Vụ 2 LS bị đánh: "Bụi thế mà đã hành hung người thì XH sẽ loạn"

Hoàng Đan |

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục gặp tướng Chung để hỏi, nêu ý kiến về vụ việc hai luật sư bị đánh vì "phóng ô tô gây bụi".

Vì bụi mà hành hung như thế thì sẽ loạn

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội khẳng định, nguyên nhân khiến hai luật sư bị đánh trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội, sau khi rời khỏi nhà bị can Đỗ Đăng Dư là do phóng ô tô gây bụi trên đường.

Đại tá Ngọc cũng thông tin, 8 đối tượng đánh hội đồng 2 luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân, đều là người địa phương.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông đã nắm được thông tin của Công an Hà Nội về nguyên nhân khiến hai luật sư bị đánh.

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa PV với ĐB Nghĩa:

PV: Công an Hà Nội khẳng định, nguyên nhân hai luật sư bị đánh là do phóng ô tô gây bụi trên đường. Cá nhân ông có đánh giá thế nào về việc này?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Người ta có trách nhiệm của người ta, trong điều tra, đặc biệt trong này có Viện Kiểm sát nữa. Vì bụi mà hành hung người khác đến mức gây thương tích thì vẫn phải khởi tố.

Anh khởi tố, điều tra, kết luận và có xử. Việc xử lý đến đâu thì ai có quyền phải tính. Có thể cơ quan điều tra đề nghị không khởi tố, nhưng Viện Kiểm sát không đồng ý và vẫn truy tố, đưa ra tòa xét xử.

Tòa có thể đưa ra xét xử nhưng thấy vụ này chỉ cần án treo với bị cáo, bắt xin lỗi.

Những quy trình này phải đảm bảo và các nạn nhân có quyền có ý kiến về quy trình, các luật sư hoặc tự bào chữa có thể có ý kiến.

PV: Là người quan tâm đến vụ việc khi nhận được thông tin ông có cảm thấy có bất ngờ không?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Nguyên tắc của tôi là dựa vào chứng cứ. Khi mà tôi không có chứng cứ khác thì không thể nói gì khác. Chứng cứ hiện các cơ quan điều tra đang thu thập.

Theo Luật Tố tụng hình sự chuẩn bị thông qua thì các luật sư (người bào chữa), bị can, bị cáo đều được quyền thu thập chứng cứ, chứ không chỉ cơ quan điều tra. Đây là quy định rất tiến bộ, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Sắp tới đây, với những vụ việc này thì bên cạnh cơ quan điều tra thu thập chứng cứ thì luật sư cho những người bị hại cũng thu thập chứng cứ. Điều này đảm bảo nguyên tắc tranh tụng Hiến pháp 2013.


Hai luật sư trong vụ việc (Ảnh: MĐ)

Hai luật sư trong vụ việc (Ảnh: MĐ)

PV: Công an Hà Nội cho rằng, hiện chưa có kết quả giám định thương tích của 2 nạn nhân nên Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội chưa thể bắt các đối tượng liên quan. Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Việc này các luật sư sẽ phải tính còn tất nhiên mình đã nói chia phần trăm tỷ lệ thương tích là không được.

Ví dụ, anh đánh đập người khác như thế nhưng lại nói thương tích chưa đủ phần trăm là không được, phải kèm theo tiêu chí.

Lâu nay, tôi đã kiến nghị, phải có tội hình sự mà một số nước đã áp dụng là tội lưu manh, côn đồ. Vì lưu manh, côn đồ mà anh ngăn chặn từ lúc hành vi thì chính là đã anh ngăn chặn việc đó nghiêm trọng hơn chứ anh không đợi gây thương tích.

Thậm chí, nếu người nào tính toán, gây thương tích rồi chứng minh, chạy để chứng minh không đủ thương tích để không bị khởi tố thì điều này cần có sự thay đổi của luật.

PV: Trong vụ việc của hai luật sư, có chi tiết, một đồng chí công an đi qua thấy vụ việc nhưng lại không can thiệp. Ông có nhìn nhận thế nào?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Đây là sự ngẫu nhiên cá biệt mà mình không thể quy kết được. Bởi có những ông công an trách nhiệm cao thấy việc gì cũng vào nhưng có những ông trách nhiệm kém, thấy đánh nhau nhưng không can thiệp vì không phải nhiệm vụ.

Nhưng ở đây, tôi muốn nói, thứ nhất đã có hành vi hành hung gây thương tích trong lúc luật sư đi hành nghề bị như vậy. Trách nhiệm điều tra, xác minh, xem xét có khởi tố không, có truy tố không, xét xử như thế nào là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, ở đây có điều nghiêm trọng là nếu chỉ chạy qua, bụi như thế mà đã hành hung người ta như thế thì xã hội sẽ loạn. Hành vi đó phải xem lại.

Còn khi xử phải áp dụng luật hiện hành thì mình xem lại các tội danh, không chỉ tội hành hung gây thương tích mà còn các tội khác.

Sẽ gặp lại tướng Chung nêu ý kiến

PV: Cá nhân ông thấy trong vụ việc này đã có đủ điều kiện khởi tố chưa?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Hiện nay chưa thể nói được vì phụ thuộc vào hồ sơ, hành vi đương sự và lời khai của họ thì mới kết luận được. Đó là chuyên môn.

Nhưng ví dụ, các cơ quan điều tra cho rằng chưa đến mức khởi tố nhưng sẽ kiến nghị với Viện Kiểm sát xem, ngoài ra các luật sư có quyền có ý kiến, chứng minh đến mức khởi tố thì phải khởi tố.

Trong trường hợp này để các cơ quan tố tụng cứ làm, còn Liên đoàn Luật sư có tổ chức rất quan trọng là tổ chức bảo vệ quyền lợi luật sư.

Tổ chức này sẽ tham gia ý kiến, theo dõi chặt chẽ để làm sao các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý đúng người, đúng việc, tính chất của vụ việc đó.

PV: Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát tối cao đang vào xem xét lại dấu hiệu vi phạm trọng vụ việc Đỗ Đăng Dư. Liên quan đến vụ việc hai luật sư, có ý kiến cho rằng, hai luật sư này bị hành hung vì bào chữa cho em Dư?

Theo ông, cơ quan điều tra của Viện có nên tiếp tục tiến hành xem xét sang cả vụ việc này?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Việc điều tra các hoạt động tư pháp sẽ do Viện Kiểm sát nghiên cứu, xem xét. Cái này thuộc chuyên môn và luật pháp đã quy định.

Vì điều này liên quan đến các luật sư nên các cơ quan tiến hành tố tụng làm việc như thế nào, kết quả như thế nào, kết luận như thế nào thì tôi tin những người bị hành hung là các luật sư đang hành nghề thì tất nhiên giới luật sư rất quan tâm, cùng nhau theo dõi chặt chẽ.

Đoàn Luật sư Hà Nội quản lý các luật sư bị hành hung, chưa kể Liên đoàn Luật sư VN cũng đã thông tin đầy đủ và có Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư.

Ủy ban này sẽ theo dõi chặt chẽ, đảm bảo vụ việc đó phải được điều tra, kết luận, xử lý đúng người, đúng việc.

PV: Ông đánh giá việc lên tiếng của Đoàn Luật sư và Liên đoàn có đủ mạnh mẽ?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Bây giờ phải để các cơ quan tiến hành tố tụng người ta làm việc đã.

PV: Cá nhân ông đã có trao đổi thêm với Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung chưa?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Tôi có nói với ông Nguyễn Đức Chung là cố gắng làm nhanh còn tôi tin tưởng ông Chung sẽ chỉ đạo vụ việc này nhanh chóng, đúng pháp luật. Tôi tin như vậy.

Sau khi xử lý xong xem có được như vậy không còn không được thì Liên đoàn Luật sư VN và giới luật sư chắc chắn sẽ có ý kiến?

PV: Bản thân ông có nghĩ rằng, sau vụ việc này, mình sẽ phải đi lại cẩn thận?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Như tôi đã phát biểu, tình trạng luật sư bị đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đe dọa tính mạng, thậm chí tạt axit, gây thương tích nặng nề do hoạt động nghề nghiệp của mình mà mấy năm nay vẫn chưa điều tra ra.

Đây là một điều đáng báo động, vì sao xu hướng tăng lên phải chăng Hiến pháp, luật pháp nâng cao vai trò luật sư nhưng thực thi, đặc biệt cả trong quá trình tố tụng thì những người, cơ quan nào đó lại làm trái quy định luật pháp.

Việc điều tra, xét xử những hành vi xâm hại quyền hành nghề của luật sư quá chậm chạp, không đạt yêu cầu mà tôi cũng đã báo động.

Còn tất nhiên bản thân tôi thì luôn luôn lo ngại không biết mình có thể tự bảo vệ mình không.

PV: Không biết, trong hôm nay hoặc ngày mai, ông có gặp lại tướng Chung để nêu lại vụ việc sau khi có thông tin kết quả này không?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Chắc chắn như thế, trong quá trình kỳ họp, thường xuyên gặp nhau thì tôi sẽ hỏi, cũng giống như vừa rồi tôi hỏi thì tướng Chung nói đây là những người có hành vi côn đồ chứ không phải là công an. Giờ phải chờ kết quả cuối cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại