Vấn nạn ngôn ngữ nói tục, chửi thề trong giới học sinh

thuhoe |

“Trà đá nói tục, trà chanh chửi thề”, “giàu có không bằng chém gió vỉa hè”… đang ngày càng trở thành trào lưu ưa thích của giới trẻ hiện đại.

“Trà đá nói tục, trà chanh chửi thề”, “giàu có không bằng chém gió vỉa hè”… đang ngày càng trở thành trào lưu ưa thích của giới trẻ hiện đại. 

Việc từng tốp, từng nhóm học sinh THCS, THPT mỗi khi tan học tụ tập quán nước vỉa hè “phun châu, nhả ngọc” tưng bừng khiến dư luận phải đặt dấu hỏi. Phải chăng văng tục, nói bậy, chửi thề đã và đang ăn sâu vào từng lời ăn tiếng nói của học sinh? Phải chăng, gia đình và nhà trường đang không làm tốt thiên chức giáo dục uốn nắn hành vi cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời?... PV đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng tiến sỹ văn học Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

-Thưa TS. Trịnh Thu Tuyết! Bà có quan điểm và nhận định như thế nào về xu hướng “trà đá nói tục, trà chanh chửi thề” đã và đang được một bộ phận không nhỏ gưới trẻ hiện nay coi đó là trào lưu?

TS. Trịnh Thu Tuyết: Nói tục chửi bậy là biểu hiện xuống cấp của nhân cách mỗi con người. Khi sự xuống cấp của nhân cách con người trở thành trào lưu phổ biến trong xã hội thì đó chính là sự xuống cấp đáng buồn của đạo đức xã hội.

-Trên góc độ một người thầy, bà suy nghĩ gì về hiện tượng học sinh tụ tập văng tục, chửi thề, nói xấu thầy cô giáo ngay trước cổng trường?

 TS. Trịnh Thu Tuyết: “Học sinh- thầy cô giáo- nhà trường” - đó là những nhân tố chính trong hoạt động giáo dục của mỗi xã hội. Hiện tượng học sinh tụ tập văng tục, chửi thề, nói xấu thầy cô giáo ngay trước cổng trường là biểu hiện đáng lo ngại của hoạt động giáo dục xã hội.

-Theo bà, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này được bắt nguồn từ đâu?

TS. Trịnh Thu Tuyết: Trên góc nhìn của một người thầy, tôi luôn cho rằng nhân cách mỗi học trò khởi thủy đều là những trang giấy trắng. Những dòng chữ được viết trên trang giấy là kết quả của quá trình tu dưỡng cá nhân và những tác động tự phát hoặc tự giác của môi trường sống xung quanh các em. Vì thế, người lớn chúng ta có một phần trách nhiệm không hề nhỏ đối với hiện tượng xã hội trên.

Việc học sinh văng tục, chửi thề là biểu hiện của sự băng hoại trong nếp sống văn hóa, văn minh. Sự băng hoại có nguồn gốc từ khả năng nhận thức về giá trị cá nhân, ý thức tự tôn, lòng tự trọng, tâm lí đua đòi, bắt chước - bắt chước từ bạn bè đến người lớn xunng quanh!…

Còn hiện tượng học sinh tụ tập văng tục, chửi thề, nói xấu thầy cô giáo ngay trước cổng trường lại cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ. Trước hết, đó là biểu hiện không thể chấp nhận về sự xuống cấp nghiêm trọng trong đạo đức, nhân cách của học trò, đi ngược lại truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, một hiện tượng làm đau lòng tất cả mọi lương tri.

Tuy nhiên, khi học trò coi việc văng tục, chửi thề, nói xấu… là cách để các em bộc lộ sự bất bình của mình với thầy cô thì dù cách bộc lộ ấy rất tiêu cực, thậm chí là biểu hiện kém cỏi về nhân cách, chúng ta cũng vẫn phải nhìn lại nguồn gốc sâu xa của hiện tượng này.

Nếu sự bất bình của các em có nguyên nhân từ nhận thức thì nhiệm vụ của chúng ta là giúp học trò thay đổi nhận thức sai lầm, hạn hẹp của mình. Nếu sự bất bình của các em có nguyên nhân từ những khiếm khuyết có thật của người lớn thì việc đầu tiên trước khi giáo dục các em, chúng ta phải trung thực nhìn lại chính nhân phẩm của mình.

Một học sinh có khả năng nhận thức và có nhân cách đúng đắn sẽ không bao giờ văng tục, chửi thề, nói xấu thầy cô, nhưng như thế không có nghĩa là các em vẫn giữ được lòng kính trọng với những người thầy không còn đáng kính trọng.

Hiện tượng dùng điểm số làm áp lực, bắt ép học sinh học thêm, không giữ chuẩn mực trong tác phong, trang phục, lời nói, cách sống, không có ý thức trau dồi năng lực chuyên môn, nghiệp vụ… Đây là những thực tế vẫn tồn tại đâu đó trong học đường khiến học sinh mất dần niềm tin và sự kính trọng với thầy cô - những người luôn cần có một phương tiện giáo dục lớn nhất là nhân cách của chính mình!

Vấn nạn ngôn ngữ nói tục, chửi thề trong giới học sinh 1
TS. Văn học Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Ảnh internet)

-Thưa TS. Trịnh Thu Tuyết! Việc học sinh văng tục, chửi bậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển nhân cách và tâm sinh lí của các em?

TS. Trịnh Thu Tuyết: Khi các em quen dần với việc sử dụng những hình thức ngôn ngữ dơ dáy để bộc lộ suy nghĩ, đánh giá, nhận xét hay xúc cảm với thế giới xung quanh, các em sẽ mất dần khả năng phân biệt tốt - xấu, sạch- bẩn…Và các em sẽ nhiễm độc trong khí quyển ô nhiễm do cả mình và xã hội tạo nên!

-Có nhiều ý kiến cho rằng, buông lỏng giá trị ngôn ngữ sẽ dẫn đến việc buông lỏng giá trị hành vi của con người, bà nhận định như thế nào về điều này? Phải chăng, chúng ta nên có một chế tài nào đó với những trường hợp học sinh này?

TS. Trịnh Thu Tuyết: Ngôn ngữ là vỏ tư duy, là thước đo văn hóa, là phương tiện giao tiếp giữa con người với con người. Khi tư duy lệch lạc, văn hóa xuống cấp, phương tiện giao tiếp méo mó…thì đương nhiên không thể có những hành vi tốt đẹp làm nên giá trị con người.

Nhà trường đã có những chế tài nhất định khi đánh giá hạnh kiểm của các em dựa vào những biểu hiện của hành vi, lời nói, kết quả tu dưỡng, rèn luyện…Tuy nhiên, không một chế tài nào có hiệu quả bằng những tác động tích cực của giáo dục xã hội, dư luận xã hội.

-Đặt trường hợp bà là chủ thể bị chính học sinh của mình mang ra bàn luận, đánh giá, nói xấu trong các cuộc tụ tập trà đá, trà chanh, bà sẽ có những ứng xử như thế nào?

TS. Trịnh Thu Tuyết: Đây là việc tôi chưa từng gặp. Thế nhưng giả sử gặp tình huống ấy, tôi nghĩ mình nên lặng lẽ tránh đi, không đẩy các em vào tình thế khó xử. Sau đó bình tĩnh suy xét một cách khách quan những lời nói của các em. Nếu đó là sự hiểu lầm, nên trao đổi thẳng thắn để giải tỏa. Nếu đó là sự thật thì chỉ có duy nhất một cách là thừa nhận khiếm khuyết của mình trước khi góp ý với các em về cách nói và nơi nói!

-Thưa TS. Trịnh Thu Tuyết! Thời đi học của bà có hiện tượng học sinh tụ tập văng tục, nói bậy, bình luận, nói xấu thầy cô giáo của mình không?

TS. Trịnh Thu Tuyết: Có lẽ thời của chúng tôi thế giới chưa phẳng như bây giờ, thầy cô với chúng tôi luôn là những thần tượng để kính nhi viễn chi!

-Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!


 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại