Vì sao cơn siêu giông ở HN không được cảnh báo sớm hơn?

Hoàng Đan |

Lãnh đạo TT Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, cơn siêu giông diễn ra vào chiều ngày 13/6 tại Hà Nội đã được phát cảnh báo từ lúc 16h20 phút.

Cơn giông lớn xảy ra vào chiều 13/6 ở Hà Nội đã khiến 2 người chết, nhiều người bị thương, cùng với đó, hàng chục xe ôtô đã bị cây đổ đè bẹp, hàng trăm cây xanh trên các tuyến phố cũng bị gãy, bật gốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, đơn vị đã phát cảnh báo từ lúc 16h20 phút chiều 13/6 và đến khoảng 17h cơn giông này mới xảy ra.

Trước thông tin cho rằng, việc đưa ra cảnh báo của Trung tâm như vậy là chậm nên người dân không nắm bắt kịp thông tin dẫn đến hậu quả để lại lớn, ông Cường cho rằng, ở đây cần phải phân tích sâu hơn.

"Việc phân tích sâu hơn về chậm, nhanh thì cần phải có thời gian để đánh giá về sự hiệu quả truyền bản tin cũng như việc thông tin đại chúng đến các nơi", ông Cường nói.

Một người đàn ông khi đi xe máy qua ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du thì bất ngờ cây xà cừ lớn bật gốc, đè trúng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Ảnh: Tiền phong
Một người đàn ông khi đi xe máy qua ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du thì bất ngờ cây xà cừ lớn bật gốc, đè trúng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Ảnh: Tiền phong

Lý giải thêm về cơn giông chiều 13/6, Phó Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương), thạc sĩ Nguyễn Văn Hưởng cho biết:

Do ảnh hưởng của vùng thấp nóng mở ra ở mặt đất, trong khi đó, ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m có khối không khí biển ẩm chuyển vào.

Sự tương tác nhiệt cao của vùng thấp phía Tây gây nắng nóng và ẩm của khối không khí biển đã tạo ra mây đối lưu mạnh. Hệ quả là trận mưa giông chiều 13/6 tại Hà Nội.

Theo số liệu đo đạc của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tại trạm Láng, thời điểm mưa giông có gió giật mạnh lên tới 20m/giây, tức khoảng gió giật cấp 8, ở Hà Đông gió 21m/giây, tức gió giật đầu cấp 9.

"Mưa giông như vậy là rất hiếm gặp và việc lặp lại mưa giông lớn như thế sẽ ít khả năng", ông Hưởng nói.

Ông Hưởng cũng cho biết thêm, với mưa giông hệ thống lớn thì có thể dự báo trước 2 - 3 ngày còn với hiện tượng lốc xoáy thì chưa dự báo được mà mới chỉ cảnh báo.

"Đối với mưa giông ở Hà Nội thì trong các bản tin chúng tôi đều đã có dự báo về việc xảy ra. Nhưng với giông lốc như hôm 13/6 thì đây là hiện tượng quy mô nhỏ nên không dự báo được mà chỉ có thể cảnh báo trước", ông Hưởng cho hay.

Đại diện Phòng Dự báo số và viễn thám (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương), đơn vị phát bản tin cảnh báo giông ở Hà Nội ngày 13/6, cũng khẳng định, đơn vị đã phát bản tin cảnh báo từ lúc 16h15 phút, trước khi cơn giông xảy ra khoảng 45 phút.

Bản tin phát đi lúc 16h15 phút ngày 13/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, các bức ảnh chụp từ radar thời tiết và ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có những đám mây đối lưu từ phía Hòa Bình di chuyển về phía khu vực Hà Nội.

Bản tin lúc 16h15 ngày 13/6 dự báo: Trong khoảng 30 phút đến 1 giờ tới, những đám mây đối lưu này sẽ gây mưa rào và giông trước khu vực phía Tây Nam Hà Nội bao gồm các quận, huyện Chuơng Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa...

Sau đó lan dần đến các khu vực khác. Trong cơn giông cần đề phòng có gió giật mạnh.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại