Ngày 28-4, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết cơ quan này đang đợi phía vợ chồng bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) cung cấp chứng cứ chứng minh là chủ 5 triệu yen.
Do đó cơ quan công an vẫn chưa thực hiện thủ tục tiếp theo đối với bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (người nhặt ve chai phát hiện được số tiền trên).
Cùng ngày, bà Ngọt bảo đang đợi chồng là ông Caleb (đang ở nước ngoài) làm các thủ tục, hồ sơ chứng minh số tiền bỏ quên trong loa thùng là của mình.
Không biết trong loa có gì
Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ với ông Phạm Đức Hòa (ngụ quận Bình Tân) - người anh họ mà bà Ngọt cho chiếc loa để trao đổi xung quanh vụ việc.
Ông Hòa xác nhận mình đã xin loa của bà Ngọt, mang về nhà sử dụng vào khoảng tháng 10-2013.
“Khi mang loa về nhà, tôi cắm điện nhưng loa im ru nên tôi vứt vô góc. Qua tháng sau, vợ tôi dọn ra để bên ngoài phòng trọ rồi bán ve chai.
Tôi chỉ nghe vợ báo lại như vậy chứ không mở loa ra sửa hay mang đi tiệm sửa chữa nên không biết bên trong có gì” - ông Hòa khẳng định.
Ông Hòa cho biết thêm tháng 4-2015, ông Hòa đang đi làm tại Bình Thuận thì bà Ngọt gọi điện thoại hỏi cái loa đã cho trước đó. Ông Hòa nói đã bán ve chai từ lâu rồi.
Ngày 14-4, sau khi bà Ngọt làm đơn gửi công an, Công an quận Tân Bình cũng đã mời ông đến lấy lời khai và ông nói không biết trong loa có gì.
Về người phụ nữ mua loa thùng, ông Hòa bảo: “Chỉ nhớ người dong dỏng cao, da trắng, nói giọng Bắc nhưng do bịt khẩu trang kín mặt nên không biết rõ…”.
Chứng minh tiền từ đâu mà có
Liên quan đến vụ việc, luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định để có thể xin nhận lại số tiền 5 triệu yen thì vợ chồng bà Ngọt-ông Caleb phải chứng minh tính hợp pháp của số tiền trên.
Thứ nhất, người nhận là chủ sở hữu phải chứng minh mình là chủ cái loa có chứa đựng tiền. Muốn vậy cần các hóa đơn, chứng từ chứng minh việc sở hữu cái loa đựng tiền, mua ở đâu hay ai tặng cho, hay có người làm chứng về việc sở hữu, sử dụng loa.
Thứ hai là chứng minh mình là chủ nhân hợp pháp của số tiền như thu nhập từ đâu, từ lao động cụ thể với công việc gì, kèm hóa đơn, chứng từ, bảng lương…
Thứ ba, chứng minh số tiền trên được mang về Việt Nam một cách hợp pháp. Ông Caleb vào Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2013 mới trở về nước. Ông ấy cần chứng minh số tiền trên là ông ấy mang vào Việt Nam một lần hay nhiều lần.
Theo Quyết định 921/2005 của Ngân hàng Nhà nước, số tiền mang theo khi nhập cảnh vượt quá 7.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) phải khai báo hải quan.
Còn mới đây, theo Thông tư 15/2011 của Ngân hàng Nhà nước, số tiền mang nhập cảnh vượt quá 5.000 USD hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương thì phải khai báo.
Như vậy theo luật sư Đức, ông Caleb cần chứng minh việc mang 5 triệu yen vào Việt Nam là một lần (hay nhiều lần) một cách hợp pháp.
Nếu không trực tiếp mang vào mà thông qua phương thức vận chuyển khác như qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chức năng thì cũng phải đầy đủ giấy tờ.
Bên cạnh đó, ông có thể chứng minh số tiền trên là do nhiều lần đổi tiền thực hiện ở Việt Nam rồi cất trữ bằng đồng yen hoặc do bạn bè gửi tặng cho.
Ngoại trừ các trường hợp sở hữu và vận chuyển tiền về Việt Nam hợp pháp, ông Caleb có thể bị xem xét xử lý nếu vi phạm các quy định tương ứng.
Nếu phía bà Ngọt không chứng minh được mình là chủ sở hữu, số tiền trên được xác định là tiền vô chủ, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý, giao số tiền trên cho chị ve chai.
Chưa có cơ sở xác định là tài sản chung
Phía bà Ngọt phải chứng minh mình là chủ sở hữu 5 triệu yen là điều cần phải làm. Tuy nhiên, ở đây tôi có một vài lưu ý.
Theo trình bày của bà Ngọt thì bà chưa biết số tiền trên (nếu có) có được chồng bà đưa về Việt Nam theo con đường chính thống hay không.
Phía bà cũng chưa có chứng cứ cụ thể như số sêri tiền, đặc điểm riêng biệt của những tờ tiền (nếu có việc đánh dấu).
Ngoài ra không ai chứng minh được anh của bà Ngọt đã bán chiếc loa hỏng cho bà ve chai. Nếu có sự kiện này thì cũng phải chứng minh được bên trong đó có tiền hay không…
Ngoài ra, theo tường trình của bà Ngọt, bản thân chồng bà cũng không biết mình cất tiền tiết kiệm ở đâu, chỉ nhớ “cất trong một cái hộp” thì làm sao chứng minh được nguồn gốc tiền trong cái thùng loa.
Thứ nữa, với số tiền lớn mà chồng bà dành dụm suốt thời gian dạy học ở Nhật nhưng không nhớ cất giấu ở đâu thì quả là khó tin.
Tiếp nữa, giả sử nếu chứng minh được đó là tiền của chồng bà thật thì bà Ngọt cũng không có quyền đòi tài sản mà đó là quyền của chồng bà bởi theo trình bày của bà Ngọt đây là số tiền riêng của chồng bà tiết kiệm trước khi kết hôn hợp pháp với bà.
Thực tế chưa có cơ sở nào chứng minh số tiền này đã được nhập vào tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy theo nguyên tắc của BLDS, nếu chứng minh được đó là tiền của mình bỏ quên, đánh rơi thì chủ sở hữu là chồng bà Ngọt mới có quyền yêu cầu nhận lại.
PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng khoa Luật dân sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM
T.TÙNG ghi
Nếu đúng kế hoạch, ngày 28-4, Công an quận Tân Bình trao 5 triệu yen (hơn 1 tỉ đồng) cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Ánh Hồng mà bà nhặt được trong thùng loa khi mua ve chai cách đây một năm.
Tuy nhiên, ngày 14-4, bà Phạm Thị Ngọt đến công an trình báo tiền trên là của chồng bà - ông Efolayan Caleb (quốc tịch Nigeria), giảng viên dạy tiếng Anh và từng giảng dạy ở Nhật vào khoảng năm 2003-2005.
Từ đó, sáng 27-4, Công an quận Tân Bình mời vợ chồng bà Hồng lên thông báo tạm hoãn vì còn tiếp tục xác minh.