Tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2013: Nguy cơ tan… trường ngoài công lập!

Theo Lao Động |

Sự kiện một trường trung cấp đang phải rao bán vì tuyển sinh không được, giá thuê đất cao cộng với nợ ngân hàng đã thêm một dấu hiệu cảnh báo đối với không ít trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, nếu trong mùa tuyển sinh năm 2013 không có gì cải thiện.

Khó tuyển

Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - GS-TS Trần Hồng Quân - khẳng định: Sự góp mặt của loại hình trường ĐH, CĐ ngoài công lập vào bức tranh tổng thể giáo dục đại học Việt Nam hơn 20 năm qua đã tạo nên diện mạo mới cho giáo dục - đào tạo Việt Nam, thu hút nguồn lực to lớn từ xã hội đầu tư cho giáo dục, tạo thêm cơ hội được học tập và tạo việc làm cho hàng chục vạn người.

Đây là kết quả của việc thực hiện đường lối đa dạng hóa, xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đến năm 2012, cả nước có 81 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, dù đã và đang “gồng” mình vượt khó để đào tạo, nhưng hằng năm mới chỉ đạt 14% số sinh viên cả nước.

Điều hệ trọng cấp bách hiện nay là nếu không có những thay đổi kịp thời thì trong vài năm tới chắc chắn một loạt trường ngoài công lập phải đóng cửa hoặc phá sản; làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư đang hoặc sẽ có ý định tham gia hoạt động giáo dục đào tạo.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập kêu rằng nếu vẫn duy trì cách tuyển sinh như hiện nay thì nhiều trường này sẽ đứng trước nguy cơ tan rã, đóng cửa. Ảnh: T.L

Bà Thu Hà - Trường ĐH Thành Đông - cũng khẳng định sự lo lắng về nguy cơ bị thu hẹp và giải thể của các trường ngoài công lập với hơn 50 nghìn sinh viên và 3 nghìn cán bộ, giảng viên như hiện nay nếu không có những biện pháp thích hợp trong việc tuyển sinh. Cùng chung ý kiến là ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng ĐHDL quốc tế Hồng Bàng.

Ông Hùng khẳng định “Nếu cứ tiếp tục cách tuyển sinh chưa phù hợp với thực tế như vẫn làm thì những hệ lụy, trong đó tình trạng xấu nhất là tan rã, phá sản... đối với nhiều trường ngoài công lập đã được nhiều chuyên gia trong ngành dự báo sẽ trở thành tương lai gần”.

Ông Trần Hồng Quân phân tích thêm, nhiều trường công lập ở địa phương, một số ngành như sư phạm, khoa học xã hội trong nhiều trường công lập khác cũng khó tuyển sinh nhưng các trường này không phá sản vì là trường công có ngân sách nhà nước rót xuống.

Nên cứu hay để tự đào thải?

Nguy cơ nội tại là có. Tuy nhiên, bên cạnh đó là nguy cơ đến từ hệ thống trường công lập và từ cách điều hành của Bộ GD-ĐT khiến các trường ngoài công lập nếu “chết” cũng không tâm phục khẩu phục.

Ông Trần Hồng Quân cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó nguyên nhân trực tiếp là trong vài năm gần đây chủ trương tuyển sinh tạo những trở ngại làm cho các trường ngoài công lập khó tuyển đủ chỉ tiêu.

Không gì lãng phí hơn khi một trường đại học với đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên mà không còn nguồn học sinh THPT đạt trên “ điểm sàn ” để tuyển sinh viên đến học.

Thực tế với cung cách thi tuyển sinh hiện nay, mỗi năm có khoảng nửa triệu học sinh tốt nghiệp THPT nhưng kết quả thi dưới “điểm sàn” nên không được tiếp tục học ĐH, CĐ trên đất nước mình.

Nhiều em trong số đó phải lo kinh phí để đi du học tự túc ở nước ngoài hoặc du học tại chỗ trong các trường nước ngoài được phép đào tạo tại Việt Nam. Tại các trường đại học nước ngoài các em vào học chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT.

