Về nơi phụ nữ chiều chồng một cách kỳ lạ ở Phú Thọ

Binh Minh |

Không chỉ được biết đến là nơi có lễ hội phồn thực độc đáo có một không hai ở nước ta, vùng đất cổ Tứ Xã (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) còn lưu truyền nhiều câu chuyện về phong tục, tập quán lạ có tính chất li kì và nhuốm màu huyền thoại.

Một trong số đó là chuyện đàn ông ở đây được chiều chuộng, ưu ái một cách kì lạ, trong khi người phụ nữ, dù phải lao động gấp nhiều lần đàn ông, vẫn không hề có suy nghĩ so đo, oán trách.

Chiều chồng không đâu bằng

Tìm về xã Tứ Xã - địa danh nổi tiếng với lễ hội phồn thực độc đáo có một không hai của Việt Nam, không khí làng quê những ngày sau dịp lễ hội đã lắng lại, thâm trầm hơn.

Đâu đó, tiếng xẻ gỗ từ các xưởng nghề vang lên báo hiệu làng mộc Tứ Xã đã vào mùa.

“Người Tứ Xã không hay nhiều chuyện, nhất là phụ nữ, họ chỉ biết tập trung làm và hoàn thành công việc đến mức cao nhất, chứ ít khi chuyện trò, tán gẫu”, cụ Nguyễn Quang Toản (hơn 80 tuổi, một cao niên sống tại thôn Trám) cho chúng tôi biết.

Theo cụ Toản, nếu ví những người phụ nữ tại Tứ Xã như những “Hoa Mộc Lan” thời hiện đại thì cũng là xứng đáng.

“Còn nhiều chuyện mà người ngoài không thể biết, nếu không được người trong làng chỉ dẫn”, cụ Toản tiết lộ.

Những bật mí ít ỏi của cụ Toản càng khiến chúng tôi bị cuốn hút và mong được làm sáng tỏ câu chuyện.

Quả thực, sẽ là rất khó khăn để có thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ túm tụm chuyện trò, tán gẫu ở Tứ Xã.

Không chỉ có người lớn, tại đây, người ta cũng rất ít bắt gặp đám trẻ ở những quán game.

Khi được hỏi, em Vũ Thị Lưu (học sinh lớp 7) cho biết, ở làng, hầu hết những đứa trẻ tầm tuổi em đều làm việc phụ giúp cho bố mẹ, từ nội trợ cho đến đồng áng.

Khi được hỏi về thời gian dành cho vui chơi, Lưu cho biết, đó là lúc em ở trường hoặc là vào dịp lễ, tết, còn lại là phụ giúp gia đình.

Trông em hoàn toàn vui vẻ, không có sự khó chịu hay bực bội nào khi nói về những điều này.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ khó hiểu với những gì đang diễn ra ở nơi đây, cụ Toản vui vẻ cho biết, từ lâu, phụ nữ Tứ Xã luôn giữ được đức tính thủy chung, đảm đang và hết mực chiều chồng con.

Khi chưa có gia đình thì họ cố gắng đỡ đần bố mẹ bởi họ cho rằng, người đàn ông không phải làm những công việc lặt vặt hay việc đồng áng mà được ưu ái để dành trọn thời gian, trí lực cho công việc làm mộc hoặc nuôi rắn.

“Nếp nghĩ đó ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi người con sinh ra và lớn lên tại làng từ hàng trăm năm nay, đến giờ vẫn không thay đổi.

Điều đó lý giải những điều bất thường mà các anh nhận thấy khi về làng”, cụ Toản tiết lộ.

Như để minh chứng, cụ Toản dẫn chúng tôi qua nhà chị Lê Thị Hoài, một gia đình cùng thôn với cụ.

Dù đã quá 12h trưa, nhưng chị Hoài vẫn tất bật với công việc chuẩn bị thức ăn cho mấy bầy rắn nuôi, tạm thay cho người chồng đang đi giao hàng xuống tận Gia Lâm (Hà Nội).

Chị Hoài đon đả mời mấy ông cháu vào nhà, nhưng chị xin phép vừa làm việc, vừa tiếp chuyện chúng tôi. Thấy chị luôn tay với công việc, tôi hỏi:

“Việc hôm nay gấp hay sao mà giờ chị vẫn chưa được nghỉ?”. Chị nói: “Việc của chị hôm nào cũng thế.

Những phụ nữ gốc tại làng, ít người có thói quen nghỉ trưa, nếu không việc đồng thì việc nhà cửa, con cái”.

Tôi tò mò hỏi nhỏ: “Có ai ép chị không, sao chị phải vất vả thế?”. Chị Hoài tươi cười đáp: “Ai ép đâu em, cả làng này, phụ nữ đều vậy.

Mình phải vất vả để chồng còn toàn tâm vào công việc chứ!”.

Được biết, bản thân chị Hoài phải đảm đương 6 sào ruộng, lo việc nội trợ, việc học của con cái, ngoài ra, chị còn phụ giúp chồng tại xưởng mộc và chăm mấy đàn rắn.

Thấy chúng tôi hỏi chuyện, bé Nguyễn Thị Ngà (con chị Hoài) ngồi gần đó nhanh nhảu: “Chú không phải lo đâu, nhà các bạn cháu, mẹ các bạn cũng như vậy thôi ạ”.

Đàn ông ở Tứ Xã luôn mong muốn lấy con gái ở làng làm vợ. (ảnh chụp từ một đám cưới tại Tứ Xã). 

Trai làng chỉ thích lấy gái làng

Với những người phụ nữ ở thôn Trám, người đàn ông luôn có một vị trí đặc biệt và luôn được hưởng một sự kính trọng nhất định.

Dù thời gian làm việc của những người phụ nữ nơi đây là 10 - 12 giờ/ngày, nhiều hơn bất cứ người đàn ông nào, nhưng bản thân mỗi người đều thấy vui và chưa từng than thân trách phận.

“Chúng tôi tự hào về phẩm chất hiếm có của những người phụ nữ quê hương, dù rằng, người đàn ông hiện đại cũng đã ý thức san sẻ công việc với vợ hơn trước đây”, cụ Toản cho biết.

Khi được hỏi, những đức tính của người phụ nữ ở Tứ Xã có liên quan gì đến lễ hội phồn thực độc đáo có một không hai tại làng, cụ Toản hóm hỉnh nói:

“Nói không thì không phải, mà sự thực là có đấy, chỉ tiếc đến giờ, chúng tôi vẫn chưa thể tìm lại những giấy tờ ghi chép thất lạc về tín ngưỡng này cũng như mối liên hệ của nó với cuộc sống đương đại”, cụ Toản cho hay.

Ông Nguyễn Thành Ngữ - người trông coi miếu Trò - cho rằng, đức tính của người phụ nữ Tứ Xã nói chung, thôn Trám nói riêng, chính là thừa hưởng từ bà Ngô Thị Thanh - con gái của ông Ngô Quang Điện, người được dân làng Tứ Xã tôn làm Thành hoàng làng.

Bà Thanh cũng là người đã xây dựng lên miếu Trò và sáng tạo ra tục trò trong lễ hội hiện nay.

Theo ông Ngữ, thần phả của làng Tứ Xã còn ghi rõ, bà Thanh sống vào khoảng thời gian cách đây 700 năm, là người đẹp có tiếng trong vùng.

Gần hết tuổi xuân, bà vẫn chưa tìm được người con trai nào vừa ý, nên quyết định ở vậy cùng cha mẹ và giúp đỡ người dân khai khẩn đất hoang, dạy họ trồng trọt.

“Đức tính đảm đang, hết mực chăm lo, vun vén cho gia đình ấy đã được người phụ nữ Tứ Xã hôm nay kế thừa, phát huy trọn vẹn”, ông Ngữ cho biết.

Bởi thế, ngay từ nhỏ, những đứa trẻ trong làng đã sớm được truyền dạy và thấu tỏ nếp sống từ ngàn đời xưa.

Những người con gái của làng luôn tâm niệm là lớn lên sẽ lấy trai làng làm chồng và trai làng cũng như vậy.

Đến nay, dù phong tục đã phần nào mai một, song với những người con trai đến tuổi dựng vợ, những cô gái trong làng vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên.

Xung quanh tục lệ này, người dân còn tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị khác như:

Con trai trong làng khi đưa người yêu ở địa phương khác về ra mắt thường bị gia đình “soi” và yêu cầu rất kĩ.

Nhưng nếu là con gái trong làng thì tình yêu của hai người sẽ nhanh chóng nhận được sự đồng thuận và vun vén, rất hiếm trường hợp bị phản đối.

Bản thân cụ Toản, ông Ngữ đều lấy vợ là người trong làng.

“Từ thời còn trẻ, chúng tôi đã ý thức rằng, phụ nữ trong làng chính là người xứng đáng để lấy làm vợ nhất mà không cần phải nhọc nhằn đi tìm kiếm đâu xa”, cụ Toản cho biết.

Chính vì vậy, từ xưa đến nay, việc định hướng cho con cái tìm người yêu là người trong làng Tứ Xã luôn được chú trọng.

Trong thôn Trám, phần lớn các cặp vợ chồng đều là người cùng làng, hiếm hoi lắm mới có người đi làm ăn xa và lập gia đình với người khác làng.

Nói về nét văn hóa và những đức tính hiếm có của người phụ nữ Tứ Xã, ông Nguyễn Hữu Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND xã - hồ hởi cho biết, đây là niềm tự hào của người Tứ Xã từ bao đời nay.

Bản thân ông Thủy cũng lấy vợ tại làng và ông cho biết, địa phương sẽ tuyên truyền để các thế hệ trẻ của làng gìn giữ, phát huy những phẩm chất tốt đẹp mà những phụ nữ ở địa phương đang có.

Tứ Xã không chỉ thú vị bởi đây là quê hương của ông Tổng Cóc - chồng bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương - mà còn là nơi có lễ hội Trò Trám độc đáo, nơi có nghề mộc, nghề nuôi rắn nổi tiếng bậc nhất đất Bắc.

Những nét đẹp trong phong tục, tập quán và phẩm chất cao quý của người phụ nữ Tứ Xã cũng góp phần nhân lên vẻ đẹp của một miền quê còn chứa đựng bao điều thú vị chưa được khám phá này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại