Trong buổi hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” do Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng phối hợp với công ty Bước Tiến Mới tổ chức tại Đà Lạt cách đây chưa lâu, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐH Quốc gia TP. HCM) đã cung cấp những con số giật mình: Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục thực hiện năm 2008, tỷ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%.
Con số này khiến dư luận, đặc biệt là bậc cha mẹ học sinh, hoang mang lo lắng về sự tác động của xã hội, sự thay đổi môi trường, điều kiện sống đối với sự phát triển tâm lý của con em mình.
Nói dối trở thành “kỹ năng sống” để đối phó với đời?
- GS đánh giá như thế nào về tỷ lệ nói dối của học sinh, sinh viên mà ông nêu ra tại Hội thảo?
GS Trần Ngọc Thêm: Xin nói ngay là tôi không thuộc nhóm người tin tưởng vào những con số mà các cuộc điều tra xã hội học ở Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, trong trường hợp đang xét, tôi thấy những con số này phù hợp với các kết quả nghiên cứu từ góc độ văn hóa học của nhóm chúng tôi và cho rằng chúng phản ánh thực tế xã hội hiện nay.
GS. Trần Ngọc Thêm (Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng - ĐH Quốc gia TP. HCM) cho rằng tỷ lệ nói dối tăng theo lứa tuổi là vấn đề không nhỏ.
- Theo GS thì bệnh nói dối của học sinh đã được hình thành như thế nào?
GS Trần Ngọc Thêm: Đó là cả một quá trình. Chúng ta đều biết rằng không ai thật thà bằng con trẻ: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” – ông cha ta từ lâu đã dạy thế. Nhưng dần dần, ở nhà các bé được chứng kiến những ứng xử của cha mẹ theo kiểu “nghĩ một đằng, nói một nẻo” và được giải thích rằng đó là sự tế nhị, khéo léo để không làm mất lòng nhau.
Ở trường, nhiều khi các bé được thầy cô dạy là khi đi thi, phải biết cách làm sao để giành phần thắng về cho trường mình; khi có đoàn thanh tra đến, các em sẽ giơ tay lên như thế nào, em nào sẽ trả lời thế nào… Các em tự nghĩ cách và bày cho nhau cách đối phó với những đòi hỏi, những kiểm soát của cha mẹ; những quy định, những yêu cầu của các thầy cô…
Lớn lên chút nữa, các em sẽ không khó khăn để nhận ra sự dối trá lan tràn khắp nơi. Từ thi cử gian dối, bệnh thành tích trong nhà trường (học sinh dốt cỡ nào cuối năm cũng được điểm 8-9 và lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông năm nào cũng cao ngất ngưởng) đến cân điêu, nói thách ở ngoài chợ; thanh minh thanh nga khi có lỗi; nạn phong bì, chạy chọt ngoài xã hội…
Sự dối trá phổ biến đến mức người lớn thường quên đi rằng mình đang nói dối, ai cũng nghĩ mình là người thật thà. Khi bị bắt gặp nói dối, họ luôn có đủ lý do để tự biện bạch. Cứ như thế, năng lực nói dối được tích lũy dần cùng với sự trưởng thành của đứa trẻ.
- Là nhà nghiên cứu văn hóa học, GS nhận định như thế nào về nguyên nhân của tệ nạn nói dối trong xã hội hiện nay?
GS Trần Ngọc Thêm: Qua những phân tích vừa nêu, có thể thấy tệ nạn nói dối trong xã hội hiện nay có cơ sở từ truyền thống ứng xử khéo léo của văn hóa làng xã. Đến nay, người Việt vẫn thích nghe lời nói khéo hơn là lời thật thà. Những lời nói thật thường bị chê là “thật thà quá”, ngụ ý là ngờ nghệch, dại dột. Người nói thật còn bị ném đá: “Thật như người miền Tây”. Nhưng nó chỉ trở thành tệ nạn nói dối nghiêm trọng là trong bối cảnh xung đột giữa văn hóa làng xã truyền thống với văn hóađô thị và kinh tế thị trường.
