiền tất cả con em, người dân trong làng, không kể tuổi tác, thành phần xã hội, phải đóng góp ít nhất là 400.000 đồng trong 2 năm. Ai có nhiều thì đóng góp nhiều hơn nữa…”.
Về kinh phí tu bổ, sửa chữa đình, ông Tào cho biết: “Ước tính trên 1 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp khoảng 700 – 800 triệu đồng, tới đây kêu gọi tỉnh cho vài trăm triệu đồng nữa là xong. Ở đây chúng tôi chỉ "cố vấn" cho thôn, vận động con em tôn tạo, xã không đứng ra quản lý số kinh phí này”.
Dù được trùng tu tôn tạo theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" bằng số tiền thu của dân lên đến hàng tỷ đồng cách đây chưa lâu, nhưng hiện nay, một số hạng mục của di tích đình làng Đắc Châu đã bị xuống cấp. (Ảnh: Những cột gỗ trong đình mới tu bổ đã bị mối mọt).
Khi được hỏi cơ sở nào để xã và thôn có thể ước tính số kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích đình làng Thọ Sơn là trên một tỷ đồng thì ông Tào ngập ngừng: “Tính được chứ, gọi thợ đến, họ ước chừng thế thì cứ thế mà thu. Có khi như thế vẫn còn ít, chưa đủ. Việc đóng góp là xã đồng ý cho vận động đóng góp, đây là việc làm xã hội hóa…”.
Như để chứng minh cho điều mình nói, ông Tào đưa ra dẫn chứng: “Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi "xã hội hóa" nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích đâu, trước kia đình làng Đắc Châu cũng được tu bổ nhờ hình thức này, làm rất tốt”.
“Ở đây chúng tôi vận động theo đầu nhân khẩu. Vận động toàn bộ nhân dân, tất cả đều phải đóng. Chúng tôi có tờ trình lên huyện rồi, sau đó xem dự toán thiết kế, vận động, có tiền thì làm, không có tiền thì thôi. Nếu tiền ít quá sẽ xin Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa. Vừa rồi chúng tôi vừa làm cái vận động xã hội hóa 3,2 tỷ để làm đình Đắc Châu đấy thôi”, ông Tào rất tự hào nói.
Đình làng Đắc Châu mới tu bổ đã xuống cấp
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dù mới được trùng tu, tôn tạo từ nguồn kinh phí “xã hội hóa” (nhân dân đóng góp 3,2 tỷ đồng) cách đây chưa lâu, nhưng hiện nay di tích đình làng Đắc Châu (thuộc xã Thiệu Châu) đã bất ngờ bị xuống cấp. Một số cây cột bên trong ngôi đình đã bị mọt đục ruỗng.
“Hiện nay, một số cây cột bên trong đình Đắc Châu đã bị mọt. Sau trùng tu, đình làng được xây lại với kiểu dáng kiến trúc mới gần như hoàn toàn, không tuân theo kiến trúc cũ, nhiều hạng mục kiến trúc cũ đã bị tự ý thay thế bằng các hạng mục khác. Điều này khiến người dân chúng tôi rất bức xúc”, một người dân xã Thiệu Châu cho biết.