Con tàu chở rượu ấy được Lê Ngọc Quang lụi hụi làm trong 2 năm trời. Anh từng tốt nghiệp trường ĐH Bách Khoa nhưng ở lĩnh vực điện tử, nên để làm được "kiệt tác" này, vị võ sư đã cần mẫn biến mình thành kỹ sư kiêm thợ cơ khí.
Con tàu từ ký ức
Hiện nay, con tàu chở rượu được Lê Ngọc Quang bày trang trọng trong phòng khách, ai đến thăm cũng dễ dàng chiêm ngưỡng món đồ chơi quý của võ sư.
Tàu được làm hoàn toàn bằng đồng, sự đầu tư cho nó thật xa xỉ: "Tôi phải mua hơn 4 tạ đồng, mỗi cân đồng dạo đó có giá hơn 300 ngàn đồng. Rồi mua toàn bộ máy móc, từ máy khoan, máy tiện... Tôi bỏ phòng tập để làm một xưởng trên nóc nhà. Riêng tiền mua máy đã mất gần 200 triệu đồng".
Quyết định tự làm tàu hỏa bởi những ký ức tuổi thơ luôn ám ảnh Lê Ngọc Quang: "Hồi nhỏ, Hà Nội buồn lắm, không có đồ chơi. Tôi ước có đồ chơi như một số bạn bè sinh ra trong gia đình khá giả mà không có được. Ngày đó, thủ đô chỉ tiếng tàu hỏa là âm thanh đặc biệt nhất. Mỗi lần đi học, chúng tôi hay ra Cửa Nam ngắm tàu. Chẳng biết từ lúc nào, tôi nghĩ, tàu hỏa là thứ đẹp nhất, đẹp hơn mọi thứ trên đời".
Sau này theo nghiệp võ, niềm đam mê của võ sư với tàu hỏa càng lớn thêm: "Tàu hỏa là một cỗ mày rất đẹp, nó gắn liền với nghiệp võ của tôi. Con tàu không như mọi thứ máy móc khác cất trong hộp, tất cả đều được phơi bày khoáng đạt, mạnh mẽ và âm thanh mới buồn làm sao".
Nhưng để sở hữu tàu hỏa, không dễ. Anh tìm hiểu tạp chí nước ngoài, nhận thấy món đồ chơi này không hề rẻ. Để có con tàu nho nhỏ, chạy được cũng tiêu tốn một số tiền khổng lồ.
Đắn đo, nghĩ ngợi nhiều lần, cuối cùng vị võ sư đã dốc vốn liếng và sức lực cho niềm đam mê: "Với con tàu do tôi tự làm sẽ giúp con cháu hiểu một điều, ông cha nó không chỉ biết chơi võ mà còn có cả sự miệt mài, cần mẫn, óc sáng tạo".
"Công trình" được Lê Ngọc Quang khởi công từ năm 2010. Không có kiến thức về cơ khí nên anh phải mua sách kỹ thuật về tham khảo. Sau đó tập sử dụng các loại máy: Máy tiện, máy phay, máy bào... Rồi đi tìm nơi bán đồng, vào mạng xem các mẫu tàu hỏa...
Tháng 7/2012, anh hoàn thành phần khung gầm và chạy thử động cơ, tiến hành làm các ngăn đựng rượu trong nồi hơi và hệ thống đun nóng rượu trong mùa đông.
Đến cuối 2012, tàu chạy thực nghiệm, sau khoảng 15 phút ì ạch, nó đã đến đích.
Lần đầu tiên, võ sư được thưởng thức chén rượu nóng từ con tàu kỳ công.
Hỏi "Vì sao con tàu của anh chỉ dùng để chở rượu mà không chở bất kỳ thứ gì khác?". Lê Ngọc Quang cười: "Rượu gắn với đàn ông".
Anh từng hài hước về "tài năng bẩm sinh" ít người biết của mình: "Mãi đến năm 1995, tôi mới phát hiện ra tài năng tiềm tàng của mình là uống rượu rất giỏi".
Bạn văn và "đại gia"
Chưa có thống kê "đồ chơi" tàu hỏa nào nặng nhất thế giới. Nhưng con tàu võ sư Lê Ngọc Quang đang sở hữu, nếu có thống kê chắc cũng lọt vào bảng xếp hạng: "Nặng tạ tư, chủ yếu là đồng khối".
Tàu chạy bằng điện, gồm 4 toa, dài 2,7m. Con tàu miệt mài chở rượu, bất cứ lúc nào được yêu cầu, nó có thể vận chuyển trên 30 lít/chuyến.
Với ba đêm thức trắng, võ sư đã hoàn thiện bộ điều khiển từ xa của con tàu, nhằm phục vụ hành khách đến chơi những ngày Tết tận tình chu đáo.
Khá đông văn nghệ sĩ, trong đó có đạo diễn Quốc Trọng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo... đã tới nhà Lê Ngọc Quang thưởng thức rượu được chiết ra từ toa con tàu mô hình bằng đồng này.
Khi đang làm tàu, đã có "đại gia" Bắc Ninh tới thăm Lê Ngọc Quang.
Nhìn cảnh anh miệt mài trong xưởng, chắc ông đã đoán được "siêu phẩm" sắp ra mắt, nên khi ra về, "đại gia" đã đưa cho võ sư một bọc tiền và đề nghị: "Trước mắt ông cầm lấy 200 triệu, tàu làm xong, ông muốn bao nhiêu, tôi đưa tiếp".
Nhưng Lê Ngọc Quang nhất định không bán. Bởi với con tàu này, anh dã dồn nhiều tâm sức: "Không thể làm nổi con tàu thứ hai như thế". Chính anh cũng ngạc nhiên trước niềm đam mê và sự tỉ mẩn của mình.
Con tàu với hàng nghìn chi tiết, với từng con vít bé tí, đòi hỏi độ chính xác tuyệt vời, tất cả đã được làm thủ công, bằng đôi bàn tay khéo léo của vị võ sư.
Anh kể rằng, vì không giỏi đồ họa nên anh phải vẽ phác thảo bằng thủ công. Qua giao lưu trên mạng, một số kỹ sư người Mỹ, người Israel, người Nga đã đến tận nhà xem con tàu của võ sư. Họ vô cùng ngạc nhiên khi biết anh không phải là kỹ sư cơ khí.