Vụ 4 công an bị đánh: Dự án cho người chết, người sống đổ máu

Nguyên nhân xảy ra xung đột căng thẳng giữa dân và chính quyền tại thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vào đêm 10/4 như một quả bom đã cài sẵn, chỉ cần châm ngòi.

Đảo lộn cuộc sống vùng quê hiền hoà...

Dự án xây dựng nghĩa trang, công viên vĩnh hằng (Bắc Sơn), thuộc xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà đang thai nghén, chưa hình hài một viên gạch, nhưng đã có người đổ máu, dân bức xúc mất đất, kéo nhau vây đánh, phá nhà cửa, tài sản của cán bộ, khiến vùng quê tưởng chừng người dân chân đất, hiền hòa, bỗng chốc trở nên náo loạn…

Theo văn bản của quỹ đầu tư phát triển tỉnh Hà Tĩnh thì công viên vĩnh hằng Bắc Sơn sẽ được quy hoạch theo mô hình khép kín trong diện tích trên giấy tờ 38,68 ha, khi thực hiện sẽ rút lại 28ha, với tổng mức đầu tư khoảng 386 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ năm 2013-2015, giai đoạn 2 từ năm 2015 -2018).

Dự án bắt đầu triển khai, nhiều cuộc đàm phán, họp dân, nhưng tất cả đều thất bại vì dân không đồng tình. Nhiều cuộc cãi vã, xô xát, đánh trả nhau giữa cán bộ và dân đã diễn ra.

Như Infonet đã thông tin, sự việc bị đẩy lên cao trào vào chiều ngày 10/4, khi tổ công tác gồm 6 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an huyện Thạch Hà đến nhà ông Trương Văn Trường (30 tuổi, nguyên là xóm trưởng, xóm Trung Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà) thực hiện lệnh bắt tạm giam người này về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Lúc này hàng trăm người dân manh động kéo đến la hét, thóa mạ lực lượng công an. Một số người khác đã khống chế, trói tay, bắt nhốt và đánh bị thương 4 chiến sĩ công an. Đồng thời tịch thu khẩu súng của chiến sĩ công an khi đang làm nhiệm vụ bắt giữ người.

Tình hình nguy kịch, khoảng 21h tối ngày 10/4, Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định, điều động 100 chiến sĩ công an đến giải vây cho 4 chiến sĩ công an. Sự việc tiếp tục căng thẳng khi hàng trăm người dân thôn Trung Sơn tập trung lại, kéo đến vây kín lực lượng công an, đồng thời phóng hỏa đốt các phương tiện vật chất, phá nhà cửa của nhiều lãnh đạo cán bộ xã này.

Tại đây, 9 công an bị thương, phải nhập viện, 8 người dân bị thương cũng phải nhập viện và hàng chục người dân khác trong quá trình xô xát cũng đã bị thương (bầm tím, chân, tay, mặt mũi...). Nhiều nhà cửa của lãnh đạo xã bị bao vây, đập phá tan tành. Thiệt hại về tài sản là chưa thể thống kê hết.

Khu đất 38,6 ha đất dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng Bắc.

Trên đe, dưới búa…

Điều đáng nói là từ ngày 20/11/2013, ông Dương Công Tự, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn thay mặt dân, gửi báo cáo lên Huyện, có nói rõ: Dự án nghĩa trang vĩnh hằng, Bắc Sơn đã không được lòng dân, dự án “bất khả thi”.

Như vậy sẽ rất khó khăn cho lãnh đạo địa phương trong quá trình tuyên truyền, động viên và thực thi nhiệm vụ trong việc ký kết vào vào văn bản đồng ý của dân. Cho nên, hậu quả dẫn đến sau này là không tưởng.

Để rõ hơn, ông Tự đã nêu rõ 5 lí do không khả thi của dự án mà ý kiến dân nêu lên gồm: Thứ 1, dự án không hợp với lòng dân bởi diện tích đất canh tác bị thu hồi quá lớn (13,5ha đất sản xuất hai vụ) ảnh hưởng đến cuộc sống;

Thứ 2, sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, nó án ngữ mọi nẻo đường của 7 xóm, xã Bắc Sơn nối thông với miền xuôi và TP.Hà Tĩnh;

Thứ 3, về tâm linh, nhiều mồ mả cha ông, người thân đã mất sẽ bị di dời;

Thứ 4, về địa giới hành chính giữa hai xã Bắc Sơn và Thạch Lưu được thành lập tháng 11/1985, xã Bắc Sơn đã nhiều lần kiến nghị chưa được bàn giao đất bổ sung, nay lại thu hồi 38,6 ha nên nhân dân không đồng tình;

Thứ 5, dự án trùm lên quy hoạch nông thôn mới của xã trong khi quỹ đất của xã đã khép kín thì những công trình như: khu nghĩa trang, khu tiểu thủ công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung và thu gom rác thải của địa phương sẽ không có đất quy hoạch để thực hiện theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trái lại, lãnh đạo huyện vẫn một mực cương quyết, thúc ép lãnh đạo xã, thôn bằng mọi cách phải buộc dân ký vào văn bản thỏa thuận.

Ngày 26/11/2013, Huyện ủy Thạch Hà gửi công văn về xã nêu rõ: "Đây là nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương, phải tập trung, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; triển khai một cách nghiêm túc thực hiện quy trình lập và thực hiện dự án công viên vĩnh hằng. Cán bộ, đảng viên toàn huyện phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương của tỉnh, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị”.

Chưa dừng lại ở đó, khi tình hình tại Bắc Sơn vẫn “rối như tơ vò” thì ngày 7/1/2014, ông Nguyễn Phi Quang, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà đã gửi công văn về xã răn đe, phê bình lãnh đạo xã Bắc Sơn. Cho rằng, lãnh đạo xã thiếu giải pháp đảm bảo an ninh đồng bộ. Nếu còn tiếp tục để tái diễn tình hình mất an ninh trật tự như thời gian trước đó thì Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn phải có trách nhiệm với UBND huyện Thạch Hà.

Chịu sức ép quá lớn từ cấp trên, lãnh đạo đứng đầu địa phương xã Bắc Sơn, buộc phải thực thi nhiệm vụ, họ về cơ sở, tuyên truyền, động viên dân, thậm chí phải làm căng là ép buộc. Dẫn đến việc ép dân phải ký vào văn bản thỏa thuận.

Bà Nguyễn Thị Đào (55 tuổi, xóm 7, xã Bắc Sơn) phản ánh: Một cuộc họp dân diễn ra gần đây nhất tại thôn Trung Sơn, khi lãnh đạo xã hỏi: Bao nhiêu người dân đồng tình ủng hộ việc xây dựng dự án nghĩa trang vĩnh hằng Bắc Sơn, có đến 75% dân không đồng ý, nhưng trong văn bản báo cáo huyện thì xã này lật lại có 75% dân đồng tình.

Chị Trương Thị Sinh (49 tuổi, xóm 6, xã Bắc Sơn) phản ánh: Dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng Bắc Sơn xây dựng trên vùng đất nông nghiệp, chúng tôi sẽ mất đất sản xuất, thì chỉ có đường chết. Những đứa trẻ ra đời từ tháng 10/1994 trở vể sau sẽ mãi không có đất sản xuất. Người nông dân biết phải làm sao?”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại