Vợ hiệp sĩ bắt cướp: 'Ngày mới quen tưởng chồng là cướp'

Chị Nguyễn Thị Yến Xuân, vợ “hiệp sĩ” Hoàng Anh, kể ngày đầu hẹn hò đi chơi cứ tưởng người này là… kẻ cướp, vì con mắt lúc nào cũng láo liên, nhìn bên này, ngó bên nọ.

Trong cuộc chiến với tội phạm, các “hiệp sĩ” Bình Dương đã làm nức lòng người dân đất Gốm bởi sự dũng cảm. Bên cạnh những chiến công thầm lặng đó là nỗi đau, nỗi lo của người thân. Các anh khiến mẹ, vợ, con… đứng ngồi không yên.


	“Hiệp sĩ” Hải nhiều lần hứa bỏ nghề nhưng chưa bao giờ thực hiện.

“Hiệp sĩ” Hải nhiều lần hứa bỏ nghề nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Kim Hạnh (SN 1981), vợ của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, trải lòng: “Ngày quen nhau cho đến khi nên nghĩa vợ chồng không hề biết chồng là “khắc tinh của tội phạm ở Bình Dương”. Ngày mới cưới, hễ nghe điện xong là anh Hải lên xe máy lao đi đến tận ngày hôm sau mới về. Gặng hỏi mãi thì anh mới thú nhận mình là thủ lĩnh của CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Gần 10 năm chung sống, tôi không nhớ mình đã sợ hãi, lo lắng bao nhiêu lần. Nhiều lúc nhìn chồng đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết chỉ biết ôm con vào lòng khóc, ngồi trên giường bệnh đút từng thìa cháo cho chồng mà lòng âm ỉ nhói đau”.

Chị cho biết, giận nhất là buổi sáng đầu năm ngoái, trên đường chở 2 mẹ con đi chúc Tết ông bà, người dân điện thoại báo có một nhóm thanh niên rải đinh xuống đường. Nghe xong, anh Hải bỏ mặc 2 mẹ con giữa đường rồi lao đi trong tiếng khóc của bé Phương Nghi (8 tuổi, con anh Hải). “Năm nào đón giao thừa ba cũng đi bắt trộm, bắt cướp. Con muốn ba ở nhà ngồi xem pháo hoa trên ti vi và ăn bánh chưng với mẹ. Nhiều lần con thấy mẹ khóc vì điện thoại mà ba không chịu về, giận ba là con không ăn cơm, con thương mẹ lắm”, bé Phương Nghi nói.

Khi chúng tôi nhắc về sự cố “hiệp sĩ” Thạch Đạt bị bắt tạm giam sau đó được cơ quan công an thả về thì chị Hạnh bộc bạch: “Trong khoảng thời gian Đạt bị tạm giam, tinh thần anh Hải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều lần hứa với vợ con sẽ giải nghệ, nhưng khi có kết quả của công an thông báo nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương vô can thì lại cùng đồng nghiệp đi bắt tội phạm. Trong thời gian đó, anh Hải tắt máy, định thay số rồi bỏ nghề, nhưng ngày nào người dân cũng tìm tới nhà để nhờ giúp đỡ… Anh không nỡ từ chối nên liên lạc với đồng đội rồi lên xe lao đi bắt tội phạm … Giờ lời hứa bỏ nghề của anh Hải không còn… tác dụng đối với gia đình nữa”.


	Vợ chồng “hiệp sĩ” Trần Hoàng Anh giữ chiếc quần rách trong khi truy đuổi cướp làm kỷ niệm.

Vợ chồng “hiệp sĩ” Trần Hoàng Anh giữ chiếc quần rách trong khi truy đuổi cướp làm kỷ niệm.

Về Thủ Dầu Một, hỏi “hiệp sĩ” Trần Hoàng Anh, trưởng CLB PCTP P.Hiệp Thành là người dân nhiệt tình dẫn tới tận nhà.

Anh được mọi người tặng biệt danh là “siêu bắt cướp ”. Chị Nguyễn Thị Yến Xuân, vợ Hoàng Anh, cho biết ngày đầu hẹn đi chơi với người yêu mà cứ tưởng như kẻ cướp vì đi đâu con mắt Hoàng Anh cũng láo liên. Nghĩ vậy nên chị đòi về, trên đường đi bất ngờ 2 thanh niên chở nhau vụt qua rất nhanh. Hoàng Anh cũng tăng tốc đuổi theo, lúc đó chị nghĩ người yêu đích thị là… đồng bọn với cướp. Trên chiếc xe đang chạy như bay, do quá sợ hãi nên chị gào thét dữ dội, Hoàng Anh dừng lại bỏ chị ở bên đường rồi lao đi mất hút.

Lúc về tới nhà, chị Xuân vẫn còn lo sợ nên tắt nguồn điện thoại mấy ngày liền. Bất ngờ một ngày có đôi vợ chồng tìm đến tận nhà, đưa tờ báo đăng tin “hiệp sĩ” Hoàng Anh truy đuổi và bắt được 2 đối tượng giật dây chuyền của họ. Thì ra trong đêm chở chị về, Hoàng Anh đuổi theo 2 tên cướp. Trong lúc khống chế bọn cướp, “hiệp sĩ” bị chúng xé rách chiếc quần đang mặc. Chiếc quần rách đó được vợ chồng giữ lại làm kỷ niệm.

Cũng giống như vợ “hiệp sĩ” Hải, chị Xuân cho biết trong thời gian Thạch Đạt bị tạm giam và nghi án “cưỡng đoạt tài sản” do công an Q.12, TP.HCM thụ lý chưa công bố kết quả thì chồng suy nghĩ rất nhiều. “Hiệp sĩ” Hoàng Anh cũng hứa với gia đình sẽ dành phần lớn thời gian đi làm phụ giúp thêm cho vợ và cân nhắc việc giải nghệ “nghề hiệp sĩ”.

Trò chuyện với chúng tôi, những người thân của “hiệp sĩ” đều nơm nớp lo lắng mỗi khi các anh ra khỏi nhà. Dẫu biết việc hành hiệp trượng nghĩa xuất phát từ cái tâm, nhưng cái “nghề” này đôi khi cũng đánh đổi bằng mạng sống của mình. Trường hợp “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh đã ngã xuống vào năm 2010 làm nhiều người vẫn chưa hết nguôi ngoai, anh ra đi để lại nỗi đau xé lòng cho gia đình.

“Hiệp sĩ” Trần Hoàng Anh nói: “Công việc của “ hiệp sĩ ” nhằm đóng góp sức mình cho xã hội, nhưng lỡ không may gây tai nạn trong lúc truy đuổi đối tượng thì bị truy tố trách nhiệm hình sự, phải đi tù. Anh em không muốn người đời gọi mình là những kẻ háo thắng, thích chơi trội. Mọi người trong các CLB PCTP ở Bình Dương không muốn đơn độc, muốn được ấm áp gần gũi hơn nữa từ phía cơ quan chức năng để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại