Điều này đã khiến không ít phụ huynh, các nhà thơ bị sốc trước tư duy của người dịch, lẫn người biên soạn.
Tinh thần bài thơ “biến mất”
Bài thơ dịch lại chỉ giữ nguyên câu đầu tiên, còn lại đã bị “biến thể:“Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.
3 câu dịch sau vừa dở, trúc trắc, vừa sai về ngữ nghĩa, vừa đánh mất tinh thần của bài thơ. Thật khó hiểu ý cuối “Chúng mày nhất định phải tan vỡ” là sao, bởi cách dùng từ “tan vỡ” hoàn toàn sai, khiến bài thơ bị thay đổi hoàn toàn.
Đặc biệt, đây là bài hịch, làm nức lòng tướng lĩnh và binh lính, thì không thể nào cách thể hiện lại èo uột, thiếu tinh thần quyết chiến, thiếu sự tự tin, dõng dạc cần thiết như vậy? Câu hỏi “Giặc dữ cớ sao phạm đến đây” cũng ngô nghê, và từ “vằng vặc” đặt bên “sách trời” hoàn toàn sai nghĩa so với bản dịch cũ: “Rành rành định phận tại sách trời” (Tiệt nhiên định phận tại thiên thư).
Dường như, tinh thần oai hùng, quyết chiến, quyết thắng của bài thơ đã hoàn toàn bị thay thế bằng một thứ thơ “thảm họa”khác.
Bài thơ này được in ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN). Phía dưới ghi: “Theo Lê Thước - Nam Trân dịch, trong “Thơ văn Lí Trần”, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977”.
Cuốn sách Ngữ văn nói trên được NXBGDVN phát hành vào tháng 8.2015. Nhóm tác giả chủ biên gồm: Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên) - Nguyễn Đình Chú (Chủ biên phần Văn) - Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên phần Tiếng Việt) - Trần Đình Sử (Chủ biên phần Tập làm văn).
Ngoài ra còn có các biên tập viên Đỗ Kim Hồi - Nguyễn Văn Long - Bùi Mạnh Nhị - Lê Xuân Thại - Đỗ Ngọc Thống.
Trước sự phản ứng của công luận, một trong những người tham gia biên tập cuốn sách giáo khoa này đã tự bào chữa rằng: “Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi.
Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được.”
Thảm họa mới về tư duy
Tuy nhiên, theo nhà thơ Nguyễn Duy, bản dịch sau vớ vẩn, nếu không muốn nói là quá tệ, quá trúc trắc, trục trặc, ngô nghê.
“Theo tôi, không nên làm như vậy. Bản thân bản dịch cũ đã là mặc định rồi, các thế hệ đã quen và yêu thích bản dịch này, tại sao phải dịch lại cho tốn kém, thừa hơi mà lại còn dở hơn?”- nhà thơ lên tiếng.
Rất có thể, bản dịch mới khi đưa vào sách giáo khoa dĩ nhiên cũng được sửa đổi, biên soạn mới thì kéo theo cả một dự án lớn, tốn kém, nhưng hiệu quả thì ngược lại, mà không ai lường trước được?
Câu hỏi đặt ra là, cả một đội ngũ gồm 9 chủ biên và biên tập viên, tại sao lại để lọt một bản dịch ngô nghê, nhiều sai sót như vậy, mà đến phút bị phát hiện, có người vẫn quanh co “không hề thay đổi ý nghĩa của bài thơ?”.
Với trình độ “phá nát” một bài thơ hay như thế, liệu có thể tin vào kiến thức cũng như khả năng biên soạn sách giáo khoa cho học sinh của họ?
Lần này, liệu cuốn sách giáo khoa của NXB Giáo Dục có bị thu hồi, như trường hợp sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” với bài đi trên mảnh thủy tinh “nổi tiếng”?
Năm nay là “năm hạn” của NXB Giáo Dục, bởi lẽ, từ từ, nhiều “lỗi hệ thống” dần dần được phơi bày qua phát hiện của phụ huynh và các nhà chuyên môn.