Theo Ngân hàng Hàng Hải (đơn vị hỗ trợ chị Hồng đổi tiền rách), số tiền trên đều có mệnh giá 10.000 yen, mỗi tờ bị rách tỉ lệ khoảng 30%.
Và ngân hàng này lý giải, sở dĩ đã hơn 4 tháng nhưng số tiền yen bị rách vẫn chưa quy đổi được ra VNĐ là do quy trình phức tạp.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Hàng Hải, để đổi được số tiền rách trên đầu tiên phải scan các mẫu tiền cho các đối tác nước ngoài, Ngân hàng quốc tế nhờ họ liên hệ phía Nhật Bản kiểm tra chi tiết từng số seri.
Sau đó, phải chuyển trực tiếp tiền rách cho ngân hàng Trung ương Nhật Bản giám định lần nữa. "Chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ cho chị trong việc đổi tiền không tính phí quy đổi”, người đại diện Ngân hàng Hàng Hải cho biết.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM, người hỗ trợ phát lý miễn phí cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng) cho biết:
“Phía ngân hàng nói với tôi chắn chắn tiền rách sẽ quy đổi được, chị Hồng sẽ nhận lại những gì mình có. Nhưng vẫn chưa biết ngày nào thôi, ngân hàng phải làm kỹ càng đúng quy trình”.
Hiện tại chị Hồng vẫn cần mẫn tiếp tục công việc thu mua ve chai. Một ngày của chị bắt đầu từ 7 giờ sáng đến khi mặt trời tắt nắng rồi mới dừng việc.
Ngoài ra, chị còn làm thêm việc mua cá từ Quảng Ngãi vào TP HCM để bán lại kiếm thêm thu nhập.
Lúc này, chị Hồng thuê một căn trọ với giá 3,5 triệu đồng/tháng cùng chồng và 2 đứa con. Trong đó, con gái lớn học nghề làm tóc, con trai út học lớp 3 tại một trường Tiểu học ở quận Tân Bình.
Chị Hồng tâm sự: “Hiện tại tôi rất hạnh phúc, dù nhà thuê nhưng được ở chung cả nhà là thấy vui rồi. Về số tiền 1,1 triệu yen rách quy đổi được thì quá tốt, để mình có điều kiện làm việc thiện giúp ích cho xã hội”.
Trước đó, chị Hồng chỉ mới sử dụng 200 triệu cho việc làm từ thiện, tặng bà con và sửa nhà cho ba mẹ ở quê. Số còn lại gửi vào ngân hàng để nuôi con ăn học.