Về nơi thanh niên chực chờ ế vì... thiếu điện

Bình Minh |

Nằm cách đường dây điện cao thế chừng vài chục mét, nhưng đã chục năm nay, cả trăm người dân ở tổ 7, xóm Khả, xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình phải sống tù mù trong ánh đèn dầu. Thậm chí, không ít người trong số họ gặp khó khăn khi lập gia đình, vì các cô gái sợ phải làm dâu ở làng “cổ đại”.

Từng giờ, từng phút, người dân nơi đây mong mỏi được thấy ánh đèn điện để sớm chấm dứt tình cảnh mùa hè đến phải bỏ nhà ra suối, vào hang ngủ vì... nóng.

Làng “khát” điện giữa đại công trường thủy điện

Về tổ 7, xóm Khả, tận mắt chứng kiến mới thấy cuộc sống của hơn 20 hộ dân nơi đây cực khổ đến mức nào. Mới sẩm tối, nhưng cả tổ giống như một khu rừng sâu đen đặc, nằm lạc lõng với các làng khác.

Những ánh đèn dầu leo lét được bật lên nhưng không thể xua tan bóng tối đặc quánh giữa vùng sơn cước. Họa hoằn lắm mới có tiếng động phát ra từ chiếc đài radio của một số gia đình trong xóm.

Với người dân nơi đây, chiếc đài cũng chính là phương tiện duy nhất giúp họ biết chút thông tin ngoài kia. Đây là tình cảnh mà người dân phải chứng kiến suốt hơn chục năm qua.

Điều đáng nói, đường điện cao thế chỉ cách họ chừng vài chục mét. “Xóm trên, xóm dưới đều đã có điện dùng, còn ở đây thì...”, ông Bùi Văn Luyện - một cao niên tại xóm - ngậm ngùi.

Được biết, dân xóm Khả chủ yếu là thành phần giãn dân theo chủ trương của xã từ năm 2008, trong đó có một số hộ định cư từ trước, như nhà ông Luyện, bà Sáu...

Tới nay, đã ngót 20 năm họ sống trong cảnh tù mù ánh đèn dầu. Hỏi sao không phản ánh tới chính quyền xã, huyện, ông Luyện bảo, “hỏi rồi, xã bảo đã phản ánh với cấp trên, cấp trên bảo chờ ngành điện khảo sát rồi cho ý kiến”.

Phải đến khi người dân nghe thông báo trên đài truyền thanh của huyện nói Bắc Sơn 100% đã có điện, người làng mới... giật mình kéo nhau lên huyện hỏi cho rõ.

Hỏi ra mới hay, xã Bắc Sơn báo cáo là bà con đã có điện 100%, huyện chỉ nghe báo cáo nên mới ra cơ sự này (?!).

“Cũng mấy năm rồi, sau lần đó, cán bộ huyện nói sẽ cho người xuống làm việc, nhưng giờ chưa thấy gì”, một người dân cho hay.

Một ngày nơi đây cũng như bao nhiêu ngày khác, mọi sinh hoạt đều diễn ra gấp rút và cố làm xong trước khi bóng tối bao trùm.

Khi màn đêm buông xuống, nỗi khổ của người dân hiện lên rõ mồn một: Từ sinh hoạt đun nấu, ăn uống, đi lại đến việc học hành của lũ trẻ cũng chỉ có thể dựa vào ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu hay chiếc đèn pin đội đầu.

Cũng vì lí do không có điện mà nhiều hộ dân phải chuyển đi nơi khác, nhiều đứa trẻ bỏ cả việc đến trường.

Thiếu điện, tất cả mọi sinh hoạt của người dân đều dựa vào chiếc đèn dầu.

Tính riêng tiền dầu thắp sáng, một gia đình tiêu tốn khoảng 120.000 đồng/tháng, trong khi để mua được dầu về dùng cũng không phải là chuyện dễ dàng ở miền sơn cước.

Đem bức xúc này gửi tới chính quyền xã Bắc Sơn, chúng tôi được lãnh đạo xã cho biết, dự kiến cuối năm nay sẽ lắp đặt đường dây điện đến xóm.

“Hồi tháng 7 vừa rồi cũng có dự án nâng cấp điện cho xóm Khả, nhưng không hiểu vì lí do gì, điện vẫn chưa được cấp cho cả xóm”, ông Bùi Văn Tứ - Phó Chủ tịch xã - phân trần.


Anh Đỗ Đình Bắc kể: “Nhiều thanh niên cũng thời với anh đã ế vợ, anh may mắn khi lấy được một cô gái cùng làng”

Anh Đỗ Đình Bắc kể: “Nhiều thanh niên cũng thời với anh đã ế vợ, anh may mắn khi lấy được một cô gái cùng làng”

​Vào hang, ra suối ngủ vì... nóng

“Mùa khác còn đỡ, chứ mùa hè thì không thể chịu nổi. Hơn chục cái hè qua, chúng tôi đều phải ôm lấy quạt nan, đèn dầu để bầu bạn sớm tối.

Ngoài thời gian làm đồng, về đến nhà, sau khi nấu nướng xong là người người lại mang chiếu, bưng cơm vào hang sống tránh nóng” - đó là câu nói cửa miệng của người dân tổ 7, xóm Khả khi tiếp xúc với chúng tôi.

Nhưng, đó chỉ là một trong số vô vàn những câu chuyện không muốn kể về những khổ sở từ việc thiếu điện ròng rã cả chục năm nay của người dân nơi đây.

Từ chuyện dân làng ngập ngụa trong cái nghèo, vì tiền phải để dành để mua dầu đốt đèn; chuyện không thể làm kinh tế cho đến chuyện trẻ em bị ảnh hưởng việc học...

Tất cả đều xuất phát từ tình trạng thiếu điện - ảnh hưởng trực tiếp, cấp thiết đến kế sinh nhai, sức khỏe của người dân nơi sơn thôn.

Như muốn tạm quên đi những gánh nặng và góc tối do thiếu điện, ông Luyện vừa tếu táo vừa lại như than vãn về những nghịch lí do thiếu điện mang lại.

Điển hình như dịp hè, chẳng ai bảo ai, sau một ngày lao động, mọi người lại lũ lượt kéo nhau vào sâu trong hang hoặc ra ven bờ suối để hóng mát và ngủ qua đêm.

“Với nam, nữ thanh niên của làng, không ít đôi đã nên duyên trong tình trạng bất đắc dĩ như vậy”, ông Luyện kể.

Rồi, ông tiếp: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, làng vốn nhỏ, cả thảy chừng 100 mặt người, ai lớn, nhỏ ít nhiều đều biết nhau cả.

Không có trò gì tiêu khiển, đám trẻ ra suối lại được dịp tán gẫu nên nảy sinh tình cảm là lẽ thường tình”. Nói đoạn, ông trầm ngâm giây lát rồi lên tiếng:

“Như vậy mãi thì không được, người làng cứ lấy nhau, sao mà mong đổi đời, đổi giống được”.

Tôi hỏi: “Nói như ông, có nghĩa là bấy lâu nay, trai gái trong làng chưa biết mặt người lạ, vì cứ sinh ra, lớn lên là lại được dựng vợ gả chồng từ nguồn sẵn có?”.

“Không, chỉ từ khi các làng khác có điện, làng này không có điện nên mới thế thôi, chứ trước, chúng tôi vẫn lập gia đình với người xóm khác nữa”, ông Luyện phân trần.

Không có điện, đến cả chuyện dựng vợ, gả chồng nơi đây cũng khó, đặc biệt chuyện nên duyên với người làng khác càng khó.

Nhiều chàng trai đến tuổi lập gia đình, sang chơi ở xóm khác đều bị chê bai với lí do “lấy chồng về đấy để thành người cổ đại à?”.

Từng suýt... ế vợ vì làng không có điện, anh Đỗ Đình Bắc tâm sự, bản thân anh vẫn còn may mắn hơn nhiều thanh niên khác cùng thời khi lấy được một cô gái trong làng.

“Tủi hổ lắm, đi đến đâu, mình cũng bị gọi là “xóm tù mù”, “làng cổ đại”. Mà cực hơn là người ta không chịu quan hệ với mình, nên muốn mở mang kiến thức cũng khó”, anh Bắc cho biết.

Mấy năm gần đây, thanh niên trong làng không an phận nên rời quê xuống Hà Nội và một số tỉnh khác làm thuê. Ở nơi này, không khí còn trong lành, nên trai làng, gái làng vẫn giữ được nét đẹp riêng.

Có người tìm được người yêu và thoát ly, nhưng con số đó rất ít. Còn phần đông con trai làng, dù có tìm được người yêu nơi khác, nhưng khi dẫn người yêu về thăm nhà, trông gia cảnh hiện tại, hôn sự lại không thành.

“Con gái sau về nhà người, họ còn có điều kiện dạy, chứ ai dám chịu về làm dâu ở làng quanh năm tù mù này?”, bà Sáu than thở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại