Tỷ phú kín tiếng nhiều lần được vinh danh
Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ thuộc vào loại hàng đầu của Việt Nam.
Nhắc đến hãng, nhiều người tiêu dùng Việt sẽ liên tưởng đến những cô tiếp viên chân dài, ăn mặc theo nhiều phong cách khác nhau, thậm chí diện cả bikini lên máy bay.
Lý giải về quyết định này, CEO Vietjet cho biết: “Bạn có quyền mặc mọi thứ mình thích, dù là bikini hay áo dài.
Chúng tôi không quan tâm tới việc mọi người sẽ liên tưởng hình ảnh của Vietjet Air với bikini. Miễn là mọi người cảm thấy vui, chúng tôi cũng hạnh phúc”.
Tuy nhiên, điều thu hút được sự chú ý hơn của nhiều người lại là lý lịch của vị “đại gia” đang điều hành, nâng đỡ cũng như phát triển Vietjet lên tầm cao như hiện tại.
Người quyền lực đó không phải ai khác, chính là nữ doanh nhân đã từng được Tạp chí Forbes ngợi ca, bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Mặc dù nắm trong tay số tài sản khổng lồ nhưng những thông tin liên quan đến cuộc sống đời tư của bà Thảo xuất hiện trên truyền thông là khá ít ỏi.
Trong phiên bản Forrbes tiếng Việt, số ra lần đầu tiên năm 2013, bà được giới thiệu:
“Ngoài công việc điều hành Sovico, doanh nghiệp hoạt động đa ngành ở 10 quốc gia, bà Phương Thảo còn giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank) và phó chủ tịch HĐQT hãng hàng không Việt Nam Vietjet Air.
Tại Việt Nam, tập đoàn có vốn điều lệ 1 nghìn tỷ đồng này đầu tư vào ngân hàng, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch hàng không.
Năm 2012, khi nền kinh tế gặp khó khăn, HDBank lãi 422 tỷ đồng, với mức tăng tín dụng khoảng 25%. Vietjet Air sau 18 năm hoạt động chiếm 16% thị phần, tính đến 12/2012, theo số liệu tự công bố”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Mới đây nhất, trong danh sách 20 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016, bà Thảo lại 1 lần nữa được vinh danh.
Theo Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những doanh nhân năng động nhất trong thế hệ doanh nhân khởi nghiệp ở Đông Âu.
Và trong một thông báo, Bloomberg Billionaires gọi bà Thảo là "the first woman self-made billionaire of Vietnam" - Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam.
Bởi lẽ, nếu Vietjet tiến hành IPO thì tổng tài sản của bà lên đến hơn 1 tỷ USD, bà cũng sẽ trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam.
“Bệnh của những người phụ nữ nhỏ bé”
Người ta chỉ thấy hình ảnh của bà Thảo trong các sự kiện lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh của Vietjet như lễ ký kết mua 100 máy bay với giá trị lên đến 9 triệu USD hồi năm 2013 của Vietjet.
Chính vì vậy, con người bà cũng chỉ được mọi người hình dung qua cách làm việc cũng như qua những phát ngôn của bà.
Bài phát biểu trên Bloomberg mới đây, bà Thảo cho mọi người thấy được tham vọng của một doanh nhân không chỉ là kiếm được nhiều tiền mà còn biết chăm lo cho những người lao động. “Tôi không bao giờ ngồi và tính toán tài sản của mình.
Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào thúc đẩy tốc độ phát triển của công ty, làm sao để tăng lương cho nhân viên, làm thế nào để Vietjet có thể giành được nhiều thị phần hơn và làm sao để chúng tôi có thể trở thành hãng hàng không số 1”, bà nhấn mạnh.
Bà cũng từng chia vực sẻ khát khao đưa Vietjet Air trở thành hãng hàng không tầm cỡ của khu vực, trở thành “Emirates của châu Á”.
“Giấc mơ của chúng tôi là làm sao để hàng triệu người dân Việt Nam đều được đi máy bay...
Giấc mơ của chúng tôi sau 5 năm Vietjet có thể chuyên chở được 50 triệu lượt khách trong đó hơn 5 triệu khách lần đầu tiên được đi máy bay”. Để làm được điều này, theo bà thì phải dẫn đầu và chấp nhận rủi ro đã có tính toán.
Như cách nói ví von của bà trong hội thảo “Kịch bản bản kinh tế Việt Nam 2016 – Tăng trưởng kinh tế và Phát triển Đầu tư trong bối cảnh hội nhập” thì hoài bão này là “ước mơ lớn là bệnh của những người phụ nữ nhỏ bé”.
Để thực hiện tham vọng này, Vietjet trong thời gian qua đã liên tục tăng vốn điều lệ. Trong vòng 6 tháng, hãng đã tăng vốn từ 800 tỷ lên 1.450 tỷ đồng.
Năm 2015 cũng là một năm gặt hái được nhiều thành công của hãng hàng không giá rẻ này. Hãng đã phục vụ 9,3 triệu lượt khách trong năm 2015, tăng 66% so với năm 2014.
Doanh thu tăng 205% vào năm ngoái, lên mức 10,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 488 triệu USD); thu nhập ròng tăng gần 1 nghìn tỷ đồng.
Biểu đồ công suất ghế mỗi tuần của Vietjet (Nguồn: CafeBiz/TTVN)
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matcơva, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động Trường Kinh tế Quốc dân Matcơva.
Đồng thời bà cũng là Ủy viên sáng lập Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên Bang Nga.
Bà hiện đang đảm nhận vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air, và là cổ đông sáng lập của Sovico Holdings.