Vây bệnh viện, đánh bác sĩ: "Dân dùng luật rừng để tự bảo vệ"

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Hành hung y, bác sĩ sẽ gây nên những áp lực cho ngành y tế và người chịu thiệt đầu tiên chính là bệnh nhân.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ người nhà bệnh nhân manh động, hành hung y, bác sĩ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khiến ngành y tế... “dậy sóng”. Những điều này đã thực sự khiến GS, BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật Tim mạch & Lồng ngực Việt Nam không khỏi trăn trở. Bởi lẽ, suốt những năm tháng GS cầm dao mổ, chưa khi nào ông gặp những tình huống như thế.

GS, BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật Tim mạch & Lồng ngực Việt Nam
GS, BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật Tim mạch & Lồng ngực Việt Nam

Có lẽ do thời cuộc. Ngày nay đạo đức, nếp sống văn hóa trong xã hội có nhiều thay đổi và chuyện đánh nhau, hành hung cũng xảy ra thường xuyên hơn”, GS Đệ tâm sự.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới những vụ hành hung trên, GS đưa ra quan điểm: Thứ nhất, do tinh thần trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ ngày nay khác xưa. Nhiều khi họ làm nhưng không thấy hết được trách nhiệm của mình trước người bệnh. Cũng có khi họ làm vì động cơ khác mà bằng mắt thường, dư luận xã hội không thể nắm bắt được.

Thứ hai, do sự phát triển nhanh chóng của truyền thông đại chúng, các thông tin được phát hiện và lan truyền nhanh chóng nên bất kì sai phạm nào cũng khó được che đậy. Nhiều sự việc còn mang hiệu ứng xã hội, có tác dụng lâu dài và trở thành “kinh nghiệm” cho những trường hợp tương tự.

Nhưng trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về người làm công tác y tế. Khi đã hành nghề với xã hội, không kể là bác sĩ hay kĩ sư, luật sư... ai cũng phải có lương tâm. “Nhưng có lẽ vì liên quan tới sức khỏe con người nên ngành y tế mới xảy ra nhiều biến động như thế”, GS Đệ chia sẻ thêm.

Nói về những áp lực với các bệnh viện từ sau những vụ hành hung y, bác sĩ của người nhà bệnh nhân, GS Đệ nói: "Áp lực nặng nề lắm. Nước ta có hệ thống pháp luật là để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Nhưng dân mình lại đang dùng “luật rừng” để bảo vệ mình. Với cách hành xử ấy, người chịu thiệt đầu tiên chính là người bệnh chứ không phải ai khác".

Phân tích về điều này, GS Đặng Hanh Đệ dẫn chứng: Việc dùng “bạo lực” của người nhà bệnh nhân sẽ dẫn tới việc các bác sĩ không còn đủ dũng cảm để chịu trách nhiệm trước một ca mổ. Thậm chí có thể tạo tâm lý đùn đẩy ca mổ ấy cho người khác.

Và để giải tỏa những bức xúc đang trở thành tâm bão của ngành y tế, GS Đặng Hanh Đệ đưa ra nhận định: Nếu các sự việc chỉ dừng lại ở mức thông tin, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chưa có sự phân tích của Cục điều trị Bộ Y tế thì sẽ không thể làm dịu dư luận. Cái tôi muốn nói ở đây chính là sự “nhạy cảm”, “linh hoạt”, “khôn ngoan” trong từng sự việc của bộ máy lãnh đạo. Người lãnh đạo phải thấy được những vấn đề gì nếu không giải quyết ngay lập tức sẽ tạo sóng dư luận.

Và GS Đệ nhấn mạnh thêm: Người bệnh hay người nhà bệnh nhân nếu thấy đội ngũ y, bác sĩ có cái “tâm” thì họ cũng sẽ không gây căng thẳng để dẫn tới những vụ hành hung đang tạo thành tiền lệ trong ngành y như thời gian gần đây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại