Hai lần hạ gục mãng xà
Đạo sĩ Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y (102 tuổi, ở ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - tỉnh An Giang).
Hơn 80 năm trước, từ vùng quê sông nước thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, cụ lén bỏ nhà và mang theo tấm lưới lên núi Cấm để tầm sư học đạo.
Chính hành động kỳ lạ này mà dân làng đặt cho cụ biệt danh là Ba Lưới.
“Khi sắp bước sang tuổi 20 (năm 1930), tôi đã đặt chân đến vùng rừng thiêng, nước độc này rồi. Cọp beo đi từng đàn, còn rắn độc đầy ắp luôn chực chờ dưới chân.
Chính vì vậy mà tôi cũng như các bậc tiền nhân đều phải tự cứu mình bằng cách tầm dược, luyện võ nghệ và tu học”- cụ Ba Lưới nhớ lại.
Những năm sau đó, cụ Ba Lưới lần lượt được nhiều vị đạo sĩ tu hành đắc đạo truyền dạy cho các phương thuốc quý cứu người rất hữu dụng.
Cụ cũng là một trong số ít đệ tử võ phái Đường Phong học được tuyệt chiêu “Bình Phong Lạc Nhạn”.
Đây là môn võ mà Lý Tiểu Long (Trung Quốc) thường dùng, thế võ tung người lên cao và thực hiện một loạt cú đá nhanh như chớp.
Tuy nhiên, để có thể thuần thục thế võ này, hằng ngày đạo sĩ trẻ Ba Lưới phải tập gánh đá từ vài chục cho đến vài trăm kg để rèn luyện sức dẻo dai cho đôi chân, đào hố từ cạn đến sâu để nâng sức bật.
“Thế võ này chỉ là làm sao cho cơ thể được nhẹ nhàng để có thể phi thân lên cao và dùng liên hoàn cước. Đơn giản vậy nhưng nó vô cùng lợi hại.
Sau thời gian khổ luyện, tôi chỉ cần nhún chân 1 cái là có thể bay từ vồ đá này sang vồ đá khác hoặc ngồi luôn trên đọt cây cao đến cả chục mét”- cụ Ba Lưới khẳng định.
Nhờ thế võ này, cụ đã chiến thắng khi đối đầu mãng xà (rắn hổ mây) nặng khoảng 500 kg. Lúc đó, cả khu rừng như nổi cơn giông vì tiếng động kinh hoàng của mãnh thú này.
Trong phút chốc, đạo sĩ Ba Lưới thấy trước mắt mình là con mãng xà đang trong tư thế tấn công.
“Con này quá hung dữ nên tôi quyết tâm ra tay hạ sát nó để trừ họa cho dân làng. Tôi sử dụng thế võ “Bình Phong Lạc Nhạn” bay lên không trung rồi dùng chiếc quéo có sẵn trong tay và chặt đứt đầu nó trong tích tắc.
Sau khi hay tin con mãng xà bị hạ gục, nhiều người kéo đến đây chúc mừng và lấy thịt của nó đem về”- cụ Ba Lưới nhớ lại.
Cũng theo cụ Ba Lưới, những năm sau đó, cụ lần lượt hạ sát được rất nhiều mãnh thú như rắn hổ mây, cọp dữ và cả heo rừng nặng đến 200 kg để đem lại sự bình yên cho người dân.
Chuyện diệt cọp và hổ mây khổng lồ của đạo sĩ Ba Lưới hiện đã đi vào cẩm nang giới thiệu về vùng Bảy núi.
Chuyên tâm bốc thuốc cứu người
Dù hiện đạo sĩ Ba Lưới đã hơn 100 tuổi nhưng cụ rất khỏe khoắn và hằng ngày vẫn vào rừng sâu tầm dược để cứu giúp người nghèo hoặc sơn dân chẳng may bị rắn độc cắn.
Nói như ông Phạm Việt Tân, Trưởng Ban ấp Vồ Đầu, xã An Hảo thì cụ Ba Lưới thắm đượm tinh thần đạo sĩ Thất Sơn, chuyên tâm tu thân và tầm dược cứu người.
Cũng nhờ cụ mà trong suốt mấy chục năm qua, biết bao người ở vùng đất núi này bị rắn độc cắn được cứu sống. Người dân trên núi trước đây mỗi khi bị bệnh cũng trông nhờ tài nghệ của cụ.
Còn cụ Ba Lưới cho rằng chính nguồn dược liệu phong phú và quý giá nơi miền sơn cước này giúp cụ có thêm điều kiện chữa trị cho dân nghèo.
Việc luyện võ cũng là nhằm để phòng thân trong những lúc vào rừng sâu tầm dược, bản thân cụ sống khỏe cũng là nhờ vào cây rừng và thuốc núi.
“Võ nghệ và thuốc có tỉ lệ thuận với nhau, ai võ cao sẽ dễ tầm được thuốc quý, thuốc hay nơi chốn núi non trùng điệp.
Tôi đây năng tập võ nghệ cũng chính vì mục đích tầm thuốc quý cứu người, chứ chẳng phải là để xưng hùng, xưng bá, vị danh vị tiếng gì đâu”- cụ Ba Lưới khề khà.
Mỗi ngày có từ 30 đến 50 lượt người đến để nhờ cụ thăm mạch, bốc thuốc chữa bệnh. Trong số này không ít người là khách đến du lịch núi Cấm, nhân tiện muốn được mục sở thị vị đạo sĩ cuối cùng của miền Thất Sơn huyền thoại.
Nhiều người tìm đến cụ còn muốn được sẻ chia bí quyết sống khỏe, sống thọ. Có những lúc cao điểm (vào mùa hành hương từ tháng Giêng đến tháng 5 Âm lịch), mỗi ngày cụ Ba Lưới thăm mạch và hốt thuốc cho cả trăm lượt người.
Khi được hỏi về những đệ tử kế thừa môn võ cổ truyền, cụ Ba Lưới lắt đầu lia lịa.
“Thôi, tôi đã quyết rồi, từ lâu rồi không truyền võ nghệ cho ai hết.
Ngày xưa giặc dã, còn vị thân, vị kỷ. Đất nước thanh bình, tự do, xứ sở cũng không còn thú dữ nào không cần phải đánh đấm nữa, chiêu cước, võ nghệ làm gì, dẹp bỏ, lo làm việc nghĩa.
Nếu muốn học tầm thuốc cứu người, tôi đây sẵng sàng truyền hết”- cụ Ba Lưới quả quyết.
Chia sẻ đến đây, cụ Ba Lưới buồn giọng, cứ ngậm ngùi tiếc kho dược liệu núi Cấm mà mình gắn bó suốt gần 80 năm qua đang cạn kiệt.
Cả buổi trầm ngâm, cụ cứ nhắc đi nhắc lại: “Hồi trước núi Cấm là kho dược liệu, cả các loại thuốc quý như nhân sâm, linh chi cũng không thiếu. Nhưng do người ta săn lùng quá, không chịu dung dưỡng nên cạn kiệt gần hết.
Nhiều loại bây giờ tôi phải nhờ đệ tử mua từ Nam Vang (Campuchia). Sau này mới có chuyên nhận tiền của khách là vì phải mua thêm thuốc, chứ trước đây miễn phí hoàn toàn”.
Mua thịt heo đãi hổ
Cụ Ba Lưới cho biết chỗ gia đình mình đang sinh sống từng là nơi tập trung số lượng lớn cá thể khỉ.
Chính vì vậy mà có rất nhiều hổ về đây để săn mồi rồi khoét vách núi để làm chỗ trú ẩn nên có địa danh là hang Long Hổ Hội.
“Hồi đó, cứ mỗi buổi sáng là có hàng chục ông (hổ) nằm phía trước nhà tôi để phơi nắng. Còn ban đêm, mấy ổng đi bắt mồi làm cho đàn khỉ kêu la inh ỏi đến xót cả dạ.
Thấy vậy, nhiều lần tôi phải xuống núi tìm mua thịt heo lên đây đãi mấy ổng để đàn khỉ thoát nạn tuyệt chủng.
Thế rồi không lâu sau đó, không biết mấy ổng đi đâu mất dạng”- cụ Ba Lưới kể.
Người dân địa phương còn nhắc nhiều đến cụ Ba Lưới với những đóng góp quý báo trong việc xây dựng tượng Phật Di Lặc cao 33,6 m bằng bê - tông và công trình chùa Phật Lớn uy nghiêm trên đỉnh núi Cấm.
Cũng vì công đức đó mà trong suốt hàng chục năm qua vẫn chưa có ai thay thế cụ để giữ chức vụ Trưởng Ban Quản lý Thiền viện Chùa Phật Lớn.