Bởi, trước đó khoảng 20 ngày, chính vị bộ trưởng này đã nói “việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh”. Vậy Bộ trưởng Y tế cho phép hay không cho phép cán bộ y tế nhận phong bì sau khi điều trị cho bệnh nhân?
Trong 25 ngày, 2 tuyên bố trái ngược
Tại phiên họp ngày 18.4, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thắc mắc: “Tôi thấy bộ trưởng có nói không nhận phong bì trước và trong khi điều trị, còn phong bì khi khám-chữa bệnh xong thì cho nhận. Tôi rất băn khoăn chỗ này, không biết nhận trước hay sau thì khác nhau chỗ nào?”
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng khái nói: “Tôi đâu có cho phép nhận phong bì sau điều trị”!
Tại phiên họp này, bà bộ trưởng còn nêu ra một loạt các giải pháp để chữa trị căn bệnh “phong bì”. Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng đây không phải là vấn đề một sớm một chiều và bà kêu gọi lòng tự trọng trong nội bộ ngành.
Bản thống kê mức tiền đưa biếu nhân viên y tế (ảnh chụp lại từ tài liệu: Chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế: Thực trạng và giải pháp của Tổ chức Hướng tới minh bạch).
Trước đó, tại hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án giảm quá tải bệnh viện, tổ chức tại TPHCM (ngày 25.3), Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu từ giám đốc đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết “nói không với phong bì”.
Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị, còn sau đó lại là vấn đề khác.
Bộ trưởng còn giải thích rõ: “Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị”. Bà bộ trưởng còn nhấn mạnh: “Văn hóa Việt Nam... việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh”.
Vậy phải hiểu câu chuyện phong bì này như thế nào?
Tại sao lại bất nhất?
Ngay sau khi câu chuyện “mở cửa sau” cho phong bì được thông tin rộng rãi đã có ý kiến cho rằng, ngành y tế có lẽ đã bất lực trước chuyện nhận phong bì của y-bác sĩ nên bộ trưởng đành phải mở đường cho chuyện nhận “quà biếu” sau điều trị.
Liệu có phải Bộ Y tế trước đó đã đưa ra một quyết định vội vã về việc “cho phép nhận phong bì sau khi điều trị”? Theo nhận định của một số chuyên gia y tế thì đó là việc không nên và không thể kiểm soát được.
Một bác sĩ đang làm việc tại BV đầu ngành tim mạch đã từng tu nghiệp ở Pháp cho rằng: “Một bác sĩ được học hành, đào tạo bài bản để mang kiến thức đã học ra chữa bệnh cứu người, được xã hội trọng vọng, được người bệnh kính nể..., vậy mà lại ngửa tay nhận chiếc phong bì nhàu nát của một người nông dân nghèo khổ dù là phong bì cảm ơn sau khi chữa bệnh cho họ thì cũng không thể chấp nhận. Việc nhận chiếc phong bì đó, chính bác sĩ đã tự hạ thấp nhân cách, giá trị của mình chỉ vì tiền...”.
Có lẽ ai đã từng là người bệnh hay vào viện chăm sóc người bệnh sẽ rất tâm đắc với ý kiến của Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng.
Ông cho rằng: Nếu vì chưa được đãi ngộ thỏa đáng nên nhân viên y tế có quyền nhận phong bì của bệnh nhân là ngụy biện. Nhân viên y tế là công chức được Nhà nước trả lương phải có trách nhiệm phục vụ, điều trị cho bệnh nhân.
Bác Hồ dạy “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Tôi thấy nhiều BV giăng khẩu hiệu này nhưng lại bỏ rơi mất từ “phải”. “Phải” có nghĩa là bắt buộc, bất kỳ thầy thuốc nào cũng phải tận tụy như mẹ hiền, mà đã là mẹ hiền mà còn vòi vĩnh, moi tiền của “con” khi đau ốm là bất nhân, vô đạo đức và không thể chấp nhận”.