Bộ GDĐT đã “có lời” về tìm kiếm phương án điểm sàn phù hợp hơn cho mùa tuyển sinh này, cũng như “mở đường” cho các trường ngoài công lập tự tìm phương án tuyển sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định Bộ GD-ĐT luôn sẵn sàng tạo cơ chế để cho các trường phát triển nhưng phải đảm bảo yếu tố chất lượng.

“Vừa qua các trường đề nghị được tuyển sinh riêng thì bộ cũng đồng tình trên quan điểm trường cần có phương án cụ thể, thể hiện đầy đủ năng lực của trường trong việc tự tổ chức toàn bộ các khâu tuyển sinh đảm bảo tính nghiêm túc, minh bạch, khách quan, trung thực và công bằng”.

Ông Ga nói: Cũng theo vị thứ trưởng này thì điều quan trọng nhất là đề án phải giải quyết được những bất cập trước thi “3 chung” như vấn đề luyện thi, học ôn...

Kể các trường công lẫn trường tư chứng minh thực hiện được điều này thì Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh ngay” – ông Ga nhấn mạnh. Tuy nhiên, “đề nghị” này của trường cũng bị phản pháo.

Lãnh đạo một trường ngoài công lập bức xúc: Bao nhiêu năm nay bộ làm phương án đổi mới tuyển sinh cũng với những mục tiêu như trên mà có xong đâu. Rồi bộ “đẩy” sang các trường đại học công lập nhóm đầu như các ĐH Quốc gia, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa... làm cũng chưa nổi. Bây giờ bảo các trường ngoài công lập làm mà không hề có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, chỉ chung chung như thế, thì khác gì đánh đố.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị một giải pháp phù hợp trong tình hình hiện tại: “Giải pháp cho tình trạng này chính là cần có chuẩn điểm sàn riêng cho từng hệ thống trường công lập hay ngoài công lập. Điều này sẽ giúp cân đối được nguồn lực lao động của xã hội.

Theo đó, nguồn lực do ĐH công lập sẽ cung cấp vào chuỗi những hoạt động tầm cao, vĩ mô, tham gia vào hoạt động kết cấu, quản lý xã hội hoặc các hoạt động trí óc ở tầm cao như nghiên cứu, phát minh...

Còn nguồn lực được đào tạo từ trường ĐH ngoài công lập sẽ là cung cấp nguồn lao động có năng lực chuyên môn tốt, đạt chuẩn của những chuỗi công việc cụ thể hơn của hạ tầng cơ sở...”.

Trường công cũng “cạnh tranh” quyết liệt

ĐH Quốc gia HN thông báo cấp kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho SV theo học các ngành khoa học cơ bản để thu hút thí sinh dự thi vào các ngành này.

Các ngành đó là: Máy tính và khoa học thông tin, khoa học vật liệu, địa lý tự nhiên, kỹ thuật địa chất, hải dương học, thủy văn học, quản lý tài nguyên và môi trường, khoa học đất, triết học, lịch sử, văn học, Hán nôm, nhân học, Việt Nam học. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng mức học phí SV phải đóng theo chương trình đào tạo, dự kiến 4,2 triệu đồng/ năm học.

Theo lãnh đạo nhà trường, 14 ngành học này là những ngành học có rất nhiều tiềm năng, cơ hội việc làm cao nhưng năm qua ít người biết đến, nên tuyển sinh rất khó khăn.

Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cũng đưa ra chính sách giảm 50% học phí cho sinh viên trúng tuyển 8 ngành hệ đại học năm 2013 là: Hệ thống thông tin (công nghệ thông tin, lâm sinh, kỹ thuật cơ khí, công thôn, khuyến nông, lâm nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ chế biến lâm sản (công nghệ gỗ).

ĐH Huế vừa công bố chỉ tiêu năm 2013 của 7 trường ĐH thành viên, 3 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu. Theo đó, tổng số có 12.450 chỉ tiêu, trong đó có 12.000 chỉ tiêu ĐH và 450 chỉ tiêu CĐ. Sinh viên trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Nga (ĐH Ngoại ngữ) sẽ được giảm 50% học phí (ngành này có 15 chỉ tiêu).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa phê duyệt đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020”. Theo đó, sinh viên theo học 5 chuyên ngành trên sẽ được miễn, giảm học phí.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại