Mừng vì Việt Nam có tư thế để Trung Quốc phải nể
Hôm qua, 5/10/2015, 12 nước đã kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP - 1 thỏa thuận lịch sử của cả thế giới.
“TPP hoàn tất, tôi rất mừng vì tôi đánh giá cao việc cuối cùng Việt Nam đã ký kết được hiệp định đó, mở ra cơ hội và thách thức rất lớn đối với Việt Nam” – Tiến sĩ (TS) Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ.
Theo TS. Doanh, về lý thuyết, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất so với các nước thành viên vì Việt Nam là nền kinh tế bổ sung với các nền kinh tế TPP khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
“So với các nước Asean, Việt Nam phải cạnh tranh rất nhiều bởi vì những nước Asean có cơ cấu kinh tế giống như chúng ta.
Họ có trình độ phát triển hơn chúng ta một chút, nhưng ta lại phải cạnh tranh với Thái Lan, Campuchia về dệt may và nhiều mặt hàng khác?!
Trong khi đó, với Mỹ, mình không có gì cạnh tranh vì trình độ của Mỹ phát triển hơn chúng ta rất nhiều. Mỹ không làm những thứ mà chúng ta đang làm nữa.
Chúng ta lại nhập của Mỹ những sản phẩm Việt Nam không làm được như máy bay Boeing, phần mềm máy tính… Do đó, 2 nền kinh tế này bổ sung với nhau. Đây là điều khác biệt rất lớn” - TS. Doanh giải thích.
Ông Lê Đăng Doanh
Mục tiêu của TPP là giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm trong khối.
TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu Việt Nam thay đổi, hiệp định TPP sẽ là một thuận lợi rất lớn để Việt Nam khỏi phụ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc và có thể tạo ra thế và lực mới đối với nền kinh tế Việt Nam.
TPP cũng được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
Sau khi hiệp định được đưa vào thực hiện, trước mắt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… sẽ được miễn hoặc giảm thuế đáng kể khi tiếp cận thị trường Mỹ, Australia và các nước đối tác khác.
“Việt Nam được hưởng một cái lợi rất quan trọng đó là khi xuất khẩu sang các nước lớn như Mỹ và các nước không có cạnh tranh trực tiếp, các mặt hàng hạ thuế cực nhanh lại là các mặt hàng chủ lực của ta” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội này cũng bày tỏ sự vui mừng khi TPP được ký kết.
Thứ nhất, Việt Nam có thị trường của các nước khổng lồ. Thứ hai, nước ta có tư thế để Trung Quốc phải nể phục hơn. Đây là 2 điều quan trọng nhất mà theo ông TPP đã mang lại cho Việt Nam.
Lo vì Việt Nam không biết nắm cơ hội
Bên cạnh niềm vui mừng khi TPP sau 5 năm ròng rã với vô số bất đồng và trở ngại cuối cùng đã mở được nút thắt, TS. Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ nỗi lo.
Ông lo Việt Nam phải cải cách, giảm thuế quan và phải đương đầu với nhiều điều kiện mà nếu Việt Nam không làm được thì sẽ tụt lại phía sau.
Ông Doanh lấy ví dụ, gạo của Việt Nam không được có dư lượng kháng sinh, dư lượng hóa chất, sản phẩm của Việt Nam nhất là mặt hàng công nghiệp phải có nhãn mác, có đăng ký thương hiệu, quy định xuất xứ rõ ràng và phải có hàm lượng của Việt Nam lớn.
Như đối với sản phẩm dệt may, TPP quy định từ sợi trở lên phải có hàm lượng TPP 70%.
Điều đó có nghĩa là người Việt Nam phải phát triển công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho dệt may như nhuộm, chỉ may, cúc áo, chất độn để cho hàm lượng đạt được 70%.
So với hiện nay chủ yếu là nguyên liệu Trung Quốc - nước không phải TPP chiếm đến 60-70% tùy từng loại mặt hàng.
Đây là một thách thức cho Việt Nam bởi nếu không đạt được điều kiện đó, khi thuế xuất bằng 0%, dệt may của Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu được.
Đối với nông nghiệp, ở Việt Nam “5 ăn 5 thua”, các sản phẩm về thủy sản, cây trồng tứ lúa cho tới cà phê, hồ tiêu ở Việt Nam có lợi thế nhưng sản phẩm về chăn nuôi thì Việt Nam hiện nay đang lạc hậu rất lớn.
Theo TS. Doanh: Nếu không kịp thời có cải cách và thay đổi thì các mặt hàng này khó cạnh tranh với các mặt hàng như thịt heo từ Đan Mạch, từ Canada, Hoa Kỳ rất rẻ.
Bên cạnh đó, thịt bò, sữa… của các quốc gia cũng là là các thách thức rất lớn đối với Việt Nam.
Thêm một thách thức nữa là nước ta có chấp nhận cải cách hay không.
Bởi trong hiệp định TPP có những quy định phải công khai việc mua sắm của chính phủ, quy định về luật công đoàn tức là quyền tự do lập công đoàn của người lao động…
Do vậy, “TPP vừa là thách thức và cũng là cơ hội. Nếu Việt Nam nhân dịp này thay đổi đi để tận dụng thời cơ thì tốt, còn không vươn lên, không thay đổi thì sản phẩm khó xuất khẩu.
Việt Nam không tận dụng được cơ hội sẽ là điều rất đáng tiếc. Và tôi hết sức lo lắng về điều này” – ông Doanh nói.
Nói về mặt bất lợi khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nhắc lại vụ người chăn nuôi Việt phản ứng “gà Mỹ bán phá giá” tại thị trường nước ta trong thời gian vừa qua.
Sau khi TPP được ký kết, các mặt hàng tương tự như thịt gà Mỹ với mức giá rẻ sẽ lấn sang Việt Nam. Và đây sẽ là một nguy cơ buộc các doanh nghiệp nội phải tìm mọi cách để tăng sức cạnh tranh hơn nữa.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý, bản thân các dịch vụ tài chính, ngân hàng tại Việt Nam nếu không biến đổi nhanh sẽ bị lấn át.
“Bởi trong hiệp định TPP, việc mở cửa thị trường tài chính giữa các bên sẽ rất rộng, theo đó, các giới hạn về cổ phần hay hạn chế tự do kinh doanh sẽ được nới ra, sức cạnh tranh sẽ cao lên ngay cả trong nước.
Các ngân hàng Việt Nam đang yếu sẽ dễ bị lép” – ông Phong cho biết.
Do đó, theo lời khuyên của các chuyên gia kinh tế: Doanh nghiệp nội cần liên kết với nhau để có quy mô lớn hơn.
Và trên cơ sở liên kết đó, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp bên ngoài để ký kết hợp tác với họ nhằm tăng xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho nhân công Việt Nam.