Từ đồng lương cho đến các quy chuẩn tài chính đều không hợp lý; mọi người, mọi cơ quan phải tìm mọi cách để tồn tại. Quản lý xã hội bị buông lỏng, người ta giải quyết mọi việc theo tình, theo tiền… chứ không theo pháp luật, quy chuẩn. Việc tham nhũng, chạy chức, suy thoái đạo đức… trở thành quốc nạn. Trong bối cảnh ấy, gian dối đã trở thành căn bệnh trầm kha đến mức không ít người có chức quyền đã trâng tráo nói dối mà không hề biết ngượng (như kiểu:“Không phát hiện mại dâm ở Quất Lâm, Đồ Sơn”; “Việc chạy chức ở Hà Nội chỉ là tin đồn thất thiệt”…).
Khi mà ngoài xã hội như thế, thì vô hình chung nói dối trở thành một phẩm chất mà thiếu nó, những người trẻ tuổi không đủ kỹ năng sống để đối phó với đời: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt/ Lọt luồn lươn lẹo lại lên lương”.
Người Việt Nam nói dối nhiều hơn nước ngoài?
- Tỷ lệ nói dối ở Việt Nam so với nước ngoài thì thế nào, thưa ông?
GS Trần Ngọc Thêm: Ở phương Tây, tuy các chính trị gia có dối trá, có thủ đoạn, nhưng nhìn chung thì truyền thống văn hóa phương Tây rất đề cao sự trung thực và dị ứng với thói dối trá. Văn hóa ứng xử của họ thắng thắn, sòng phẳng, không có lối nói khéo để lấy lòng nhau. Các quốc gia phương Tây có hệ thống quản lý theo luật pháp rất chặt chẽ, không có kẽ hở cho sự gian dối. Cho nên chắc chắc là tỷ lệ nói dối ở các nước phương Tây thua xa Việt Nam cả về mức độ và quy mô.
Nói dối trở thành căn bệnh, tệ nạn của xã hội.
- Liệu những con số này có đẩy các bậc cha mẹ vào suy nghĩ bi quan hơn không?
GS. Trần Ngọc Thêm: Tâm lý bi quan hay lạc quan chỉ là hệ quả của thực tế do chính chúng ta tạo dựng nên. Vì vậy, cách ứng xử thông minh duy nhất là phải đối mặt, nhìn thẳng vào sự thật để tìm biện pháp giải quyết tận gốc chứ không phải trốn tránh nó như con đà điểu chui đầu vào cát khi gặp hiểm nguy.
Đừng nên quá ảo tưởng về con cái mình
- Vậy giải pháp nào để hạn chế được tệ nạn này thưa ông?
GS Trần Ngọc Thêm: Có giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc và giải pháp trước mắt để áp dụng cho con em mình.
Trước mắt, để áp dụng cho con em mình thì cha mẹ cần tôn trọng con cái, học và sinh hoạt cùng con cái để gần gũi, hiểu con cái. Hiểu được năng lực thực sự của các em thì cha mẹ sẽ đặt ra những mục tiêu phù hợp, không đòi hỏi quá khắt khe, không kỳ vọng quá mức vào thành tích để gây áp lực quá mức khiến đứa trẻ phải dối trá để đối phó. Học cùng con cái và gần gũi con cái thì các em không thể qua mặt được cha mẹ, nói dối cha mẹ (nhất là trong lĩnh vực tin học).
Sở dĩ các em nói dối được cha mẹ chính là vì cha mẹ quá chủ quan, ảo tưởng về mình và con cái mình; vì cha mẹ xa rời con cái, tạo mọi điều kiện vật chất rồi để mặc con cái muốn làm gì thì làm; và vì có những lĩnh vực cha mẹ không hiểu biết bằng con, không đủ năng lực và trình độ để kiểm soát con. Nhưng trên hết thì cần giáo dục cho con có bản lĩnh, năng lực và kỹ năng tự đối phó được trong mọi tình huống một cách trung thực nhất có thể.
Về lâu dài, để giải quyết tận gốc nạn nói dối thì phải điều chỉnh truyền thống văn hóa. Trong văn hóa ứng xử, không nên quá đề cao sự khéo léo, tế nhị mà phải đề cao sự trung thực, thẳng thắn, dù cái sự thật mà ta phải đối mặt có cay đắng đến thế nào. Trong văn hóa pháp luật, phải luôn tôn trọng sự thật, sự công bằng, coi trọng sự nghiêm minh. Ứng xử theo tình cảm, chạy theo thành tích, quá đề cao sĩ diện, coi trọng hình thức, v.v. chính là những cội nguồn của bệnh dối trá.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!