LTS: Liên quan đến những thông tin về việc có những thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự cũng như dạy nhau trốn tránh nghĩa vụ công dân này trên mạng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương.
Từng được coi là thần tượng của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam khi được phong anh hùng ở tuổi 21, tướng Lê Mã Lương đã có những kiến giải hết sức lý thú về vấn đề này.
PV: Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, ông có lo lắng con cháu ông sẽ bị ảnh hưởng bởi những thông tin dạy trốn nghĩa vụ quân sự như thế này không?
Tướng Lê Mã Lương: Tôi có 3 con, trong đó có 2 người tham gia quân đội. Với con cháu tôi, một trong những vấn đề hàng đầu được quan tâm là trách nhiệm công dân với đất nước. Khi chúng ta sống cho tử tế và có khát vọng thì sẽ có sự kế tục. Tôi không lo thế hệ sau sẽ xa rời truyền thống gia đình, không còn khát vọng cống hiến trong quân đội.
PV: Giả sử, ông đặt mình vào trong trường hợp làm cha mẹ của những thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ trên, ông sẽ xử sự như thế nào?
Tướng Lê Mã Lương: Nhiều nước có luật nghĩa vụ quân sự công bằng, nghiêm minh nên thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự rất nghiêm. Nghĩa vụ quân sự là vấn đề sống còn của Bộ Quốc phòng. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải luôn tỉnh táo, thể hiện trách nhiệm cao đối với đất nước dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Phải giáo dục ý thức quốc phòng, giáo dục cho các thế hệ sau trách nhiệm đối với đất nước. Thanh niên, luôn sẵn sàng tham gia nhập ngũ khi có giấy gọi, sẵn sàng tình nguyện để học làm sỹ quan.
PV: Có người đã cố gắng lý giải hiện tượng này bằng cách xét đến các yếu tố giáo dục, kinh tế, xã hội. Cụ thể, có hiện tượng này là do ngành giáo dục đã không giáo dục được lòng yêu nước cũng như giáo dục về những tấm gương dũng cảm trong thời chiến, do môi trường xã hội đất nước chuyển sang cơ chế thị trường làm cho người ta ích kỷ hơn… Ông có nghĩ những lý giải này hợp lý?
Tướng Lê Mã Lương: Theo tôi, có hiện tượng này là do luật chưa chặt, có chỗ thiếu công bằng. Lỗi cũng một phần từ người lớn đã không giáo dục cho thế hệ trẻ một cách nghiêm chỉnh về lòng yêu nước, về lòng tự tôn dân tộc.
Còn về lý do do cơ chế thị trường thì hoàn toàn không phải vì các nước trên thế giới đã có kinh tế thị trường từ lâu nhưng họ không như vậy. Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc là một ví dụ về việc này.
PV: Thưa Thiếu tướng, liên quan đến hiện tượng trốn nghĩa vụ quân sự, có người đã liên hệ đến tình trạng học sinh hiện nay ghét môn sử và học môn này yếu. Ông thấy sự liên hệ này thế nào?
Tướng Lê Mã Lương: Trẻ con không thích học sử là lỗi của người lớn. Đó là do không xác định môn sử là môn chính yếu. Lỗi đó một phần là sách giáo khoa Lịch sử hiện nay có những bài vừa sơ sài vừa không thiếu thông tin nên không cuốn hút được các em. Khi đó dễ dẫn đến nhận thức về lịch sử đất nước có vấn đề.
Và từ đó, không khó hiểu khi các em không hiểu gì về truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc bảo vệ đất nước. Cũng có thể vì lý do này mà các em đã tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
PV: Ngày nay, nỗi lo về sự vô cảm trong xã hội đang lớn dần trong xã hội khi người ta thấy tai nạn mà không cứu giúp, khi có nhiều vụ án mạng kinh hoàng với những sát thủ như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa...
Sự lo lắng đó không phải không có cơ sở khi có người lý luận rằng: đến đồng bào của họ mà họ còn không quan tâm thì khi có giặc ngoại xâm họ sẽ là những người đầu tiên bỏ chạy.
Ông thấy vấn đề này như thế nào và ông có tin rằng ngày nay vẫn còn rất nhiều những người sẵn sàng lấy máu viết đơn xin đi lính, cho đá vào túi quần để đủ cân đi lính, kiễng chân khi không đủ chiều cao để đi lính như cha ông ngày xưa?
Tướng Lê Mã Lương: Sự vô cảm trong xã hội xuất phát từ việc pháp luật thiếu nghiêm minh. Và quả thật, sự vô cảm đó đang trở thành nỗi lo cho bất cứ đất nước nào, xã hội nào.
Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp vô cảm với đồng bào của mình, trốn tránh nghĩa vụ khi đất nước kêu gọi, tôi tin vẫn có rất nhiều thanh niên khi không đủ tiêu chuẩn để vào lính, họ sẽ làm mọi cách để có thể được đi lính, chiến đấu, bảo vệ tổ quốc bởi lòng tự tôn dân tộc trong họ rất cao.
Dân tộc Việt Nam lạ lắm. Khi có chiến tranh xảy ra, người ta sẽ gác lại hết mọi việc riêng để lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Đó là truyền thống cực lỳ quý báu của dân tộc Việt Nam.
PV: Trong thời gian vừa qua, những thanh niên không đỗ đại học, cao đẳng thường có giấy gọi và tham gia nghĩa vụ quân sự. Từ đó đã xuất hiện suy nghĩ cứ những người học kém, không đi học ở đâu được thì vào quân đội. Ông suy nghĩ như thế nào về việc này?
Tướng Lê Mã Lương: Đúng là có hiện tượng như vậy và tôi rất lo lắng về vấn đề này. Việc tuyển quân rất quan trọng bởi nó sẽ quyết định chất lượng quân đội.
Trong một lần gặp mặt một vị thứ trưởng Bộ Quốc phòng gần đây, tôi đã đề cập đến vấn đề này. Việc tuyển quân chất lượng kém sẽ đem đến cho quân đội sau này những vị tướng kém không thể đảm đương được trọng trách bảo vệ đất nước…
PV: Đất nước đang hoà bình và phát triển, nhưng nếu không may đất nước có hoạ xâm lăng, nhân dân kêu gọi, ông có sẵn sàng tham gia công việc ở tiền tuyến?
Tướng Lê Mã Lương: Tướng Lý Thường Kiệt khi xưa 75 tuổi còn lên mình ngựa ra trận thì tuổi 63 của tôi đã ăn nhằm gì. Nếu có hoạ xâm lăng, tôi sẵn sàng tham gia chiến đấu và đó là chuyện bình thường. Tôi cũng tin rằng sẽ có hàng trăm tướng lĩnh như tôi sẵn sàng lên đường ra trận. Vì luật mà chúng tôi nghỉ thôi chứ tâm và sức chúng tôi chưa nghỉ.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng đã trả lời phỏng vấn!
LTS: Mời Quý độc giả gửi nhận xét, bình luận, ý kiến vào hộp thư: [email protected] hoặc comment vào ô "Viết bình luận" ở cuối bài. Những ý kiến hay sẽ được chúng tôi đăng tải. Trân trọng!