Tuyệt chiêu… lột vỏ dừa
Nguyễn Kim Tuấn sinh năm 1963, trong một gia đình có đến 10 anh chị em ở vùng quê Hòa Long, Lai Vung, Đồng Tháp. Anh kể: “Hồi nhỏ, tôi nghịch ngợm, phá phách dữ lắm. Suốt ngày bị người ta đến nhà mắng vốn cha mẹ. Một trong những trò tôi và đám bạn thích làm nhất là đến vườn nhà người ta hái trộm dừa. Rất nhiều lần bị người ta phát hiện, họ đứng dưới gốc đợi tôi xuống để xách tai về giao cho cha đánh đòn.
Tôi ở trên ngọn cây nhìn xuống thấy họ, sợ quá nhảy ùm xuống sông, nhưng trước khi nhảy, tôi không quên ôm theo một trái. Năm 6 tuổi, tôi được cha đưa đến vùng Thất Sơn, An Giang gửi cho thầy Ba Lưới học võ. Suốt 10 năm sau đó, tôi đã được thọ giáo các môn phái Thất Sơn võ đạo, Thần quyền, Thần võ đạo…Trong những năm học võ, các sư phụ đều nói tôi rất có “căn” về nội công nên hướng cho tôi tập mạnh môn này”.
Võ sư Kim Tuấn chuẩn bị màn trình diễn bổ cau bằng 2 ngón tay.
Năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Kim Tuấn hạ sơn. Thời đó, võ đài phát triển rất mạnh ở vùng sông nước. Tuấn lân la đến các võ đài xin thi đấu. Nhưng, lúc đó anh chỉ là kẻ vô danh, không có lò võ nào bảo trợ nên anh không thể thi đấu.
Sau nhiều lần kiên nhẫn chứng minh khả năng, cuối cùng Tuấn cũng được một võ sư rất nổi tiếng thời ấy là Mười Huỳnh nhận làm môn sinh và bảo chứng cho anh thượng đài. Nhiều năm sau đó, trên võ đài, chàng võ sĩ trẻ gần như không có đối thủ. Không chỉ thế, anh còn sang thi đấu và thắng cả những võ sĩ người Thái, Campuchia…
Biểu diễn lột dừa ngay tại phòng trọ.
Không chỉ thi đấu thắng thua bằng tay chân với các võ sĩ khác, mỗi lần thượng đài, Tuấn còn biểu diễn nội công, khí công và "tuyệt chiêu" lột dừa bằng răng, bằng hai ngón chân cái. Anh có thể cầm trái dừa, từ trên cầu nhảy xuống sông, sau một hơi lặn ngoi lên, trái dừa trong tay anh đã lột xong vỏ... Tiếng tăm của Tuấn nổi đến mức hồi ấy, những đoàn Sơn Đông mãi võ mỗi khi về Đồng Tháp biểu diễn, đều tìm gặp để thông báo cho anh biết và tỏ lòng tôn trọng bậc anh tài.
Năm 1999, khi những võ đài không được phép mở tự do nữa, Kim Tuấn giải nghệ và lưu lạc lên Sài Gòn. Ở đây, võ công của anh lại có dịp phát huy và tên tuổi anh tiếp tục tỏa sáng.
Tỏa sáng trong cô đơn
Nói về “tuyệt chiêu” lột dừa bằng răng, Kim Tuấn bảo: “Tính tôi khi đã quyết làm gì rồi thì phải làm cho bằng được. Chính vì thế mà những ngày tập “gặm” vỏ dừa khô, hai hàm răng ê ẩm đến mức chỉ nghĩ đến chuyện nhai… cơm thôi đã thấy sợ. Nhưng tôi vẫn không nản. Đến năm 1990, tôi thành công với màn lột dừa bằng răng”.
Anh cười phô hàm răng trắng đều tăm tắp nhưng lại thiếu mất 1 cái, bảo: Năm 1997, tôi làm trọng tài đá banh ở quê, lúc sơ ý bị ngay một trái vào mặt và tiêu mất 1 cái. Mà lạ thật, răng mình cắn vỏ dừa khô không sao, vậy mà trái banh cao su lại “ăn” nó dễ dàng. “Mất răng vậy anh lột dừa có khó hơn không?”, tôi hỏi. “Trái lại, phần thiếu ấy lại khiến chiếc răng bên cạnh dễ dàng “móc” vỏ dừa hơn”, anh cười đáp.
Kim Tuấn đang biểu diễn lột dừa bằng chân trong lễ hội Xuân 2011 tại TPHCM.
Thành tích lột dừa hiện nay của Kim Tuấn là: Nếu chỉ dùng răng để lột (không dùng tay) anh hoàn thành một trái trong vòng 2 phút. Còn nếu có tay giữ anh lột xong 3 trái trong 58 giây. Dùng 2 ngón chân cái để lột một trái dừa mất hơn 4 phút. Nếu lột bằng tay không dùng răng khoảng 58 giây/2 trái.
Trong căn phòng nhỏ, Kim Tuấn lần lượt biểu diễn cho một khán giả duy nhất là tôi những màn kungfu tuyệt đỉnh: Đóng đinh xuống mặt bàn gỗ cứng bằng tay, đầu. Bàn tay cứng như thép của Kim Tuấn khiến những cây đinh cứ “ngoan ngoãn” lún dần xuống mặt bàn. Mặc dù biết chắc anh sẽ làm được mà sao tôi vẫn hồi hộp, nín thở dõi theo từng cử chỉ, biến động trên gương mặt anh.
“Muốn làm được như vậy, mình phải vận nội công để dồn khí, lực của toàn thân vào một điểm duy nhất trên bàn tay. Lúc đó, bàn tay cũng cứng y như cây búa. Vậy mới đóng được cây đinh xuống và tay không bị đau”, anh nói. Sau màn đóng đinh là chiêu bổ cau bằng tay. Trái cau được Tuấn kẹp chặt giữa 2 ngón tay, đặt trái dừa dưới đất làm nền, anh lại tập trung dồn lực, vài giây sau 2 ngón tay kẹp trái cau chặt xuống. Trong tích tắc, trái cau được bổ làm đôi gọn gàng.
Điều đáng nể ở Kim Tuấn là những màn như: nằm bàn chông đặt gạch trên ngực, lấy búa đập vỡ chồng gạch, cho xe tải cán qua người, công phá trái dừa bằng đầu…anh đều biểu diễn “sống”, nghĩa là không cần sự trợ giúp của âm thanh, ánh sáng và không cần bảo hiểm.
Đóng đinh bằng đầu, bàn tay trên bàn gỗ.
Nhưng, một trong những tuyệt kỹ của Kim Tuấn mà rất ít người trong giới võ thuật làm được, đó là chiêu dùng cây giáo sắt nhọn đâm vào cổ trong khi anh đang nói chuyện. “Thường thì người biểu diễn dùng cây giáo chỉ có phần mũi làm bằng thép thật, còn phần thân được làm bằng cây mây sơn giống cây sắt. Khi tỳ mũi giáo vào cổ, đè xuống, do cán làm bằng cây mây, rất dẻo nên uốn cong lại.
Nhìn cảnh này, người xem sẽ rất ấn tượng, còn người biểu diễn cũng làm dễ dàng hơn. Còn tôi thì không sử dụng cây mây mà từ đầu nhọn đến cuối cán đều bằng thép. Cứng hơn cây mây rất nhiều nên muốn cho nó cong lại như cây mây khó hơn, yêu cầu nội lực cao hơn”.