Ước mơ kiếm tiền giản dị của những đứa trẻ ven sông Hồng

Thiên Di |

(Soha.vn) - Không ước mơ làm bác sỹ, công an, thầy giáo hay giám đốc… những đứa trẻ nhập cư sống ven sông Hồng chỉ nghĩ lớn lên mình sẽ đi làm thuê.

9 – 10 tuổi đã đi làm thuê

Tìm đến làng chài An Xá trong buổi chiều rét mướt đầu năm. Rẽ vào chợ Long Biên, chúng tôi men theo phố Phúc Xá, dò hỏi đến với khu An Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) - là chỗ ở của các hộ dân tỉnh lẻ lên thành phố mưu sinh.

Bước vào khu dân cư, đập vào mắt là những ngôi nhà nhỏ, tạm bợ, xập xệ, thiếu ánh sáng, chừng gần 10 mét vuông nằm san sát vào nhau. Đó là nơi được các hộ dân tỉnh lẻ tứ phương từ Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây cũ…thuê để ở, sinh hoạt nhiều năm nay. 

Họ làm đủ nghề như xe ôm, bán gà, đạp xích lô, chở rau thuê, bốc hoa quả…và họ dựa dẫm vào nhau để sống.

Theo bố mẹ từ Nam Định lên đây từ năm 6 tuổi, Vũ Xuân Trường (10 tuổi) đang theo học lớp 5 Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, Long Biên, Hà Nội. Cuộc sống hàng ngày của cậu bé này gắn liền với công việc đạp xích lô chở rau ở chợ, nấu cơm cho bố mẹ và trông đứa em nhỏ gần 3 tuổi.

Em Vũ Xuân Trường (10 tuổi), học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, Long Biên hàng ngày ngoài giờ học, em đạp xe xích lô chở thuê rau ngoài chợ.

Nhìn vóc người khá to lớn, khỏe mạnh của em, khuôn mặt em, tôi cứ ngỡ em đã trên 15 tuổi, em trưởng thành hơn đứa trẻ bình thường. Trường kể, hàng ngày em đi làm xích lô từ 12h trưa đến 7h tối, được chia làm hai ca, hai chuyến 25 nghìn đồng và 35 nghìn đồng.

“Bạn Tiến Đạt học cùng lớp với em thì đi kéo hoa quả ở chợ Cống Thối buổi tối được 100.000 đồng/đêm. Còn em chỉ kiếm được 45 – 50 nghìn đồng/ ngày thôi. Bố của em làm 3 nghề, vừa đạp xích lô, xe ôm, còn tối thì đi chở giấy từ 4h sáng đến 7h, 8h sáng mới về, ngủ được 1 – 2 tiếng, bố lại đi làm ở chợ”, Trường ngậm ngùi cho biết.

Một ngày, Trường chở rau cho những người dân ở chợ Phúc Xá để kiếm tiền cho bố mẹ. Trường nói rằng, mình không thấy mệt khi làm công việc nặng nhọc này.

 Nhìn thấy chúng tôi, những đứa trẻ quấn quýt chơi cùng bởi chúng bảo ở đây chẳng có ai chơi cùng, trẻ con cũng chẳng có đồ chơi như các bạn bè trên lớp. Nếu không đi học thì chúng sẽ theo bố mẹ chơi ngoài chợ hay chạy quanh khu rác thải, ven sông Hồng…

Em Hoàng Văn Hoan và Lã Thanh Tùng đều là học sinh lớp 3A4 Trường Tiểu học Nghĩa Dũng. Hai em quê ở Hải Lộc, Nam Định lên Hà Nội từ khi học hết lớp nhà trẻ 5 tuổi. Mẹ hai em đều đi bán gà ở chợ 19 (chợ nhỏ ở Phúc Xá – PV). Và nhà Tùng, cả ông bà ngoại cũng lên làm thuê trên này, còn bố thì đi xe ôm.

Hoàng Văn Hoan (phải) đang chơi cùng em họ ở bãi ven sông Hồng.

Hoàng Văn Hoan (phải) đang chơi cùng em họ ở bãi ven sông Hồng.

Trong căn nhà nhỏ hơn 10 mét vuông ấy, Tùng đang tranh thủ thời gian bố mẹ đi làm để ngồi nhà học. Trên bức tường đã cũ kỹ, những bức vẽ ngộ nghĩnh, tờ giấy khen học sinh giỏi của Tùng đã phủ bụi từ lâu. Tùng nói rằng thích ở quê hơn trên này.

“Trên này chán lắm. Cháu đi học toàn bị các bạn nhà giàu bắt nạt, cháu đánh nhau vì bạn ấy chửi tên bố mẹ cháu. Cháu thích ở quê vì cháu được đi câu cá, chăn trâu cùng các bạn…”, Tùng nói.

Ước mơ được làm…thuê

Đó là lời nói ngây ngô, hồn nhiên, thật thà của em Hoàng Văn Hoan khi chúng tôi hỏi về ước mơ khi lớn lên được làm nghề gì. Đa số những đứa trẻ ấy đều im lặng hoặc lắc đầu trả lời: “Cháu chưa nghĩ ra” hay “Cháu không biết”.

Gặng hỏi mãi thì Hoan nói: “Cháu chỉ làm nông dân, thích được làm thuê như bố mẹ cháu là có tiền để ăn rồi”. Hoàn kể thêm rằng, mẹ đang bị ung thư phổi nhưng không thấy mẹ đi bệnh viện, người ta chỉ hẹn mẹ đến ngày chữa. Suy nghĩ một hồi, Hoan thỏ thẻ: “Cháu muốn làm bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ cháu. Bệnh mẹ cháu nặng lắm”.

Còn Tùng vội vàng khoe: “Cháu thích nhiều nghề lắm. Cháu thích được đi chăn bò. Cháu chưa nghĩ được, nhưng cũng thích làm công an để bắt cướp”.

Em Tùng (lớp 3) đang học trong khi chờ bố mẹ đi làm thuê về. Ở nhà Tùng còn tự mình cắm cơm trước giúp bố mẹ.

Khi hỏi Trường – là đàn anh của những đứa trẻ ở đây bởi cậu là người khỏe nhất, đi kiếm tiền được cho bố mẹ hàng ngày bằng chiếc xe xích lô, cậu trả lời: “Theo nghề bố là cùng. Bố đặt đâu thì ngồi đấy. May mắn thì làm lái xe taxi”.

Ở khu ổ chuột này, quanh năm họ sống dựa vào đồng lương ít ỏi qua việc còng lưng làm thuê ngày đêm ở chợ. Họ làm trăm thứ nghề để mưu sinh... Khi màn đêm buông xuống, bố của Trường, những người dân, thậm chí là những đứa trẻ đang tuổi đi học lại gồng mình chống rét, hòa mình vào nhịp sống ở chợ, phố xá kiếm mấy chục nghìn.

Thiết nghĩ, con đường học hành của những đứa trẻ này sẽ đi đâu về đâu? Hay sẽ làm “đủ nghề” như bố mẹ của chúng?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại