Phát cả loa truyền thanh tuyên truyền dùng bia
Những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm đến việc nhiều văn bản “lạ” do chính quyền địa phương ở Hà Tĩnh ký, yêu cầu các nhà hàng đẩy mạnh và ưu tiên dùng bia Sài Gòn.
Theo nội dung trên văn bản, các nhà hàng phải cam kết ưu tiên sử dụng, tích cực mời chào để người tiêu dùng tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm trên nhằm góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, chung tay xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Chưa dừng lại tại đó, nhiều xã còn tổ chức phát loa truyền thanh, xây dựng chương trình văn nghệ tuyên truyền cho việc ưu tiên dùng bia Sài Gòn.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc tỉnh Hà Tĩnh đưa ra các văn bản này là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, thậm chí là vi Hiến.
"Theo quy định của Hiến pháp thì tất cả mọi công dân, tổ chức, các thành phần kinh tế khác có quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh nên việc tỉnh Hà Tĩnh ban hành các văn bản này là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp.
Đồng thời, hành vi này cũng vi phạm nghiêm trọng Luật cạnh tranh, thương mại và các quy định khác, bởi lẽ, sự đa dạng của tất cả các địa phương, với các ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó, có cung ứng dịch vụ.
Việc Hà Tĩnh đưa ra văn bản này cho thấy tính chất địa phương và làm cản trở lưu thông hàng hóa, tạo sân chơi không bình đẳng
Cùng với đó, điều này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng hay người tiêu dùng không được hưởng lợi ích của việc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ", luật sư Thiệp nói.
Cũng theo luật sư Thiệp, việc làm của tỉnh Hà Tĩnh sẽ tạo thành một tiền lệ rất xấu và nếu tất cả các tỉnh thành đều làm như vậy thì sẽ không còn sự lưu thông hàng hóa.
"Nếu việc làm như ở Hà Tĩnh xảy ra ở nhiều nơi khác thì khi đó, các cơ quan chức năng của chúng ta có thể sẽ không còn giá trị mà chỉ cần một cơ quan chuyên biệt về việc này.
Ở đây, Hà Tĩnh đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của thương mại và việc chỉ ưu tiên một doanh nghiệp rõ ràng là không bình thường.
Điều này đã tạo nên một hàng rào nhưng không phải là kỹ thuật hay thuế quan mà là một dạng hàng rào hành chính, chính trị. Từ việc này cũng gây ra một tác hại nghiêm trọng đối với hình ảnh cũng như quá trình thu hút đầu tư của Hà Tĩnh.
Và nguy hiểm hơn, nếu việc làm như ở Hà Tĩnh lan rộng ra thì sẽ khiến sự cạnh tranh mất đi và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế chung", Luật sư Thiệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng nhấn mạnh, việc làm của Hà Tĩnh là chủ trương "thụt lùi", hành vi vi Hiến, cản trở quá trình hội nhập, phát triển kinh tế thị trường.
" Việc làm này đã tạo ra sự "cát cứ" manh mún trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có xu hướng trở lại thời kỳ bao cấp, tự cấp tự túc... đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Vụ việc này cần được cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ và xử lý theo pháp luật.
Nếu phát hiện trong vụ việc này có sử dụng quyền lực để ép buộc các cán bộ, cá nhân, tổ chức… phải sử dụng một sản phẩm thì hành vi ép buộc này là vi phạm pháp luật", luật sư Cường bày tỏ.
Có thể khởi kiện
Theo luật sư Cường, với việc uống bia rượu thì không nên khuyến khích mà cần phải động viên hạn chế sử dụng bia rượu vì sức khỏe và yêu cầu công việc.
"Nếu khuyến khích sử dụng bia rượu là không nên, đặc biệt khuyến khích sử dụng bia rượu của một hàng bia cụ thể nào thì lại càng không nên, thậm chí hành vi khuyến khích này còn vi phạm pháp luật (luật cạnh tranh). .
Động viên, khuyến khích cán bộ, người dân tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư, kinh doanh là tốt, nên làm để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Còn việc UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan tổ chức "cam kết" sử dụng hàng sản xuất trong địa bàn tỉnh là hành vi vi phạm pháp luật.
Xâm phạm quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cá nhân của cá nhân, tổ chức đã được pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ", Luật sư Cường nói.
Việc chỉ đạo của Hà Tĩnh sẽ không giúp kinh tế địa phương phát triển mà chỉ làm phát triển tư duy khoanh vùng, cát cứ, tự cấp tự túc... làm chậm phát triển xã hội.
"Đồng thời, không tiếp thu được những giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội của các vùng miền khác, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, vi phạm luật cạnh tranh.
Vì vậy, động cơ mục đích của các ý kiến chỉ đạo ở đây là gì thì cần phải làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Nếu qua kiểm tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền xác định nơi đây có hành vi "ngăn sông cấm chợ", vi phạm luật cạnh tranh, vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thì cần phải xử lý các cán bộ có liên quan", luật sư Cường bày tỏ.
Luật sư Thiệp cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp khác hoàn toàn có thể kiện văn bản này của Hà Tĩnh ra Hội đồng cạnh tranh Quốc gia hoặc Tòa án nhân dân.
"Việc làm của tỉnh Hà Tĩnh cần phải bị xử lý bằng pháp luật. Các hãng bia khác đều có quyền khởi kiện các văn bản này ra Hội đồng cạnh tranh Quốc gia và dựa trên thiệt hại chứng minh được thì họ có thể khởi kiện ra tòa án đòi bồi thường", Luật sư Thiệp bày tỏ.