Vụ “bắt giữ hòn đá 30 tấn”: Chủ rẫy có “khai thác khoáng sản”?

Đ.Dũng - T.Tùng |

Trong khi công an tỉnh khẳng định đề xuất xử phạt chủ rẫy và chủ máy múc là có cơ sở thì nhiều chuyên gia băn khoăn vì nhiều điều luật chưa rõ...

“Kết luận người dân khai thác khoáng sản trái phép là có cơ sở”.

Đó là khẳng định của Trung tá Phạm Thanh Bình (Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn của Công an tỉnh Đắk Nông) ngày 16-4 về đề xuất xử phạt ông Nguyễn Chí Thanh (chủ rẫy) và ông Trương Quốc Hảo (chủ máy múc) về hành vi khai thác trái phép hòn đá bán quý canxedon nặng gần 30 tấn tại xã Đắk Gằn (Đắk Mil).

Công an tỉnh khẳng định có cơ sở

Theo Trung tá Bình, sau khi làm việc với các bên liên quan, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã xác định ông Nguyễn Chí Thanh (chủ rẫy) và ông Trương Quốc Hảo (chủ máy múc) đã có hành vi khai thác khoáng sản trái phép (không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định).

Căn cứ Nghị định 142/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản), công an tỉnh đang hoàn tất hồ sơ và sắp tới sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt hai người này theo điểm d khoản 3 Điều 37 Nghị định 142/2013 với mức phạt mỗi người 550 triệu đồng.

“Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp này cơ quan công an chỉ có chức năng tham mưu, còn xử phạt bao nhiêu, xử phạt như thế nào là thẩm quyền của UBND tỉnh” - Trung tá Bình nói.

Sáng cùng ngày, ông Trần Văn Thương (Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông) cho biết UBND tỉnh chưa nhận được báo cáo bằng văn bản của công an tỉnh về việc đề xuất xử phạt hành chính hành vi khai thác khoáng sản trái phép xảy ra ở xã Đắk Gằn.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Lộc (Chánh Văn phòng UBND tỉnh) cũng cho biết nếu cơ quan công an có báo cáo đề xuất xử phạt bằng văn bản thì lãnh đạo tỉnh phải họp, thống nhất rồi mới đưa ra phương án và mức xử phạt cụ thể, phù hợp.

Trong khi đó, trước thông tin công an tỉnh đề xuất xử phạt ông Thanh và ông Hảo với mức phạt từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng, ông Phạm Đức Châu (Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn) tiếp tục khẳng định việc này là không khả thi, thiếu tính thực tế.

Bởi lẽ hoàn cảnh kinh tế của hai người này đều khá khó khăn. Ông Hảo vừa có hai con bị đuối nước rất thương tâm...

Hiện trường khi phát hiện hòn đá bán quý canxedon nặng gần 30 tấn. Ảnh: Đ.DŨNG

Hiểu sao về “khai thác khoáng sản”?

Giảng viên Lưu Đức Quang (khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét cần phải xem lại đề xuất của công an tỉnh xử phạt hành chính chủ rẫy và chủ máy múc.

Bởi lẽ khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản định nghĩa rất rõ “khai thác khoáng sản” là “hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan”.

Trong khi đó diễn biến của vụ việc cho thấy chủ rẫy và chủ máy múc chỉ tình cờ đào được hòn đá trong lúc đào hồ chứa nước chứ không phải là tổ chức xây dựng cơ bản mỏ, khai đào nhằm thu hồi khoáng sản.

Như vậy, có chăng thì chủ rẫy chỉ có hành vi chiếm hữu khoáng sản trái phép và mua bán khoáng sản trái phép, còn chủ máy múc thì có hành vi mua bán (hoặc tiêu thụ) khoáng sản trái phép.

Đồng tình, giảng viên Nguyễn Đình Thắm (Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) bổ sung:

Trước hết phải khẳng định khoáng sản, trong đó có đá quý, đá bán quý là tài nguyên thiên nhiên quốc gia đặt dưới sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, người dân khai thác không phép, đào được hay nhặt được thì cũng phải nộp lại cho cơ quan nhà nước.

Việc ban đầu khi ông chủ rẫy tình cờ đào được tảng đá và bị chính quyền xã lập biên bản thu giữ là đúng, việc ông tự ý bán nó đi là sai.

Tuy nhiên, xử phạt thế nào cho chặt chẽ, đúng pháp luật là việc cần phải bàn.

Ông Thắm còn nhận xét việc UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt hành vi chở hòn đá đi tiêu thụ của tài xế về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo điểm c khoản 1 và khoản 12 Điều 21 Nghị định 185/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) cũng không ổn.

Bởi lẽ đây là hành vi vận chuyển hàng thuê, không liên quan gì đến việc kinh doanh vì tài xế (và công ty vận tải) không phải là chủ thể kinh doanh.

Mặt khác, Điều 21 Nghị định 185/2013 quy định mức phạt dựa trên giá trị hàng hóa vi phạm (khoản 12 quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên).

Ở đây, cơ quan chức năng chưa giám định giá trị hàng hóa vi phạm (hòn đá) thì làm sao biết nó có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên để áp mức phạt 35 triệu đồng?

“Xử” vận chuyển khoáng sản trái phép theo quy định nào?

Xung quanh vụ việc này, một số bạn đọc thắc mắc tại sao tài xế vận chuyển khoáng sản trái phép mà cơ quan chức năng không áp dụng Nghị định 142/2013 (lĩnh vực khoáng sản) để xử phạt mà lại áp dụng Nghị định 185/2013 (lĩnh vực hoạt động thương mại...).

Trao đổi, nhiều chuyên gia cho biết Luật Khoáng sản năm 2010 quy định khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Theo đó, sau khi được khai thác, khoáng sản trở thành một loại hàng hóa nên việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về khoáng sản.

Vì vậy, Nghị định 142/2013 đã không còn quy định về hành vi mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản trái phép nữa như nghị định “tiền thân” của nó là Nghị định 77/2007 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 150/2004 của Chính phủ).

Thay vào đó, khoản 4 Điều 1 Nghị định 142/2013 quy định:

“Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản không quy định tại nghị định này thì được áp dụng theo quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt”.

Trước đây, trả lời thắc mắc tương tự của một người dân, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết qua nghiên cứu, việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản là hoạt động thương mại, do vậy việc quản lý hoạt động mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại và quản lý thị trường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại