Theo bà Nguyễn Thị Hiền, trong buổi thông báo kết quả giám định chất lạ trên người chị Huyền, đại diện của Công an TP Hà Nội cho biết, họ đã ngừng việc điều tra bổ sung vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.
“Công an cho biết, họ không xác định được việc chị Huyền bị chết trước hay sau khi bị vứt xác xuống sông Hồng, bởi xác chết đã quá lâu”- bà Hiền nói.
Mẹ chị Huyền cũng cho biết, tội danh của Nguyễn Mạnh Tường vẫn giữ nguyên, Tường không bị truy tố về tội giết người.
“Nếu Tường không giết người, thì tại sao lại bị truy tố tội Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế và tội Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt. Nội dung này tôi thấy còn nhiều mâu thuẫn” - bà Hiền bày tỏ.
Trước những điểm đang khiến gia đình chị Huyền thấy còn mâu thuẫn, trao đổi với chúng tôi, LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định pháp luật thì việc xác định tội phạm và định tội danh sẽ căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm: Mặt chủ quan, mặt khách quan, chủ thể và khách thể của tội phạm.
Trong đó, mặt chủ quan bao gồm: Lỗi, động cơ, mục đích; mặt khách quan của tội phạm bao gồm: Hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả; Chủ thể của tội phạm: Là người có năng lực hành vi và năng lực pháp luật; Khách thể: là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
"Ở vụ án này, mặt khách quan, chủ thể, khách thể là: BS Tường có hành vi phẫu thuật dẫn đến hậu quả chị Huyền chết, BS Tường đủ điều kiện về chủ thể để phải chịu trách nhiệm hình sự.
Mặt "chủ quan" thì “động cơ, mục đích” cũng đã được làm rõ: BS Tường thực hiện ca phẫu thuật đó để kinh doanh, kiếm tiền chứ hoàn toàn không có mâu thuẫn, thù oán gì chị Huyền đến mức phải thực hiện hành vi để tước đoạt tính mạng của chị Huyền.
Vì vậy, về mặt lý luận thì chỉ còn “tranh cãi” về yếu tố “lỗi” trong cấu thành tội phạm. Với tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự, thì pháp luật quy định là lỗi cố ý. Trong lỗi cố ý chia làm hai loại là “cố ý trực tiếp” và “cố ý gián tiếp”.
Cố ý trực tiếp là nhận thức rõ hành vi của mình có thể dẫn đến tước đoạt tính mạng của người khác và mong muốn hậu quả xảy ra (nạn nhân chết). Trong vụ án này, BS Tường không mong muốn hậu quả của ca phẫu thuật là phải chết người, nên không thể buộc Tường vào lỗi cố ý trực tiếp. Lỗi cố ý gián tiếp là biết hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, tuy không mong muốn hậu quả chết người có thể xảy ra,k nhưng vì lý do nào đó có thể bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra.
Theo thông tin của vụ án, thì sau khi sự cố xảy ra, BS Tường và các đồng nghiệp đã tìm mọi cách cấp cứu nạn nhân nhưng không cứu được, dẫn đến hậu quả chết người, chứ không có yếu tố “bỏ mặc” để chị Huyền chết. Do vậy, với các tài liệu, chứng cứ hiện có, để khởi tố Tường về tội danh giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự là không thể thực hiện được về mặt lý luận"- Luật sư Cường cho hay.
Theo LS Cường, Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định tội vô ý làm chết người (Điều 98), với tội danh này thì rõ ràng là lỗi vô ý dẫn đến hậu quả chết người sẽ bị xử lý về tội danh này.
“Về mặt pháp lý thì có thể xử BS Tường về tội làm chết người theo quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự, với lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì một hành vi chỉ bị xử lý một lần (một tội). Bộ luật hình sự có nhiều tội danh quy định về hành vi dẫn đến chết người, trong đó có tội danh quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự - “Tội Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất hoặc pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.
Điều 98 Bộ luật hình sự, quy định chung về các trường hợp làm chết người với lỗi vô ý trong các trường hợp khác nhau. Còn, với những hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp trong dịch vụ y tế, lại được thể hiện rõ, cụ thể ở khoản 3, Điều 242 Bộ luật hình sự - gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (chết người). Như vậy, phải áp dụng trường hợp cụ thể, quy định cụ thể của nhóm tội đó để xử lý về hành vi đó.
Chính vì thế, các cơ quan tiến hành tố tụng mới khởi tố bác sĩ Tường về tội danh theo Điều 242 Bộ luật hình sự, chứ không khởi tố về tội vô ý làm chết người theo Điều 98 Bộ luật hình sự.
Luật sư Cường cũng khẳng định, việc xác định rõ chất lạ trên thi thể chị Huyền cũng không thể làm thay đổi tội danh của Tường.
"Việc xác định “chất lạ” trên thi thể chị Huyền không phải là căn cứ định tội danh của các bị cáo. Tội danh sẽ căn cứ vào yếu tố cấu thành tội phạm. Các chứng cứ chỉ là căn cứ để xác định các yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu khám nghiệm tử thi, phát hiện chất độc, từ đó xác định nạn nhân tử vong do bị “hạ độc”, thì mới xử lý BS Tường được”- LS Cường nhấn mạnh.
Một số người thân cho rằng, khi tìm thấy thi thể chị Huyền thì phần thịt sau khi được khám nghiệm vẫn còn khá chắc. Phần ruột của nạn nhân vẫn còn. Tuy nhiên, phía cơ quan điều tra lại cho rằng, không thể xác minh được chị Huyền chết trước hay sau khi bị ném xuống sông Hồng.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Cường cho biết, việc xác định thời điểm nạn nhân chết trước hay sau khi bị ném xuống nước căn cứ vào phổi (có nước hay không) chứ không căn cứ vào ruột. Nếu bị trúng độc do ăn uống thì mới quan tâm nhiều tới gan, ruột, dạ dày của nạn nhân…