Việt Nam không có “văn hóa xin lỗi”?

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Nhận lỗi và nói lời xin lỗi không hề xấu. Xin lỗi là để chứng minh rằng ở cá nhân mình, lòng tự trọng vẫn còn.

Nhiều người từng băn khoăn: Ở một số nước như Nhật chẳng hạn, mỗi khi một Bộ trưởng hay Thứ trưởng nào đó mắc lỗi, thậm chí cả Thủ tướng, dù người dân chưa lên tiếng thì họ đã công khai cúi đầu, chắp tay nhận lỗi trước người dân, thậm chí là từ chức. Còn ở ta thì điều này không có. Hình như ở ta không có “văn hóa xin lỗi”…

Ở xứ ta không có hiện tượng trên bởi có thể hai lý do: Cũng có thể ở ta tất cả ai ai cũng đều làm đúng hết, đúng 100% luôn, không ai sai cả. Mà đúng hết thì làm gì có “lỗi” để mà phải “xin lỗi”. Hoặc cũng có thể là ở ta “văn hóa xin lỗi” ít được dùng vì… ngại.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cúi đầu xin lỗi người dân sau sự cố động đất và sóng thần ở Nhật năm 2011.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cúi đầu xin lỗi người dân sau sự cố động đất và sóng thần ở Nhật năm 2011.

Nhưng hình như nếu ai đó bảo ở ta không có “văn hóa xin lỗi” thì không đúng cho lắm. Một đứa trẻ năm tuổi khi bị mắc lỗi, ví dụ như cãi lời mẹ chẳng hạn, bố mẹ hoặc ông bà trong gia đình sẽ bắt nó phải vòng tay lại và nói lời “Con xin lỗi mẹ”. “Văn hóa xin lỗi” ở ta được giáo dục có bài bản từ bé, nó còn mang tính truyền thống là đằng khác. Bởi thế không thể nói ở ta không có “văn hóa xin lỗi” được. Có điều là càng ngày càng có nhiều người thường xuyên “quên” mất “văn hóa xin lỗi” – bài học từ thuở bé mà thôi.

Nhận lỗi và nói lời xin lỗi không hề xấu. Xin lỗi là để chứng minh rằng ở cá nhân mình, lòng tự trọng vẫn còn. Xin lỗi là thể hiện ý thức trách nhiệm của việc mình đã làm đối với cộng đồng, xã hội. Và nói theo các cụ ngày xưa vốn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng “cửa Khổng sân Trình” thì đó là “dám làm, dám chịu”, vậy mới xứng danh “quân tử”.

Nhận lỗi khi biết mình làm sai rất khó. Dám công khai nhận lỗi khi mình đã làm sai thì lại càng hiếm. Phổ biến nhất hiện nay mỗi khi có vụ việc sai phạm nào đó xảy ra, “quả bóng” trách nhiệm sẽ được “đá chuyền” từ người này qua người khác, cuối cùng là rơi tõm vào “gôn”… tập thể. Xử lý tập thể? Nói thì dễ, làm thì khó. Càng khó hơn nữa khi như ai đó đã từng nói, đại ý rằng: Nếu cứ sai là xử lý thì… lấy đâu ra cán bộ để làm việc (!).

Bởi thế, “xin lỗi”, “nhận lỗi” rồi “nhận trách nhiệm”, “chịu trách nhiệm” là những cụm từ có phần “xa xỉ” mỗi khi dùng.

Ở Việt Nam, rất khó tìm thấy trường hợp cán bộ đứng ra công khai xin lỗi nhân dân khi làm sai.
Ở Việt Nam, rất khó tìm thấy trường hợp cán bộ đứng ra công khai xin lỗi nhân dân khi làm sai.

“Nhận lỗi” và “xin lỗi” khi biết mình “có lỗi” là cần thiết. Nhưng từ “nhận lỗi” đến “chịu trách nhiệm” và “sửa sai” thì là cả một quá trình dài mà không phải ai cũng làm được. Có những trường hợp còn không còn cơ hội để “sửa lỗi” nữa vì phạm vi hậu quả của nó đã vượt quá giới hạn và tầm kiểm soát của cá nhân cũng như của cộng đồng.

Có một câu chuyện xưa kể rằng: Ở một ngôi chùa nọ có rất nhiều học trò đến học võ Thiếu lâm. Trong đó có một chú bé mới 12 tuổi. Vì nhỏ tuổi nhất nên được vị sư trụ trì (cũng là sư phụ) rất cưng chiều. Mỗi khi chú bé phạm lỗi nào đó chỉ cần nói lời “Con xin lỗi” là sư trụ trì lại tha thứ cho, không trách phạt. Có một lần, chú bé vào thư viện đọc sách. Vì nghịch ngợm nên đã lấy giấy ra đốt, chẳng may làm ngọn lửa bén vào sách và bùng lên khắp thư viện và sau đó lan ra khắp chùa.

Chú bé sợ quá nên đã bỏ chạy. Nhưng sau khi chạy được một hồi thì chú bé bị lương tâm cắn rứt. Chú quyết định quay lại chùa để nhận lỗi và chịu hình phạt của sư thầy. Lần này chú ân hận thực sự và muốn được nói lời tạ lỗi từ đáy lòng mình với sư thầy, hứa từ nay sẽ ngoan và sửa chữa những lỗi lầm trước đây với sư thầy. Nhưng khi trở lại chùa thì chú bé mới hay tin dữ: vì mong cứu được kho thư viện sách quý mà sư thầy đã liều mình băng vào ngọn lửa và bị thiêu luôn trong đó. Chú bé đã khóc rất nhiều, hơn lúc nào hết, chú thấy bị dày vò trong nỗi ân hận ghê gớm.

Về sau, người ta không bao giờ thấy người đàn ông (là chú bé 12 tuổi năm xưa), không bao giờ nói lời xin lỗi nữa. Từ vụ hỏa hoạn do mình gây ra năm ấy, chú bé đã tự thề với lòng mình là không bao giờ được phép phạm sai lầm để phải nói lời xin lỗi.

Có lẽ từ câu chuyện trên khiến nhiều người trong chúng ta phải ngẫm lại. “Xin lỗi” và “nhận lỗi” là cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn là nên ý thức việc mình làm, cố gắng đừng để những việc mình đã làm mà sau đó lại phải nói lời “xin lỗi”. Có những lúc, dù có “xin lỗi” hay “nhận lỗi” thì cũng đã muộn mất rồi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại