Vị tướng già chăm vợ bại liệt 11 năm

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Không đi, không nói được nhưng khi nghe ông kể lại những chuyện cũ, kỷ niệm, bà lại khóc bởi hầu hết vinh quang, nỗi buồn của ông đều có bà cạnh bên…

Năm nay đã ở cái tuổi 87, tóc bạc, chân tay yếu nhưng ở Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 vẫn toát lên sư uy nghiêm, giọng nói hào sảng của vị chỉ huy năm nào.

Hơn nửa đời người xông pha nơi chiến trận, chỉ huy hàng vạn con người làm nên những chiến thắng vang dội, chấn động, giờ về hưu, niềm vui lớn nhất của ông là được ở bên cạnh chăm sóc cho người vợ yêu thương.

Biết chúng tôi có mong muốn thực hiện một bài viết về những tâm sự của phu nhân ông nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, tướng Thước bảo: “Bước sang năm nay, sau cơn bạo bệnh bà ấy đã bị liệt tới 11 năm.

Thời gian đầu, bà còn nói được nhưng giờ thì không thể nói được. Mặc dù không nói được bà vẫn nghe và vẫn có cảm xúc, suy nghĩ  như người bình thường”.

11 năm qua, trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn ở cạnh bên chăm sóc người vợ bị liệt.

11 năm qua, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn ở cạnh bên chăm sóc, chia sẻ với người vợ yêu thương của mình.

Phu nhân của ông, bà Phan Thị Thủy, bị tai biến mạch máu não từ năm 1997. Chân tay co cứng hầu như không thể cử động, mọi sinh hoạt của bà đều phải trông cậy vào ông.

11 năm, bà ngồi xe lăn, tính ra cũng đã hơn 3.600 ngày ông đã bón cơm, bóp chân, nắn tay, trò chuyện cùng bà mỗi ngày...

Quay sang phòng nhìn bà một lúc rồi ông trầm ngâm: “Bà ấy bị như vậy, có lẽ chính là di chứng của mấy chục năm trời phải lăn lộn, vất vả, lo lắng, suy nghĩ vì chồng, vì con”.

Nằm một chỗ, không cử động được nên chuyện bà hờn dỗi, cáu gắt bằng việc không chịu ăn uống… thường xuyên xảy ra và những lúc như thế ông chỉ còn biết lặng lẽ dỗ dành, khuyên bà.

“Nói thật, tôi ngoài chiến trường, chỉ huy hàng vạn quân, nói một câu phải nghe răm rắp nhưng về nhà nhiều khi chăm bà ý còn khó hơn nhiều. Lắm lúc cũng tự ái vì sự giận dỗi của bà nhưng rồi lại thương bà khi nghĩ đến nhưng đau đớn mà bà phải chịu đựng bấy nhiêu năm qua”, tướng Thước chia sẻ.

Lật ngược thời gian, nhắc lại câu chuyện tình giữa ông bà, ông bảo, đó là một câu chuyện tình cờ mà đúng chỉ có trong thời chiến thì mới nhanh được đến như vậy.

Bắt đầu con đường “binh nghiệp” của mình từ năm 1944 nhưng đến năm 1958, ông vẫn trong tình trạng “chăn đơn gối chiếc”.

Nhân một cuộc họp ra Bắc, cấp trên đã tạo điều kiện để ông ghé thăm nhà. Chẳng biết run rủi thế nào mà ông bí thư huyện ủy Nghi Lộc gọi đến, sau vài phút chuyện trò vị bí thư vào thẳng vấn đề: “Giờ tôi có đứa cháu gái muốn giao cho anh chăm sóc”. 

Còn chưa kịp để ông Thước định thần và nêu ý kiến, thì vị bí thư đã cười khà khà và lôi anh đến ngay nhà cháu gái để thực hiện “nhiệm vụ cao cả”. Không biết có phải vì xấu hổ hay do run quá mà tướng Thước còn không dám nhìn mặt cô gái ngồi đối diện với mình. 

Khi ra đến Hà Nội, ông chỉ kịp gửi thư về cho bố mẹ ấn định ngày làm lễ ăn hỏi. 15 ngày sau khi kết thúc đợt công tác, trên đường vào miền Trung chiến đấu, ông tranh thủ ghé qua nhà làm lễ ăn hỏi và cưới cô gái Phan Thị Thủy làm vợ. 

Chỉ đến ngày ăn hỏi, ông Thước mới biết được mặt người vợ của mình và nói chuyện với bà Thủy lần đầu tiên. Khi ấy, ông mới biết bà Thủy mới đôi mươi, là người con gái trẻ đẹp, nết na, kém ông đến 12 tuổi.

Làm tất cả vì vợ con thân yêu

Lấy nhau ngày hôm trước, ngày hôm sau ông Thước để lại người vợ với cha mẹ già ở quê, khăn gói lên đường vào miền Trung chiến đấu. Trung tướng Thước nói: “Lấy nhau hàng chục năm nhưng  những năm trong chiến tranh, số lần vợ chồng tôi gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay và lần gặp nhau nào cũng vội".

Bức ảnh chụp chung của vợ chồng trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi bà còn khoẻ. (Ảnh do tướng Thước cung cấp).
Bức ảnh chụp chung của vợ chồng trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi bà còn khoẻ. (Ảnh do tướng Thước cung cấp).

Ông kể, năm 1965, được lệnh đi chiến trường B, do tính bảo mật của nhiệm vụ nên hầu như mọi thông tin đều không được tiết lộ. Cũng chính vì điều này mà ở quê nhà vợ ông đã nghe rất nhiều tin xấu. Người thì bảo: “Ông Thước chết rồi, đi kiếm người khác cho bớt cô quạnh”, kẻ thì đồn thổi ông đã có người đàn bà khác. 

"Nghe nhiều quá vợ tôi cũng dằn vặt và khóc đến rạc cả người. Thế nhưng, trước sau cô ấy vẫn chung thủy chờ đợi, vượt qua mọi khó khăn, vất vả trong mấy chục năm trời để nuôi hai con khôn lớn...”, tướng Thước tâm sự.

Năm 1975, đất nước thống nhất nhưng do nhiều nhiệm vụ khác nhau nên đến năm 1997, trung tướng Nguyễn Quốc Thước mới trở về công tác ở Hà Nội. Tưởng chừng sau những năm tháng xa cách, hai vợ chồng sẽ ở bên nhau hạnh phúc nhưng vào một ngày năm 1997, do sơ ý nên một tai nạn bất ngờ ập đến bà Thủy bị ngã cầu thang, gãy cột sống, phải đưa vào cấp cứu tại Viện 108.

Đến năm 2002, bà Thủy tiếp tục bị tai biến mạch máu não tưởng như “không qua khỏi”. Khi đó, ông Thước đang làm Đại biểu Quốc hội khóa X, Quốc hội lại đang vào kỳ họp. 

Không làm cách nào được, ông Thước đành buổi sáng đi họp, buổi trưa được nghỉ ông lại chạy vào bệnh viện chăm vợ đang bất tỉnh trong phòng cấp cứu, rồi đến chiều lại quay trở lại nghị trường, tối lại chạy vào chăm vợ. 

Và trong suốt kỳ họp Quốc hội ấy, ông phải chuẩn bị tài liệu họp bên giường bệnh của vợ.

Rồi điều diệu kỳ đã đến, bà tỉnh lại mặc dù sau đấy không thể nói và đi lại được như trước nữa. Cũng hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá X, tướng Thước chính thức nghỉ hưu để có thể ở cạnh bên chăm sóc cho vợ.

Ông bảo: "Đã hơn chục năm nay, dù đi họp hay đi đâu, dù ai có mời thế nào thì tôi cũng phải cố gắng tranh thủ về nhà với bà ấy. Mà bà ấy cũng tình cảm lắm, dù không nói được nhưng nếu hôm nào tôi đi đâu đó mà chưa thấy về là sẽ nhờ người gọi điện, bật loa ngoài lên để nghe. 

Nếu tôi bảo về ăn cơm thì bà thể nào cũng sẽ chờ bằng được về ăn cơm còn nếu đi vắng xa thì gọi để nghe giọng tôi".

Và hôm chúng tôi đến, khi nghe những câu chuyện cũ, kỷ niệm về những năm tháng chiến tranh ác liệt trong chiến trường, chuyện tình yêu của ông bà... dù không nói được nhưng bà đã rưng rưng nước mắt mà như tướng Thước chia sẻ: "Bao nhiêu năm qua, tôi chưa từng một lần thổ lộ tình yêu với bà ấy. Nhưng những vinh quang, những nỗi buồn của tôi đều có bà ấy ở bên cạnh sẻ chia, động viên, giúp đỡ nên mỗi lần nhắc lại những kỷ niệm đó, bà ấy đều khóc".

Trở lại phòng bà, nâng bàn tay bà lên ông bảo: "Trước đây, mấy bác sỹ nói, bệnh của bà ấy cùng lắm chỉ thêm được vài năm nhưng giờ đã được đến 11 năm. Sau này dù thế nào đi nữa, thì tôi vẫn sẽ cố hết sức làm tất cả mọi việc, chăm sóc, bù đắp cho bà để bà ấy luôn được vui vẻ và tôi biết dù không nói được nhưng bà ấy sẽ cảm nhậm được".

Cũng đã thành thông lệ, trong ngày mùng 8/3 này, tướng Thước và những người con của mình sẽ lại  có những bó hoa tươi thật đẹp để dành tặng bà - người vợ, người mẹ thân yêu, đã hết lòng vì chồng vì con.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại