Vụ bắt nữ sinh đeo biển tự nhận ăn trộm: Có thể bị xử tù 3 năm

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - LS Bách cho rằng, hành vi của bảo vệ siêu thị bắt học sinh đeo bảng 'Tôi là người ăn trộm' đủ dấu hiệu phạm tội "Làm nhục người khác".

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ sự đáng tiếc trong vụ việc xảy ra đối với em học sinh lớp 7 Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bị nghi là ăn trộm 2 cuốn truyện.

Ngay sau đó bảo vệ, nhân viên siêu thị đã có hàng loạt những hành vi như: yêu cầu khám ba lô, tra hỏi, kế toán siêu thị còn in hẳn 1 tấm biển to “Tôi là người ăn trộm” cho học sinh này đeo trước ngực...

Luật sư Nguyễn Hồng Bách.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách.

"Có thể nói hành vi bỏ 2 cuốn truyện vào trong cặp và thản nhiên đi qua cổng an ninh của bé gái xét cho cùng đây là hành vi chưa đúng, vi phạm bổn phận của trẻ em và vi phạm những việc mà pháp luật không cho phép trẻ em được làm được quy định tại Điều 21, điều 22 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.

Tuy nhiên, cháu Liên đáng thương và cũng đáng trách hơn là bị ứng xử như bảo vệ đã làm. Hai cuốn truyện có lẽ chỉ đáng vài chục ngàn mà hành xử với các cháu như thế thì không ai có thể chấp nhận được.

Khoản 2 điều 21 “Trẻ em có bổn phận phải chăm chỉ học tập, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, thực hiện trật tự công cộng và an toàn giao thông, giữ gìn của công, tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ môi trường;”

Tại khoản 2 Điều 22 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định những việc trẻ em không được làm quy định: Trẻ em không được làm những việc: “Xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; gây rối trật tự công cộng;”

Tuy nhiên, đây mới chỉ là phán đoán mà chưa có đủ cơ sở để kết luận nữ sinh này có hành vi trộm cắp.

Đối với hành vi mà bảo vệ áp dụng đối với em học sinh ngay sau khi phát giác sự việc, tôi cho rằng hành vi của bảo vệ mang nhiều tính tiêu cực hơn so với tính tích cực mà hành vi đó mang lại. Tôi hoàn toàn không đồng tình với cách xử lý của bảo vệ bởi lẽ:

Thứ nhất: Xét về độ tuổi, em này hiện tại mới chỉ 13 tuổi (học sinh lớp 7), một độ tuổi còn rất non nớt về khả năng nhận thức, chưa phát triển toàn diện và chưa hiểu biết được hậu quả của hành vi do mình gây ra.

Thứ hai: Có thể biện pháp xử lý: trói, treo biển không làm cho em học sinh bị đau đớn về thể xác, không bị thiệt hại về vật chất nhưng lại gây thiệt hại rất lớn cho em về mặt tinh thần.

Em đang ở trong độ tuổi phát triển tâm sinh lý, suy nghĩ ở độ tuổi này rất nhạy cảm, hay tự ti, xấu hổ với bạn bè và mọi người xung quanh. Do đó việc treo biển với nội dung “tôi là người ăn trộm” và bắt em đứng ở vị trí nơi nhiều người qua lại sẽ khiến cho học sinh này cảm thấy xấu hổ, mặc cảm khi bị đối xử miệt thị như vậy.

Trước đây đã có học sinh lớp 7 tự tử vì cảm thấy mặc cảm, tự ti, xấu hổ khi bị bêu rếu trước đám đông. Và thực tế, em có biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi không dám đến trường ngay sau khi sự việc xảy ra. Tiếp đó, em không dám tiếp xúc với ai, không dám ra khỏi lớp sau giờ học khi ngày càng có nhiều học sinh tò mò đến xem mặt.

Có thể nói nữ sinh này đang gánh chịu áp lực rất lớn từ hành vi bêu rếu của nhân viên bảo vệ và hậu quả của hành vi bêu rếu có thể gây cho các em học sinh rơi vào tình trạng phẫn uất mà tự tử hoặc bị hoảng loạn tinh thần thời gian dài.

Thứ ba: Tôi cho rằng bảo vệ đã không tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc nữ sinh này có 2 cuốn truyện trong cặp. Không loại trừ khả năng hành vi của em chỉ là một sự cố. Mọi hành vi đều có nguyên nhân và lý do của nó. Chúng ta cần phải xem xét nguyên nhân tại sao em lại có hành vi sai trái đó trước khi đưa ra hình phạt hay biện pháp răn đe.

Có thể hành vi của học sinh này là sai trái, nhưng nó xuất phát từ ý nghĩ tích cực như: do nhà nghèo, do đam mê đọc truyện hoặc do sự cố … thì người lớn càng phải thông cảm và đưa ra hướng giải quyết nhẹ nhàng hơn so với trường hợp em học sinh này vì bản tính “quen tay” mà lấy.

Tuy nhiên cách giải quyết trong trường hợp nào cũng phải cân nhắc và lựa chọn, bởi lẽ học sinh này còn đang ở độ tuổi đang phát triển, chưa hoàn thiện về khả năng nhận thức, khả năng hiểu biết còn rất hạn chế, cho nên phải ứng xử làm sao cho trẻ nhận ra được lỗi của mình, đồng thời cũng nhận ra trách nhiệm trẻ phải gánh chịu", Luật sư Bách phân tích.

Luật sư Bách cũng đưa lại một ví dụ về vụ việc cách đây 7 năm cũng đã có hai trường hợp bị xã hội lên án kịch liệt về hành vi ứng xử của hiệu trưởng nhà trường, của công an xã, của giáo viên chủ nhiệm đối với hành vi “bị nghi ngờ là trộm cắp” của 3 em học sinh (2 em lớp 5 và 1 em học sinh lớp 7).

Hậu quả của hành vi ứng xử của người lớn đã khiến cho các em học sinh này rơi vào tình trạng chấn thương tinh thần, hoảng loạn, sợ hãi trong một thời gian dài; nghiêm trọng hơn là tình trạng em học sinh Huỳnh Thị Bé Tý - học sinh lớp 7A3, Tại Trường THCS Hoà Bình (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), sau khi bị giáo viên chủ nhiệm dùng tay khám xét toàn bộ thân thể nhiều lần trước mặt hơn 30 học sinh đã khiến cho cô bé này sợ hãi, nghĩ quẩn và tự tử.

Rất may là gia đình đã kịp thời cấp cứu, nhưng sự việc đã in hằn lên tâm trí đứa trẻ và sau hơn 1 tháng điều trị thì em vẫn ở trong tình trạng rối loạn tinh thần.

Vụ việc bắt học sinh đeo bảng Tôi là người ăn trộm xảy ra tại siêu thị Vĩ Yên đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận

Vụ việc bắt học sinh đeo bảng "Tôi là người ăn trộm" xảy ra tại siêu thị Vĩ Yên đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận

Từ sự việc trên và ví dụ được đưa ra, theo Luật sư Bách, dù em nữ sinh có hành vi trộm cắp hay không thì cách ứng xử của bảo vệ siêu thị là hoàn toàn sai trái và vi phạm pháp luật.

"Đây là hành vi gây tổn hại tinh thần, hạ thấp danh dự nhân phẩm của trẻ chưa thành niên. Đồng thời nếu có hành vi trộm cắp thì độ tuổi của em cũng chưa đủ để chịu trách nhiệm về mặt hình sự nhưng hành vi ứng xử của bảo vệ còn nặng nề hơn cả hình phạt đối với em. Đây không phải là một cách răn đe và giáo dục mà là một việc làm phản giáo dục.

Theo quy định của Luật thì : Trẻ em có quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự  (Điều 14 Luật) và pháp luật nghiêm cấm “Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật;” (Khoản 9 Điều 7 Luật, Điều 11 Nghị định 71/2011/NĐ-CP). Do đó Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật (Điều 26).

Thứ hai: Nếu chúng ta xem xét hành vi của bảo vệ siêu thị dưới sự điều chỉnh của pháp luật hình sự thì cũng có thể nói rằng đủ dấu hiệu cấu thành tội Làm nhục người khác theo quy định Điều 121 Bộ Luật hình sự bởi vì.

Xét về chuỗi hành vi : trói tay (bằng băng dính trong khoảng 2 giờ) ; In biển với dòng chữ ‘Tôi là người ăn trộm’ ; buộc em phải đeo trước ngực, đứng trước nơi ra vào của siêu thị.

Về hành vi:  Bắt trói tay em vào lan can, hành vi này cho thấy dấu hiệu sử dụng vũ lực. Hành vi bắt đeo biển, đứng tại sảnh của siêu thị - một vị trí đông người qua lại đối với trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là hành vi  “Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em”, vi phạm khoản 2 Điều 8 Nghị định 171/2011/NĐ-CP, khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004.

Bảo vệ đã thực hiện hành vi trên nhằm mục đích để nữ sinh này xấu hổ, sau này không dám tái diễn nữa, rõ ràng hành vi của bảo vệ thể hiện sự cố ý làm nhục danh dự, nhân phẩm của em.

Về hậu quả của hành vi do bảo vệ gây ra : Thực tế  trên nhiều trang xã hội đã đưa tin, ngay sau khi xảy ra sự việc, cô bé sợ hãi, không dám đến trường. Đây là biểu hiện của sự xấu hổ, mặc cảm với bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh. Điều này cho thấy hành vi của bảo vệ đã gây áp lực lớn đến tinh thần của học sinh này.

Như vậy, hành vi của bảo vệ siêu thị đủ dấu hiệu phạm tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, tôi cho rằng trường hợp này chúng ta nhìn đi cũng phải nhìn lại. Mục đích của bảo vệ siêu thị có thể là răn đe nhưng phương pháp và cách hành xử thì lại không đúng. Do đó, tôi nghĩ rằng không nên khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này. 

Đồng thời, chúng ta cũng phải cảnh báo tới các bậc phụ huynh về việc chăm sóc giáo dục con cái đặc biệt là các cháu mới lớn, không thể đổ hết trách nhiệm cho xã hội, cho nhà trường vì môi trường gia đình là đặc biệt quan trọng để giúp các cháu phát triển, trưởng thành và trở thành một công dân tốt cho xã hội", Luật sư Bách nhấn mạnh.

Còn Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng chia sẻ, cách hành xử của những nhân viên trong siêu thị có thể nhằm mục đích ngăn chặn việc trộm cắp tiếp theo xảy ra trong siêu thị nhưng hoàn toàn mất đi tính nhân văn. Trong khi đó, đối với một em bé đã trót lấy hai quyển truyện thì siêu thị hoàn toàn có thể nhắc nhở hoặc trao đổi riêng với bố mẹ cháu cũng đã đủ để cháu rút kinh nghiệm.

"Là những người lớn tuổi nhưng nhân viên của siêu thị đã xử sự không đúng. Điều này không những không đạt được tác dụng như mong muốn mà còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Có nhiều trường hợp các em học sinh đã tự tử chỉ vì những câu nói, những cách hành xử mang tính xúc phạm của người lớn.

Việc nhân viên của siêu thị tự xử lý em học sinh lớp 7 bằng cách trói hai tay em bằng băng dính và dán tấm biển trước ngực có ghi dòng chữ như trên có dấu hiệu tội Làm nhục người khác quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự. Theo quan điểm của tôi, cần xử lý nghiêm những người đã có hành vi làm nhục cháu học sinh để ngăn chặn những việc tương tự tiếp theo có thể xảy ra", Luật sư Bình bày tỏ.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, sau khi củng cố hồ sơ, cơ quan công an sẽ khởi tố các nhân viên của Siêu thị Vĩ Yên ở thị trấn Chư Sê, những người đã tham gia việc trói tay, bắt em Liên đeo bảng “Tôi là người ăn trộm”, để làm rõ hành vi “làm nhục người khác”.

Điều 121 bộ luật hình sự :

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại