Câu chuyện phụ huynh xếp hàng từ sáng sớm để xin cho con vào lớp 1 ở các thành phố lớn, hiện tượng chạy trường tốt, chen chân vào trường điểm không còn gì xa lạ ở nước ta. Và thật tội cho đứa trẻ khi ngay khi 6 tuổi, các em đã phải thi cử đấu chọi hay thương cho bậc phụ huynh thao thức chờ bốc thăm cho con vào... mẫu giáo.
Giáo dục Nhật vẫn được nhiều người ca ngợi về cách giáo dục con trẻ có những tính cách tự lập, quyết đoán từ khi còn bé. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi xin trích đăng bài viết của độc giả Dương Thuỳ Linh, hiện đang theo học chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, tại trường Đại học Saga - Thành phố Saga, Nhật Bản.
Trẻ được dạy tính tự lập, quyết đoán
Gần ba năm ở xứ hoa anh đào, tôi chỉ có một từ để nói về Nhật Bản. Đó là: Đẹp. Không chỉ thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống đẹp thanh lịch, nhẹ nhàng mà còn ở nét đẹp trong con người Nhật Bản. Nét đẹp ấy được nhìn thấy rõ nhất trong việc tư duy và đường lối giáo dục ở đất nước này.
Một tiết học của học sinh tiểu học ở Nhật. Ngay từ nhỏ, trẻ được dạy cách tự lập và tính quyết đoán.
Trẻ em ở đây ngay từ nhỏ đều được dạy tính tự lập, quyết đoán. Vì vậy, ngay trong trường tiểu học, các em được hướng dẫn cách tự làm cơm hộp, trồng cây, cầm túi ni lông đi thu dọn rác trên đường, học các quy tắc về lễ nghi như chào hỏi, cúi đầu, xin phép,...
Và đặc biệt là học về tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái - chìa khoá vàng làm nên một Nhật Bản giàu có như ngày hôm nay. Chắc hẳn các bạn còn nhớ một câu chuyện cảm động về một cậu bé 9 tuổi người Nhật trong đại thảm hoạ động đất, sóng thần ngày 11/3/2011.
Dù được nhường khẩu phần ăn, nhưng cậu bé đã mang phần lương khô được nhận ấy đến những người phân phát để chia lại từ đầu cho công bằng, vì cậu biết vẫn còn nhiều người đói hơn cậu.
Đó là bài học về tình người, một minh chứng rõ ràng cho cách đào tạo CON NGƯỜI ở Nhật Bản.
Không phải xếp hàng xin cho con vào lớp 1
Mọi kỳ thi ở Nhật ngay từ bậc tiểu học đều khá căng thẳng và mang tính cạnh tranh cao. Điều này cho thấy các kỳ thi ở đây yêu cầu thực lực, và thái độ nghiêm túc của người học.
Nhưng sẽ không bao giờ các bạn thấy tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng dài để chờ đăng ký hay chạy cho con mình vào được trường điểm. Bởi dù là trường ở thành phố hay trường làng, thì chất lượng giáo dục ở Nhật đều rất đồng đều.
Tôi may mắn khi có được đi thính giảng một tiết học lịch sử của một lớp tiểu học. Một tiết học ở Nhật kéo dài 90 phút, gấp đôi tiết học của mình nhưng không làm cho trẻ căng thẳng hay phải vác trên vai chiếc cặp sách nặng đến trường!
Và các em tích cực tham gia bày tỏ ý kiến cá nhân, cũng như sẵn sàng phản bác nếu như không đồng tình, người giáo viên đóng vai trò như người MC dẫn dắt và để học sinh tự làm. Vì thế, tiết học trở nên rất lý thú, sinh động.
Sách giáo khoa Xã hội của học sinh tiểu học ở Nhật rất sinh động.
Cuốn sách Lịch Sử của Nhật được in màu, rất đẹp, với nhiều hình minh hoạ sinh động, đẹp mắt.
Câu chuyện hoàng tử bé Hisahito vừa nhập học trường tiểu học thuộc ĐH Ochanomizu ở Bunkyo, Tokyo là điển hình ví dụ cho tư duy giáo dục của người Nhật. Cậu là thành viên nam đầu tiên trong gia đình Hoàng gia thời kỳ hậu Thế chiến thứ 2 không theo học Trường tiểu học Gakushuin – ngôi trường mà các thành viên hoàng gia thường theo học.
Quyết định này được cho là một nỗ lực của cha mẹ cậu nhằm giúp con trai được nhận một nền giáo dục bình thường như những đứa trẻ khác và không có bất cứ sự đối xử đặc biệt nào. Việc đi học ở một ngôi trường bình thường sẽ giúp cậu chuẩn bị sẵn sàng cho biểu tượng của cả Nhà nước và sự thống nhất của người dân Nhật Bản khi kế vị ngai vàng.
Suy rộng ra, đó là sự khác biệt trong tư duy, suy nghĩ giữa người Nhật và người Việt chúng ta. Tôi nghĩ, chừng nào mà lối mòn “Muốn học giỏi thì phải vào trường điểm, phải vào được lớp chọn, thầy giáo giỏi có kinh nghiệm” chưa được thay đổi thì nền giáo dục Việt Nam sẽ mãi giậm chân tại chỗ, thậm chí là đi vào bế tắc, ngõ cụt.
Mục đích của giáo dục là đào tạo được những “nhân” vừa có tài vừa có đức. Tài học ở đâu? Học chính bằng nỗ lực và nhiệt huyết của mình. Đức học ở đâu? Học ngay từ những phép tắc, những hành động nhỏ nhất. Đọc những câu chuyện ý nghĩa về người Nhật, không ai là không suýt xoa ngưỡng mộ.
Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự vì đất nước chúng ta đâu thiếu những người tài. Nhưng đáng tiếc thay, nền giáo dục của nước nhà - bệ phóng duy nhất nâng cao dân trí, lại đang cố tình che cái xấu lại, giấu cái dốt đi, không dám nhìn thẳng vào sự thật mà sửa chữa. Đây liệu có phải là một câu hỏi lớn mãi chưa có lời giải đáp?